Lớp học tiếng Anh miễn phí cho học trò nghèo xứ Quảng của cô giáo khuyết tật

Hơn 5 năm qua, dù bản thân là người khuyết tật, cô giáo Lê Thị Hồng Yến (SN 1984) vẫn miệt mài dạy học trò nghèo trong lớp học tiếng Anh miễn phí.

Chi Nguyễn
07:00 20/06/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cô gái nhỏ với khát khao đi học

Chị Lê Thị Hồng Yến trầm ngâm nhớ lại, năm 1985, khi chị mới hơn 14 tháng tuổi thì bất ngờ bị ốm nặng, trải qua một cơn sốt thập tử nhất sinh. Sau đó, các bác sĩ cho biết, chị đã bị liệt tứ chi sau cơn sốt, vĩnh viễn không thể đi đứng hay tự cầm nắm bất cứ thứ gì. 

lop-hoc-tieng-anh-mien-phi-cho-hoc-tro-ngheo-cua-co-giao-khuyet-tat
Cô giáo Lê Thị Hồng Yến

Thế nhưng, sau này chị Yến cố gắng vận động, nhích từ cánh tay mình rồi dần dà có thể cầm nắm bằng tay trái. Năm 6 tuổi, nhìn các bạn đồng trang lứa đến trường, chị Yến thủ thỉ: "Má ơi, con muốn đi học". Nghe con nói vậy, bà Trần Thị Hồng Cúc (mẹ chị Yến) vừa mừng vừa tủi. Bà lo lắng con có thể bị bạn bè chọc ghẹo, nhưng lại không muốn ngăn cản mong ước đến trường của con.

Trong suốt 12 năm sao đó, ông Lê Cao Trung (bố chị Yến) miệt mài đưa con đi học bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Trên đường đi học, rất nhiều lần chị Yến đã ghé vào tai cha mà thủ thỉ: "Ba ơi! Ba phải luôn khỏe nhé, vì ba là đôi chân của con".

Ước mơ tạm khép lại và con đường tương lai mới

Được biết, chị Yến có một đôi bàn tay tài hoa, ngay từ khi còn nhỏ đã say mê nét vẽ, sắc màu. Năm học lớp 12, chị Yến thổ lộ rằng mình muốn làm nhà thiết kế thời trang. Cứ thế, mỗi tuần 2 buổi, ông Trung lại miệt mài đưa con đến gặp thầy Nguyễn Hữu Quang, thầy giáo cũ của chị Yến để luyện vẽ.

Tốt nghiệp THPT xong, chị Yến chọn theo học ở một trường cao đẳng mỹ thuật để theo đuổi ước mơ. Nhưng do trường ở xa, chị lại không thể sống một mình nên chị đành tạm gác ước mơ. Sau đó, chị lại thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi với số điểm gần thủ khoa. Thế nhưng, cánh cửa giảng đường lại khép lại, bởi trường không tiếp nhận sinh viên khuyết tật vào ngành sư phạm.

lop-hoc-tieng-anh-mien-phi-cho-hoc-tro-ngheo-cua-co-giao-khuyet-tat
Cuốn sách "Tôi không bất hạnh" của tác giả Hirotada Ototake đã truyền cảm hứng cho chị Yến

Chị Yến nhớ lại: "Gần 10 năm trôi qua, đó khoảng thời gian dài tôi đã sống rất mờ nhạt". Thế nhưng, chị lại nhớ về cuốn sách được một người bạn của mẹ tặng có tên "Tôi không bất hạnh" của tác giả Hirotada Ototake. Ototake là một chàng trai bị liệt tứ chi bẩm sinh, nhưng đã trở thành thầy giáo tiểu học và nhà văn danh tiếng ở Nhật Bản.

Sự nỗ lực và hành trình vượt khó vươn lên của Hirotada Ototake đã truyền cho chị Yến nguồn cảm hứng vô tận. Chị tâm sự: "Tôi sẽ làm những việc tôi có thể, sống cuộc đời mà số phận đã cho, không trách móc hay chờ đợi sự thương xót của cộng đồng".

Sau đó, bố mẹ chị Yến tìm thêm cho chị vào khóa học tin học, tiếng Anh, chủ yếu để con khuây khỏa nỗi buồn. Thế nhưng, những bài học tiếng Anh đó lại là cơ duyên đưa chị Yến với nghề dạy học, khi một người họ hàng nhờ chị dạy kèm cho con.

lop-hoc-tieng-anh-mien-phi-cho-hoc-tro-ngheo-cua-co-giao-khuyet-tat
Tôi sẽ làm những việc tôi có thể, sống cuộc đời mà số phận đã cho, không trách móc hay chờ đợi sự thương xót của cộng đồng

Năm 2011, may mắn mỉm cười với chị Yến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế mới tạo điều kiện cho thí sinh khuyết tật vào đại học. Năm đó, chị được tuyển thẳng vào Đại học Phạm Văn Đồng (tiền thân là Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi) và theo học ngành tiếng Anh. Một lần nữa, người cha già lại tiếp tục làm đôi chân cho con đi học, leo mấy tầng cầu thang đến lớp.

Lớp học đặc biệt của cô giáo đặc biệt

Tháng 6/2015, chị Yến tốt nghiệp đại học sau nhiều năm lận đận. Lúc này, chị bắt đầu thực hiện ước mơ làm cô giáo của mình. Thấy học sinh nghèo, gia đình không có tiền cho học, chị nhờ người thân vận động họ để cho con đi học miễn phí. Ngay cả với gia đình có điều kiện, chị cũng chỉ lấy học phí vừa phải, đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Với phương pháp dạy đơn giản, dễ hiểu, lớp học tiếng Anh của chị Yến ngày càng được nhiều người biết đến. Không ít người ngạc nhiên khi một người khuyết tật như chị, cả đời sống phụ thuộc vào chiếc xe lăn lại có thể dạy nhiều lớp tiếng Anh đến thế, với hơn 120 học sinh. 

lop-hoc-tieng-anh-mien-phi-cho-hoc-tro-ngheo-cua-co-giao-khuyet-tat
Chị Yến mở lớp học tiếng Anh dạy học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 với hơn 120 em

Đến với lớp học của cô giáo đặc biệt, các em học sinh sẽ được nghe những câu chuyện đầy nghị lực sống của những con người đã vượt qua bạo bệnh, khiếm khuyết để vươn lên. Tất cả những câu chuyện ấy đều được chị Yến kể bằng tiếng Anh, khiến các học trò càng thêm yêu thích việc đi học.

Chị Yến tâm sự: "Tôi truyền cho các em những suy nghĩ đúng với từng lứa tuổi. Đó là sự chăm ngoan, chơi đúng chỗ và biết tôn trọng những người bên cạnh. Có nhiều em cũng rất nghịch ngợm nhưng sau buổi nói chuyện thì vào lớp đã biết chào cô, chào các bạn và rất ngoan".

Bên cạnh công việc "gieo chữ", chị Yến thổ lộ mình đang ấp ủ ước mơ trở thành một nhà văn trong tương lai. Chị kể, thầy giáo Hirotada Ototake khi viết cuốn tự truyện của mình có lẽ chưa bao giờ nghĩ nó sẽ chạm vào trái tim một người khuyết tật như chị. Cuốn sách ấy đã truyền lửa cho chị, khiến chị kiên cường theo đuổi ước mơ của mình.

"Người vận chuyển" xứ Quảng dành toàn thời gian cho cuộc chiến chống dịch COVID-19

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận