Chuyên gia đánh giá: Giá đất tăng vùn vụt nhưng hầu hết là do "cò đất" sang tay, người mua thực ít
Thị trường bất động sản cuối năm quả thực sôi động, giá nhà giá đất tăng vùn vụt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hầu hết giao dịch là của "cò đất".
Những ngày cuối tháng 12/2021, thị trường bất động sản trên cả nước sôi động trở lại. Nhiều phân khúc như chung cư, đất nền,... bỗng tăng giá chóng mặt ở nhiều tỉnh, thành phố.
Chị V.H. ngán ngẩm chia sẻ, chị đi tìm mua đất tại Hà Nội để ở nhưng không chọn được lô nào ưng ý. Tháng 6 vừa qua, chị tìm hiểu dự án ở huyện Hoài Đức, lô liền kề khi ấy có giá gần 100 triệu đồng/m2, nào ngờ đến tháng 11 đã tăng lên 140 triệu. Chị H. cho hay: "Khảo giá một dự án ở quận Hoàng Mai gần hồ điều hòa trước giá có 80 triệu đồng/m2 sau vài tháng đã lên 100 triệu đồng/m2. Giá tăng từng ngày người muốn mua ở cũng không xoay sở kịp".
Không chỉ có phân khúc đất nền, giá chung cư cũng tăng từ 10-15% khiến nhiều người mua choáng váng. Dự án chung cư ở Xuân Phương trước kia có giá 26-27 triệu đồng/m2, đến nay đã tăng tới 29 triệu đồng/m2. Theo một nhà môi giới, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dự án bị trì trệ, lượng cung bất động sản giảm, giá vật liệu xây dựng lại tăng. Vì thế, các chủ đầu tư phải điều chỉnh giá, giá tăng theo quy luật thường thấy. Tuy nhiên, ở một số nơi, giá bất động sản được chào bán ở mức giá chưa từng có.
Chẳng hạn, giá nhà liền kề, biệt thự ở dự án khu đô thị ngoại thành Hà Nội đang chào bán cao ngất ngưởng, có căn biệt thự có giá 60 tỷ đồng ngang ngửa giá đất nội thành. Phân khúc khác như đất nền, đất thổ cư, đất đấu giá, đất dịch vụ cũng tăng giá từng ngày.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, nếu bất động sản được bán với giá phù hợp thì hết nhanh chóng vì đang khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên, nếu dự án nào bán với giá cao ngất ngưởng thì giao dịch thấp, đơn cử như các dự án ở huyện Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội). Các vùng xa hơn ở Hà Nội như huyện Mê Linh, Sóc Sơn do giá nhà còn thấp nên dù tăng 10-20% vẫn sẽ có người mua.
Ông Đính phân tích: "Các khu vực huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì (Hà Nội) gần như không có các dự án bất động sản triển khai, mua bán giao dịch ở đây chủ yếu là đất ở, đất dịch vụ, đất nông nghiệp xen kẹt. Tuy nhiên, trong số này rất nhiều đất không có pháp lý. Đây là khu vực giá tăng hằng ngày.
Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay. Điều này tạo ra hiện tượng “nóng, sốt đất” nhưng người mua thật ít. Nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021 nhiều người vào theo phong trào và đã chịu lỗ".
Có thể thấy, bất chấp những tin đồn về việc xuất hiện cơn sốt đất, các nhà đầu tư đang cẩn thận và cẩn trọng hơn khi đầu tư bất động sản. Họ tập trung đàu tư theo nhu cầu và khả năng tài chính, cảnh giác để không chạy theo tâm lý số đông.
Theo Phương Hoài/VOV
Xem thêm: Muốn làm giàu nhờ đầu tư bất động sản, đừng ngại vay tối đa ngân hàng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận