Đinh Tiên Hoàng: Từ chiến công hiển hách mở ra triều đại huy hoàng đến sai lầm lịch sử "bỏ trưởng lập thứ"
Đinh Tiên Hoàng chính là người dẹp loạn 12 sứ quân mở ra triều đại nhà Đinh. Song triều đại huy hoàng đó lại kết thúc bi thảm chỉ sau hơn chục năm bởi sai lầm lịch sử "bỏ con trưởng, lập con thứ".
Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, mở ra trang sử huy hoàng
Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979) quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cha ông là Đinh Công Tứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Đinh Công Trứ mất sớm nên Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, thường hay đi chăn trâu cùng đám mục đồng. Khi đó, ông hay bắt bọn trẻ chăn trâu khoanh tay làm kiệu và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.
Khi bước vào tuổi trưởng thành, Đinh Bộ Lĩnh có khí phách phi thường, có tài thao lược và nung nấu mong muốn lập nghiệp lớn. Khi vị vua cuối cùng của triều Ngô (Ngô Xương Văn) mất năm 966, thừa lúc nước không chủ, hào trưởng khắp nơi nổi dậy chiếm giữ các ấp, lập 12 sứ quân.
Đinh Bộ Lĩnh nhận được sự ủng hộ của nhân dân đã lập đội quân dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh không xưng vương mà xưng đế - Đinh Tiên Hoàng Đế, với nghĩa vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt (trước đó ở thế kỷ thứ 8, Mai Thúc Loan ở vùng Hoan Châu cũng đã từng xưng đế - Mai Hắc Đế, song chưa được xem là chính thống).
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có viết: "Vua họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là Gia Viễn, Ninh Bình), là con trai Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan Châu. Dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm...".
Sử sách có chép: "Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư xây dựng kinh đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi... Vua muốn lấy uy để chế ngự thiên hạ, mới đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi, hạ lệnh rằng: Người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vạc nấu hay cho hổ ăn. Mọi người sợ phục không ai dám trái".
Cho đến nay, người dân vùng Hoa Lư vẫn truyền nhau lời ca ngợi công lao của Đinh Tiên Hoàng: "Đặt ra có ngũ có dinh/ Có quân túc vệ, có thành tứ vi/ Trên thì bảo điện uy nghi/ Bên ngoài lại sẵn đan trì, nghi môn".
Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân mở ra một trang sử huy hoàng cho nước Việt. Lê Văn Hưu từng nhận xét: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà 12 sứ phục hết.
Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết...". Ngô Sĩ Liên bàn rằng: "Vận trời đất, bí rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều Trung Quốc suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều nước ta, 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy".
Còn Phan Huy Chú viết: "Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội... đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước". Ngô Thì Sĩ cho rằng: "Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới...".
Trong các cuốn sử ký đều coi Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Sai lầm lịch sử "bỏ trưởng, lập thứ" khiến chốn hoàng cung nhuốm máu tươi
Đinh Tiên Hoàng oanh liệt, mưu lược trên chiến trường, cương quyết, cứng rắn khi xây dựng đất nước là thế mà vẫn mắc phải "sai lầm". Sử ký gọi việc làm của Đinh Tiên Hoàng là "sai lầm lịch sử". Sai lầm này đã khiến cơ nghiệp nhà họ Đinh tiên tan sau hơn chục năm với 2 đời vua.
Theo Pháp luật Việt Nam, Đinh Tiên Hoàng có 3 người con là Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Trong đó, con cả Đinh Liễn là người cùng vua cha dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà đinh. Vào năm Mậu Thìn 968, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi thì Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương.
Đến năm Nhâm Thân (972), Nam Việt Vương được cử đi sứ sang nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quân vương, còn Nam Việt Vương thì được phong làm Kiểm hiệu thái sư, Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ.
Đến năm Ất Hợi (975), nhà Tống lại sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương.
Kể từ đó, mọi việc ngoại giao với sứ giả Trung Quốc đều do Đinh Liễn đảm nhận. Xét dưới nhiều góc độ thì Đinh Liễn là người từng trải, có công lao, có năng lực và có cả uy quyền trong triều. Đinh Liễn kế vị của Đinh Tiên Hoàng là điều quá rõ ràng.
Tuy nhiên, mọi việc trở nên phức tạp vào đầu năm Mậu Dần (978). Chỉ vì mang lòng yêu quý riêng mà Đinh Tiên Hoàng bỗng dưng quyết định lập người con Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Toàn 5 tuổi làm Vệ Vương. Điều này có nghĩa là quyền kế vị ngôi báu của Đinh Liễn không còn nữa. Bị vua cha tước quyền vị một cách vô lý, Đinh Liễn đã đi đến quyết định tàn độc: "Giết em khiến hoàng cung phải nhuốm máu tươi".
Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Mùa xuân năm Kỷ Mão (979), Nam Việt Vương Đinh Liễn giết chết Hoàng Thái tử Hạng Lang. Đinh Liễn là con trưởng của Nhà Vua, thuở hàn vi từng chịu đựng gian khổ, khi thiên hạ được thái bình, ý Vua cũng muốn truyền ngôi cho, bèn phong làm Nam Việt Vương.
Liễn lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho. Nhưng về sau, vua sinh được người con trai nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, bèn lập Hạng Lang làm Thái tử. Đinh Liễn bất bình, liền sai người lập mưu giết đi”.
Sử sách cũng ghi rõ, sau tội ác tày đình này, Đinh Liễn được vua cha khoan hồng nhưng để chuộc tội, Nam Việt Vương đã dựng nhiều cột viết những bài kinh Phật ở kinh đô Hoa Lư tỏ ý ân hận. Phần lạc khoản trên các cột kinh là những lời sám hối của ông.
Lạc khoản có đoạn: “... Cơ sự đã đến nông nỗi chém giết nhau này, thật hối hận, bèn xin dựng một trăm tòa kinh báu dâng Phật cầu cho vong hồn em trai đã mất và các vong linh gia tiên được giải thoát khỏi sự bắt bớ tra hỏi nơi địa ngục...”.
Sau này, nhiều nhà sử học đã nhận định Đinh Tiên Hoàng có sai. Cái sai của vị vua này là gốc của mọi sự sau. Nhưng chẳng vì thế mà có ai đồng tình với hành động tàn ác của Đinh Liễn. Công một thời chẳng thể bù tội một lúc...
Nhà sử học Ngô Si Liên từng nhận xét: "Truyền ngôi cho con trưởng là đạo thường của muôn đời, bỏ đạo ấy mà không có biến loạn thì quả là chưa bao giờ nghe vậy. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, nhưng trước hết phải chọn người có công, nếu con trưởng ác đức thì phải phế bỏ đi rồi sau mới lập con thứ.
Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng, người xưa cũng từng làm. Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng, từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con...”.
Theo ghi chép, vào năm Kỷ Mão 979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị tên Đỗ Thính giết chết. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Đến bây giờ vẫn còn nhiều tư liệu khác nhau nói về lý do Đỗ Thích giết cha con họ Đinh. Quan thần sau đó bắt và giết Đỗ Thích, tôn Đinh Toàn lên làm vua.
Đinh Toàn lên ngôi lấy hiệu Đinh Phế Đế. Đinh Toàn khi lên ngôi mới 6 tuổi. Quyền lực nằm hoàn toàn trong tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy vậy, lại nghi Lê Hoàn tư thông cùng Thái hậu Dương Vân Nga nên cử binh đến đánh.
Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết chết. Phò mã Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam sang Chăm Pa, sau đó cùng Vua Chăm Pa với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão chết.
Năm 980, nhà Tống rục rịch điều quân sang đánh Đại Cồ Việt, Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức Vua Lê Đại Hành. Nhà Đinh kết thúc, truyền được đến đời thứ hai, trị vì 12 năm (968-980).
Lê Hoàn lập ra nhà Tiền Lê đã đánh thắng quân Tống vào tháng 4/981. Đinh Toàn trở thành Vệ Vương có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Đến năm 1001, trong lần cùng Lê Đại Hành đi dẹp loạn vùng Cầm Thủy (Thanh Hóa) bị trúng tên chết.
Hiện, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các con Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang được thờ ở đền Vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.
Xem thêm: Huyền tích ly kỳ xung quanh chuyện sinh - tử của cha con vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận