Đặng Hoàng Minh: Từ chàng du học sinh phải đi hái rau thuê đến CEO loạt startup đắt giá
Đặng Hoàng Minh là một cái tên nổi bật trong giới startup Việt, từng là CEO của Foody/Now và giờ đây là Cooky.
Đặng Hoàng Minh là ai?
Đặng Hoàng Minh là nhà sáng lập kiêm cựu CEO Foody và Now (nay là Shopee Food) kiêm CEO Cooky. Anh sinh năm 1984, từng theo học chuyên ngành Kỹ sư phần mềm và công nghệ thông tin tại Úc.
Khi đang theo học ở Úc, biến cố bất ngờ ập đến khiến gia đình anh phá sản. Lúc đó, chàng du học sinh phải đi hái rau thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Anh cho hay: "Tôi vẫn nhớ mãi sự đau đớn trên 10 đầu ngón tay mỗi ngày tôi đi làm nhưng đó chính là cách nhanh nhất để kiếm được đủ tiền".
Không chỉ vậy, 8x cũng gặp nhiều khó khăn khi xác định hướng đi cho tương lai. Anh nhớ lại: "Tôi không hề có bất kỳ một ý niệm gì về lý do mà mình học lập trình. Ước mơ của tôi là trở thành một người kiến trúc sư. Tôi đã nộp đơn vào học công nghệ thông tin đơn giản là bởi vì nó có thể tạo ra sự nghiệp vững chắc sau này".
Mãi đến khi chia tay bạn gái, và trông thấy hai người bạn ghi được dấu ấn với thương mại điện tử, anh mới tính đến chuyện khởi nghiệp. Và thế là, chàng du học sinh quyết định trở lại Việt Nam.
Sự nghiệp của cựu CEO Foody, nay là ông chủ của Cooky
Hệ sinh thái ẩm thực Foody ra đời
Trước khi tạo dựng nên Foody, Đặng Hoàng Minh đã có 2 lần khởi nghiệp thất bại. Năm 2007, vị doanh nhân này thử sức lần đầu tiên với website Vnnhahang.vn. Tuy nhiên, dự án đã đổ bể vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và thiếu tập trung vào công ty. Website đã hoạt động gần 3 năm mà mỗi ngày chỉ có 2.000 lượt truy cập.
Dự án startup tiếp theo là Orderfood, website chuyên về đặt món ăn. Sau 2 tháng thành lập, công ty được Nhommua.com mua lại. Tuy nhiên, không lâu sau Nhommua.com cũng không tồn tại được ở thị trường Việt Nam khiến Oderfood.vn cũng bị đổ bể.
Tuy thất bại ê chề, nhưng vị doanh nhân trẻ vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Anh nhận ra rằng: "Chỉ nên tập trung vào một thứ thay vì cố gắng ôm đồm nhiều việc".
Năm 2012, Foody ra đời, đặt trụ sở tại TP.HCM. Ứng dụng này nhanh chóng trở thành cộng đồng đáng tin cậy giúp mọi người tìm kiếm, đánh giá và bình luận về các địa điểm ăn uống qua Website và App.
Ban đầu, ứng dụng chủ yếu cung cấp thông tin về nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê, nhưng sau đó đã nhanh chóng mở rộng ra quán bar, karaoke, tiệm bánh,... Chỉ sau 6 năm hoạt động, Foody đã xây dựng được chỗ đứng riêng trong lĩnh vực FoodTech, tiếp cận được hàng triệu người dùng mới mỗi năm. Foody hi vọng rằng có thể giúp người dùng trao đổi trải nghiệm ăn uống, vừa giúp các nhà hàng tiếp nhận phản hồi, đóng góp của khách hàng.
Đến tháng 7/2017, Foody cùng với ứng dụng Now bán phần lớn cổ phần cho SEA Limited (Singapore). Anh Minh chia sẻ: "Tôi không nghĩ mình tiếc đâu. Ở giai đoạn phát triển, Foody cũng gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh với Grab. Có SEA hỗ trợ sẽ tốt hơn.
Với lại, ở thời điểm này, tôi nghĩ kinh tế khó khăn thì khó cho Foody chứ ko phải dễ. Giờ công ty nào cũng vậy. Thị trường đã vậy, công ty càng lớn thì càng mệt".
Chặng đường mới với Cooky
Sau khi bán Foody, Đặng Hoàng Minh cùng người bạn cũ Nguyễn Thành Đại tiếp tục bắt tay với dự án mới. Và thế là, Cooky ra đời với mục tiêu trở thành một công ty FoodTech (công nghệ thực phẩm) ra đời.
Ban đầu, Cooky xuất hiện như một mạng xã hội chia sẻ công thức nấu ăn, lấy cảm hứng từ mô hình của Nhật Bản. Thực ra, ở Việt Nam thì ý tưởng này khó đem lại lợi nhuận, chưa thể mang tính cách mạng. Đó là lý do mà vị doanh nhân này nghĩ tới việc kết hợp Fresh Delivery (giao thực phẩm).
Dự án lần này chú trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, giúp công việc đi chợ, nấu ăn hằng ngày trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn trong vòng 30 phút. Startup sẽ bán kế hợp nguyên liệu tươi sống với các gói thực phẩm sơ chế sẵn được đảm bảo vệ sinh, đi kèm gia vị chuẩn công thức.
Thay vì áp dụng hướng đi như Shopee hay Grab - tức là kết nối giữa siêu thị, cửa hàng, thì anh muốn Cooky có hướng đi mới hơn. Do đó, startup này quyết định mở làm hai phần: phần công nghệ (Cooky App) và phần sản xuất (Cooky Market).
Cooky Market bán sản phẩm cho người dùng cuối trên ứng dụng Cooky. Trong tương lai, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng tiện lợi bên ngoài cũng có thể tham gia bán hàng trên nền tảng của Cooky. Siêu thị này cũng cung cấp thực phẩm đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến các sản phẩm đã được sơ chế dạng Ready-To-Cook.
Đặng Hoàng Minh thừa nhận: "Mảng Fresh Delivery cực kỳ thách thức, rất khó để làm và chưa ai thành công. Team chúng tôi muốn giải quyết được vấn đề này, kể cả mất mát cỡ nào đi nữa. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro với niềm tin thành quả đạt được sẽ vô cùng xứng đáng".
Ưu tiên hiện tại của vị CEO này là sản phẩm của Cooky làm ra có chất lượng tốt, công thức hấp dẫn với giá cả hợp lý. Thứ 2 là công nghệ phải ổn định, giúp người dùng thuận tiện khi sử dụng. Anh cho hay: "Tôi muốn xây dựng vững chắc mảng B2C (bán hàng tới người dùng cuối) và dần dần triển khai mảng B2B (bán hàng tới doanh nghiệp). Với mảng B2B, tôi rất tham vọng giải quyết được phần gốc của chuỗi cung ứng, xây dựng được một hệ sinh thái với những người nông dân để từ đó đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng nhất đến tay người dùng Cooky".
Tổng hợp
Xem thêm: Nguyễn Hoàng Trung: CEO của Lozi và Loship với quyết tâm theo đuổi những giấc mơ lớn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận