Lão nông Trà Vinh kiếm bộn nhờ trồng khổ qua trong chai, đổ thêm rượu làm thành đặc sản
Thay vì trồng khổ qua như thường, lão nông Trà Vinh lại nảy ra ý tưởng trồng trong chai thủy tinh, đến khi chín thì đổ thêm rượu làm đặc sản.
Ông Nguyễn Văn Thăm (71 tuổi, trú phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết, trước nay người dân làng ông có truyền thống trồng dừa. Mãi đến năm 2000, gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác bắt đầu chuyển sang đa dạng hóa sản phẩm, đào ao nuôi cá hoặc trồng thêm rau màu.
Năm 2010, thị trường rau màu bão hòa, thu nhập bấp bênh, được mùa mất giá. Trước tình cảnh đó, ông Thăm bắt đầu tìm tòi cách tạo ra sản phẩm mới có hiệu quả kinh tế cao. Đó là lúc ông nghĩ đến chuyện làm rượu khổ qua (mướp đắng). Ban đầu, lão nông Trà Vinh thử tìm hiểu trên mạng và sách báo nhưng vẫn không ưng ý. Một hôm nọ, thấy vợ ông là bà Lê Thị Bắc bọc trái cây vào túi bóng tránh côn trùng, ông Thăm chợt nảy ra ý tưởng táo bạo.
Ông kể: "Lúc đó tôi nghĩ sao không cho trái khổ qua non vào chai, như thế cũng chẳng sâu bệnh nào hại được. Chờ khổ qua lớn thì hái xuống, rót thêm rượu vào là thành sản phẩm độc đáo". Nghĩ là làm, ngay vụ khổ qua năm đó, ông thử nghiệm làm hơn 100 chai rượu. Khổ qua nhà trồng được, rượu cũng tự nấu nên chi phí ban đầu không quá tốn kém.
Sau 3 tháng ủ quả, rượu lên màu đẹp lại có mùi thơm, ông gom hết thành quả đem đi biếu tặng bạn bè, hàng xóm. Hầu hết mọi người uống xong đều khen, có người hỏi mua thêm, có người lại bảo ông nên "làm lớn" rồi đăng ký bản quyền. Thấy đây là cơ hội tốt, ông tự tin bào với vợ lấp mương nước trước nhà, lấy đất trồng thêm 300 gốc khổ qua. Ông cũng tự nghĩ ra tên thương hiệu, đặt tên sản phẩm rồi thiết kế bao bì chuẩn bị đem bán.
Ông Thăm bật mí: "Tôi trồng khổ qua trong thùng xốp để theo dõi dinh dưỡng, sâu bệnh và chăm bón tốt nhất. Canh tác hoàn toàn hữu cơ, khổ qua lớn rất nhanh, chỉ trồng chừng một tháng, cây đã ra quả rồi. Lúc này, tôi lựa những trái đẹp cho vào chai thủy tinh, chai cũng treo lên giàn cho đến khi hái trái. Trái hái xuống, mình rửa sạch, hong khô, xóc qua một lần rượu rồi mới rót rượu vào ngâm. Sau 3 tháng ra sản phẩm, mình gửi đi giám định thành phần thì đều đạt hết, an toàn, từ đó mới đăng ký bản quyền, thương hiệu".
Chỉ trong năm đầu tiên, ông đã sản xuất được 7.000 chai rượu. Mỗi chai có giá bán chỉ khoảng 75.000 đồng, lại là sản phẩm mới lạ nên thương lái bao tiêu hết. Thừa thắng xông lên, ông mở rộng bán rượu mướp đắng ra quốc tế, lên kệ nhiều siêu thị nước ngoài. Cán bộ phụ trách nông nghiệp ở phương cho hay, sản phẩm rượu khổ qua của ông có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Vì thế, địa phương đã lựa chọn là sản phẩm đại diện, ngoài ra còn hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao.
Đặc biệt, bao năm qua ông nhất quyết không tăng giá. Vườn khổ qua nhà ông chỉ rộng vài trăm mét vuông, nhưng cũng đủ để vợ chồng ông kiếm về 500 triệu đồng/năm. Ông tâm sự: "Sản phẩm được ưa chuộng ban đầu vì nó độc lạ. Người ta thắc mắc tại sao trái khổ qua to như thế lại cho vừa, lọt qua cổ chai bé. Nhưng sau cùng, muốn tồn tại được thì rượu phải ngon, an toàn. Chỉ trồng giàn khổ qua này là vợ chồng tôi sống ổn".
Theo Nguyễn Cường/Dân Trí
Xem thêm: Nhờ vườn chuối tiêu hồng "một vốn bốn lời", lão nông Kon Tum đổi đời thành tỷ phú nông dân
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận