"Minh cô đơn": Vị hiệp sĩ dành nửa đời người dầm mưa dãi nắng giúp đỡ người lao động nghèo
Hơn 20 năm qua, chú Minh cô đơn ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM không quản khó khăn, miệt mài giúp đỡ sinh viên và người lao động nghèo.
Nhắc đến chú "Minh cô đơn", không ai ở khu vực làng Đại học Quốc gia TP.HCM không biết. Chú tên thật là Nguyễn Văn Minh (SN 1962), nổi tiếng khắp vùng vì tấm lòng vàng luôn hết mình giúp đỡ sinh viên và người nghèo. Dù đã 60 tuổi, nhưng chú không hề lập gia đình, cứ lủi thủi nay đây mai đó đi giúp người, giúp đời. Trước kia, người đàn ông này ở trong một căn chòi nhỏ giữa rừng, nhưng sau mùa dịch vừa qua, ông đã chuyển tới ngủ ở nơi làm việc là một phòng bảo vệ bỏ hoang.
Giải thích cái thên "cô đơn", chú tâm sự: "Tại tôi không vợ, không con, cũng không nhà cửa, suốt ngày chỉ ở một mình nên người ta mới gọi vậy". Hằng ngày, chú dừng xe ba gác ở ngã tư Quốc phòng, còn gọi là ngã tư Hồ đá (Bình Dương) để "hành nghề". Sinh viên, người lao động nghèo đến vá vỏ, bơm bánh, thay ruột, thậm chí đổ xăng, chú đều không lấy tiền.
Dụng cụ của chú chẳng có gì nhiều, chỉ là bộ đồ nghề sửa xe chất lên chiếc xe ba gác được mạnh thường quân tặng. Chỉ vào chiếc xe ba gác, chú kể rằng hồi năm 2020, chú bị bọn xấu gài bẫy, đánh đập. May thay được cứu kịp nên chú thoát chết, nhưng xe và nhà đều bị cháy rụi. Cuối năm đó, chú lại bị kẻ gian trộm mất chiếc xe ba gác chở hàng.
Nguyên do có lẽ là vì chú trước kia hay chạy xe đi tuần các tuyến đường nóng trong làng Đại học để hỗ trợ, từng được gọi là Minh "hiệp sĩ". Chú chẳng ngại nguy hiểm, chỉ mong cứu giúp những người gặp cướp giật, những nạn nhân của bọn biến thái.
Nghe tin Minh "cô đơn" gặp nạn, nhiều người tìm đến tặng cho xe máy, điện thoại, và hỗ trợ chú dựng lại căn chòi mới. Được trao tay gần 100 triệu đồng ủng hộ khi đó, chú bần thần bảo: "Mỗi ngày tui có mối giao hàng cho người quen kiếm được 100 nghìn, xài không hết. Tui không vợ con, số tiền lớn như vậy chẳng biết dùng vào việc gì".
Cuối cùng, "Minh cô đơn" quyết định sắm một chiếc xe ba gác để chở đồ đạc, chuyển nhà miễn phí cho sinh viên. Phần tiền ủng hộ còn lại, chú chẳng để dành mà lại mua hơn 200 bộ săm lốp xe máy để "tặng" những người cơ nhỡ. Ngày thường, tiền mua dụng cụ sửa xe cũng là chú bỏ tiền túi mua, không nỡ kêu người ta trả. Thời điểm xăng tăng giá cao, chú Minh còn dự trữ xăng để đổ cho sinh viên.
Chú kể: "Bây giờ tôi mang chiếc xe Honda đi cầm cố luôn, để lấy tiền đó trả nợ rồi mua thêm đồ nghề về. Đem chiếc xe đi cầm, tôi cũng hoang mang, có khi còn nghĩ không biết mình đang làm thế vì điều gì". Xe máy cũ không còn, chú tạm dừng nghề xe ôm, chuyển sang đi chở hàng. Ngồi một lúc, chú lại bộc bạch: "Đó giờ tôi chở hàng không có tính toán, ai đưa bao nhiêu thì tôi lấy bấy nhiêu, tùy tâm người mướn mình. Tôi gặp nhiều người vậy rồi, lúc đó chỉ thấy buồn thôi. Đời mà, có người này người kia...".
Theo Tổ quốc, VnExpress
Xem thêm: Câu chuyện ấm lòng đằng sau 33 chiếc phao cứu sinh bất ngờ xuất hiện trên các cây cầu ở Hà Nội
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận