Khẩu nghiệp là gì? Những khẩu nghiệp nào cần tuyệt đối tránh?
Theo quan niệm của đạo Phật, khẩu nghiệp được coi là một trong những nghiệp nặng nhất, cần tuyệt đối tránh kẻo dẫn đến quả báo khó lường.
Khẩu nghiệp là gì?
Trong quan niệm của đạo Phật, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất, tức là nghiệp gây ra từ lời nói, là tội mà con người rất dễ mắc phải. Khẩu nghiệp là hành động có thể dẫn đến những quả báo khó lường, hậu quả nghiêm trọng, dẫn tới nhiều sự khổ đau, phiền não. Một lời nói vô tình thất đức có thể được thốt ra bất cứ khi nào, có thể làm ảnh hưởng tới cuộc sống của chính bản thân người nói và những người phải lắng nghe. Vết thương vật lý một người gây ra đối với thân thể người khác còn có thể lành, nhưng vết thương lòng do lời nói gây ra thì khó có thể lành lặn, bình thường như cũ.
Theo 10 ác nghiệp mà Đức Phật đã chỉ dạy, khẩu nghiệp có tới 4 ác nghiệp, chiếm tới gần một nửa. Cụ thể, 4 điều bất thiện về khẩu nghiệp gồm: vọng ngữ (nói dối, nói láo), ỷ ngữ (thêu dệt, bịa đặt), lưỡng thiệt (đâm chọc, khiêu khích) và ác khẩu (chửi rủa). Không phải ai cũng có thể làm ra chuyện thất đức, nhưng lời nói phạm phải khẩu nghiệp lại rất dễ mắc. Phúc báo dù có tích lũy qua kiếp này kiếp khác, qua năm này qua tháng nọ cũng vì phạm phải khẩu nghiệp mà tiêu tán hết.
Có câu nói cho rằng: "Đa ngôn đa quá", ám chỉ những người càng nói nhiều thì lại càng dễ mắc lỗi. Câu nói này không hàm ý nói những người có tính cách vui vẻ, thích trêu đùa chỉ nhằm mục đích gây cười, tạo thêm niềm vui, mà ám chỉ những người có tính gặp đâu nói đó, nghĩ gì nói đấy, nói cho "sướng mồm sướng miệng" chứ không suy nghĩ sâu về hậu quả sau này.
Những khẩu nghiệp cần tuyệt đối tránh
Khẩu nghiệp được cho là một trong những nghiệp nặng nhất đời người, hiểm họa nhiều khi từ miệng mà ra, chỉ vì người nói vô tâm vô tình còn người nghe lại quá hữu tình, hữu ý. Dưới đây là một số khẩu nghiệp cần tuyệt đối tránh để không gặp phải quả báo khó lường sau này:
Trù ẻo người khác ốm đau, bệnh tật, dễ vận vào thân.
Nói lời công kích người khác dễ bị đau răng.
Nói lời tuyệt tình có thể gây đại nạn.
Nói lời phét lác có thể trở nên vô dụng.
Nói yêu một người nhưng không làm được, dễ bị lừa gạt.
Hay oán than, than vãn thì đời này dễ gặp khổ đau.
Nói tiếng kiêu ngạo thì cả đời khó yên ổn.
Thích gây thị phi thì suốt đời bị phủ nhận.
Cười nhạo, nhạo báng người khác thì mãi mãi thua thiệt.
Tâng bốc người nhà, dễ gặp chuyện mất mặt, xấu hổ.
Cả ngày nói lời tiêu cực, sống một đời sóng gió khổ đau.
Hay luận thị phi, cuộc sống lâm cảnh bần hàn.
Nói tiếng hận đời dễ gặp họa oan nghiệp.
Hay chứng minh bản thân dễ bị người khác hiểu lầm.
Ưa nói dối thì người đời coi rẻ.
Ưa nghe nịnh nọt, một đời ắt khó thành công.
Hay nịnh bợ người khác, dễ bị bán đứng.
Nói lời khinh thường dễ nhận quả báo nhân cách bị hủy hoại.
Nói lời ly gián, hại người thì cuối đời cô quạnh.
Ăn nói bỗ bã, không có đường lui dễ gặp phải đại nạn tuyệt vận.
Theo đạo Phật, những lời như trên được coi là nghiệp, và sẽ gây ảnh hưởng cũng như chi phối đời sống của người đó. Dù vậy, trong một số trường hợp nhất định, những lời nói có mục đích nhằm cứu giúp hoặc bảo vệ cho người khác thì không bị coi là khẩu nghiệp.
Cách tu khẩu nghiệp để tránh hậu quả khôn lường
Khẩu nghiệp được coi là nghiệp lực khó khắc phục nhất khi tu hành, là lực cản lớn nhất với việc tu hành chứng đạo, là nghiệp lực chủ yếu đưa con người đọa xuống ác đạo. Để tránh khẩu nghiệp, con người phải học cách nói thật, nói lời hòa hợp, không buông lời dối trá, chia rẽ. Không vì ngụy biện: "Tính tôi thẳng thắn, có sao nói vậy" mà buông lời khiếm nhã, làm tổn thương người khác.
Ngay cả khi dùng mạng xã hội, nếu có bắt gặp bài viết có tính tiêu cực, khiếm nhã thì một người cũng phải biết xem xét kỹ lưỡng trước khi tiếp nhận hay tương tác. Đó có thể là những bài đăng, bài viết từ những người có tâm bất thiện, ganh ghét, đố kỵ, cố tình tung tin bịa đặt, nói xấu người khác. Nếu một người tùy ý tin theo, chia sẻ hay tương tác với những điều bất thiện như vậy cũng có thể khiến cho khẩu nghiệp nhân lên, lan rộng ra nhiều lần, gây ra hệ lụy lớn, khiến nhiều người cùng lúc bị nhận về quả báo khó lường.
Người hay phạm khẩu nghiệp dễ gặp nhiều khó khăn, vất vả, cuộc sống thường chập vật, khổ sở. Tài sản, tiền bạc có dồi dào như nước thế nào thì miệng ăn hoài cũng hết; phước đức dù cực khố tích cóp, gieo tạo nhiều kiếp mà miệng vẫn buông lời phê phán, chỉ trích, tạo nghiệp thì sớm muộn cũng tiêu tan. Bởi vậy, phàm trước khi làm gì, nói gì, con người nên suy nghĩ cẩn thận, tránh nói những lời vô tình làm tổn thương, xúc phạm người khác.
Phật đã dạy rằng, người trí tuệ là người biết cách tu miệng, tu tâm, vừa là cách tránh khỏi họa thị phi, vừa tránh khỏi việc làm mất đi phúc báo. Dân gian cũng có câu tục ngữ: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay câu: "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" là có ý như vậy, khuyên nhủ người ta nên biết bao dung, kiềm chế những lời tiêu cực để tránh phạm khẩu nghiệp, để cuộc sống của mỗi người vui vẻ hơn, ý nghĩa hơn, tâm hồn lúc nào cũng thư thái, an yên.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận