Đinh Tiên Hoàng cho con trai ra mặt giao thiệp với hoàng đế nhà Tống, coi Triệu Khuông Dẫn như bậc... con cháu

Trong các văn bản ngoại giao với nhà Tống, Đinh Tiên Hoàng giao cho con trai Đinh Liễn đứng tên, hàm ý coi hoàng đế nhà Tống Triệu Khuông Dẫn không khác gì bậc con cháu.

Chi Nguyễn
08:00 04/09/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đinh Tiên Hoàng (丁先皇, tên húy là Đinh Bộ Lĩnh) là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn.Ông là hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc Thuộc, sáng lập ra nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. 

Nhà nước Đại Cồ Việt mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Kể từ giây phút ấy, các vua không xưng Vương hay Tiết độ sứ, mà xưng Hoàng đế như một dòng chính thống. Mặc dù triều Đinh chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 12 năm, nhưng dấu ấn của triều đại ấy thì không hề phai mờ mà vô cùng chói sáng.

dinh-tien-hoang-va-chuyen-coi-hoang-de-nha-tong-nhu-bac-con-chau
Đinh Bộ Lĩnh thường bắt bọn trẻ con chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử

Đại Việt sử ký toàn thư có một phần kể về tuổi thơ của ông như sau: "Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi, thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho bọn chúng ăn.

Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương".

dinh-tien-hoang-va-chuyen-coi-hoang-de-nha-tong-nhu-bac-con-chau
Đinh Tiên Hoàng tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt nền móng ngoại giao nước ta ngang bằng với các triều đại phong kiến Trung Quốc

Năm xưa, sau khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho nước ta cũng chỉ xưng là Ngô Vương. Nhà họ Khúc hay Dương Đình Nghệ tuy đã giúp đất Việt có được tự chủ, nhưng chỉ xưng là Tiết độ sứ để khỏi phát sinh phiền phức với triều đình phương Bắc. Năm xưa cũng có Lý Bí (tức Lý Nam Đế) và Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế) xưng Đế, nhưng phải tới thời Đinh Bộ Lĩnh thì mới xưng Hoàng đế.

Ông tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt nền móng ngoại giao nước ta ngang bằng với các triều đại phong kiến Trung Quốc. Theo Việt sử lược, Đinh Tiên Hoàng được các sử gia gọi là "Đinh Tiên Vương" (丁先王), "Tiên Vương" (先王); còn trong Đại Việt sử ký toàn thư thì ông được gọi là "Tiên Hoàng Đế" (先皇帝), "Tiên Hoàng" (先皇).

2 năm sau khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, Tống Thái Tổ (tên húy là TRiệu Khuôn Dận) cho quân xuống phía nam đánh bại Nam Hán. Năm 971, Nam Hán bị diệt, biên giới Tống được mở rộng, từ đó hai nước Việt - Tống ngoại giao qua lại. Đáng chú ý, trong các văn bản ngoại giao lúc đó, Đinh Tiên Hoàng không đích thân đứng tên, mà lại giao cho con trai là Đinh Liễn làm việc ấy.

dinh-tien-hoang-va-chuyen-coi-hoang-de-nha-tong-nhu-bac-con-chau
Trong các văn bản quan hệ ngoại giao, Đinh Tiên Hoàng cho con trai là Đinh Liễn đứng tên, cho con ông ra mặt giao thiệp với hoàng đế nhà Tống

Cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước (Tác giả Nguyễn Lương Bích) có ghi: "Điều đặc biệt trong đường lối, phong cách ngoại giao của Đinh Tiên Hoàng là ông vẫn làm vua, vẫn cầm quyền trị nước, nhưng trong các văn bản quan hệ ngoại giao thì ông lại cho con trai là Đinh Liễn đứng tên, tức là ông cho con ông ra mặt giao thiệp với hoàng đế nhà Tống".

Xét về tuổi tác, Đinh Tiên Hoàng chỉ hơn Triệu Khuông Dẫn 3 tuổi, thế nhưng ông lại tỏ ra là hoàng đế nhà Tống cũng chỉ như... bậc con cháu. Thái độ đó của Đinh Tiên Hoàng tuy nhà Tống có thể không bằng lòng những cũng chẳng làm gì được, bởi khi đó còn đang dẹp nội chiến.

Tới thời nhà Trần, triều đại này có truyền thống nhường ngôi cho con từ sớm. Khi Thái tử lên ngôi hoàng đế lo điều hành đất nước, Hoàng đế trước đó sẽ lên làm Thái thượng hoàng, là người nắm mọi quyền lực tối cao. Hoàng đế sẽ là người đứng đầu triều đình, do đó mọi chuyện ngoại giao với triều đình Trung Quốc thì đảm nhiệm là điều đương nhiên.

Thế nhưng, nhà Nguyên bên Trung Quốc lúc bấy giờ tỏ ra rất tức giận, bởi nhà Trần chỉ để vua con ra tiếp thư, nhận chiếu chứ Thái Thượng hoàng thì không thèm tiếp. Họ cho rằng bị nước ta chơi xỏ,nên suốt một thời gian dài trong các văn thư không chịu thừa nhận vua con là vua, mà chỉ coi là Thái tử, còn Thái thượng hoàng mới thực là vua.

Xem thêm: Đinh Tiên Hoàng: Từ chiến công hiển hách mở ra triều đại huy hoàng đến sai lầm lịch sử "bỏ trưởng lập thứ"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận