Hướng dẫn viên du lịch bỏ nghề để khởi nghiệp làm ống hút cỏ, xuất bán trời Âu thu lời lớn
Thấy ở quê cỏ sậy, cỏ bàng dồi dào, Huỳnh Văn No đã quyết định bỏ nghề hướng dẫn viên, bắt tay vào khởi nghiệp làm ống hút cỏ.
Tuổi thơ của anh Huỳnh Văn No (29 tuổi) gắn liền với vùng quê sông nước ở huyện Gò Quao, Kiên Giang. Ngày nhỏ, anh cùng anh chị, bạn bè thường dùng cây sậy, cỏ bàng ở ngoài đồng làm ống hút, uống nước dừa thơm ngon. Có lẽ những ký ức tuổi thơ ấy chính là ngọn lửa nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp "xanh" trong tâm trí anh No.
Sau khi ra trường, 9x Kiên Giang theo đuổi nghề hướng dẫn viên du lịch. Trong suốt 5 năm làm việc, anh có cơ hội được đi 22 quốc gia ở Châu Á và Châu Âu. Anh tâm sự: "Khoảng thời gian đó cho tôi rất nhiều thứ, từ tư duy, nhận thức, đặt biệt là thế giới quan. Cũng từ đó mình mới có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn minh hiện đại của những quốc gia phát triển trên thế giới".
Một trong những điểm đến mà anh ấn tượng nhất là Singapore, quốc đảo được coi là nơi sạch nhất thế giới. Trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu về những quy luật bảo vệ môi trường ở đó, anh No dần ý thức hơn về môi trường và thiên nhiên. Anh bắt đầu suy nghĩ muốn tạo ra công việc gì đó ở vùng nông thôn, giữ chân bà con tại quê nhà, giúp họ không phải đi làm ở nơi xa nữa.
Đó là lúc anh nảy ra ý tưởng tận dụng cỏ sậy, cỏ bàng để làm ống hút xanh bảo vệ môi trường. Anh kể: "Lớn lên, được chu du qua một số nước khiến tôi nghĩ tại sao không thử tận dụng cây sậy để làm ống hút, vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo công việc cho bà con". Tháng 3/2019, anh bắt đầu bắt tay vào khởi nghiệp, sau khi đã dành thời gian đi tới những vùng đệm của rừng U Minh Thượng tìm mua nguyên liệu sản xuất. Vùng đệm này có diện tích hơn 13.000 ha, trong đó phần lớn là những bãi cỏ sậy mọc tự nhiên.
9x cho biết, anh vốn là dân tay ngang, nên quy trình sản xuất và chuẩn bị trang thiết bị rất khó khăn. Do đây là công việc khá mới mẻ, nên thời gian đầu anh phải tự chế máy cắt, máy vệ sinh ống hút. phải tự chế máy cắt, máy vệ sinh ống hút. Dù vậy, anh không hề nản chí, càng quyết tâm khởi nghiệp.
Trước tiên, ta phải chọn lọc những cây sậy đạt tiêu chuẩn để làm ống hút, cụ thể là cây phải độ già, thẳng và không quá nhiều mắt (đốt). Công đoạn chế tạo một ống hút cỏ gồm 8 phần: Thu mua cỏ sậy rồi cắt theo từng ống dài từ 15-20 cm, khoan thông ống. Tiếp đó, ta cần vệ sinh phía trong và ngoài ống, luộc trong nước sôi khoảng 10 phút, rồi sấy khô bằng máy chuyên dụng. Sau cùng, ta xử lý ống hút bằng tia UV, kiểm tra va đóng gói.
Trung bình mỗi tháng, xưởng của anh có thể sản xuất được tối đa khoảng 5 - 6 triệu ống hút cỏ sậy và cỏ bàng các loại. Ống hút có đủ kích cỡ để phục vụ cho các mục đích uống trà sữa, cà phê, sinh tố... Giá ống hút giao động từ 1.000 - 2.000 đồng, có thể giữ trong vòng 6 - 12 tháng, với điều kiện bảo quản khô ráo.
Ống hút cỏ có nhiều ưu điểm, sản xuất ít tốn kém năng lượng, rác thải sau sản xuất cũng không độc hại tới môi trường, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Hệ sinh thái không bị ảnh hưởng, do cây cỏ có vòng đời 1 năm, nếu không thu hoạch cây cũng sẽ già và tự chết đi. Không chỉ vậy, công ty khởi nghiệp này còn đang tạo công ăn việc làm cho 12-15 nhân công địa phương với mức thu nhập 150.000-170.000 đồng/ngày/người.
Sản phẩm ống hút của chàng trai Kiên Giang không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn chinh phục được nước khó tính trên thế giới, như: Đức, Hà Lan, Áo, Singapore, New Zealand... Vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, vận chuyển nên việc kinh doanh bị ảnh hưởng. Hiện tại, xưởng chỉ nhận sản xuất theo đơn hàng khách đặt trung bình khoảng 400.000 - 800.000 ống/tháng.
Theo Dân Trí, VnExpress
Xem thêm: Khởi nghiệp từ chiếc mo cau tưởng bỏ đi, 8x Phú Yên thu lời trăm triệu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận