Cú sốc năm 10 tuổi thay đổi cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ, khiến ông quyết chí lập nghiệp và gây dựng Trung Nguyên
Cuộc đời "ông vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng trải qua nhiều sóng gió, đặc biệt là biến cố năm 10 tuổi đã tác động rất lớn tới ông.
Đặng Lê Nguyên Vũ được mệnh danh là "ông vua cà phê", là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Không chỉ vậy, ông còn được nhiều tờ báo, tạp chí quốc tế vinh danh, ca ngợi bởi những thành tích nổi bật trên thương trường. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, xây dựng lên đế chế cà phê Trung Nguyên lớn mạnh, chẳng trách Đặng Lê Nguyên Vũ là thần tượng của không ít người trẻ.
Ông Vũ sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Khánh Hòa, năm lên 8 tuổi thì cả nhà di chuyển về huyện miền núi M'drak (tỉnh Đắk Lắk) sinh sống. Từ ấy, tuổi thơ của ông Vũ là chuỗi ngày dài đi bộ 15 km để tới trường, phụ giúp cha mẹ trên những ruộng ngô,... Vị doanh nhân này tâm sự: "Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho. Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quỵ vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học".
Cũng chính vào thời gian ấy, gia đình ông Vũ xảy ra biến cố lớn. Bố ông không may mắc bệnh nặng, kinh tế gia đình sa sút. "Ông vua cà phê" nhớ lại: "Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chay vay khắp dòng tộc không sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh". Chính cú sốc ấy đã khiến ông nuôi chí làm giàu, nghĩ rằng nhất định là phải giàu để gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 1990, ông Đặng Lê Nguyễn Vũ thi đỗ đại học Y Tây Nguyên. Để có tiền cho ông theo học, gia đình phải dốc từng tạ lúa, bán bớt tài sản để có tiền đóng học phí. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, ông Vũ vừa học vừa làm, đồng thời vẫn quyết chí khởi nghiệp, tìm hiểu về lĩnh vực cà phê.
Đến năm thứ 3 đại học, ông quyết định nghỉ học để lập nghiệp. Biết ý định của con trai, mẹ ông Vũ khóc cạn nước mắt can ngăn. Thế nhưng, trong tâm trí chàng trai trẻ khi ấy chỉ có duy nhất 1 suy nghĩ: Không chấp nhận ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con. Ông tâm sự: "Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là... bỏ nó luôn, làm việc khác".
Cầm trong tay 100.000 đồng được đám bạn gom góp tặng cho, ông Vũ khăn gói lên Sài Gòn tìm gặp người chú để học hỏi lập nghiệp. Nghe xong tâm sự của cháu, chú ông nói: "Tất cả những gì cháu nung nấu đều đúng, nhưng không phải lúc này. Việc lúc này chính là học cho xong cái đã".
Cuối cùng, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nghe lời chú khuyên, ở lại thêm 10 ngày rồi quay trở về để tiếp tục đi học. Ngày trở về, ông ngồi trên máy bay nhìn cảnh bầu trời, lòng đã bình thản hơn nhưng ý chí khởi nghiệp vẫn sục sôi. Và sau đó chính là hành trình dài để xây dựng đế chế Trung Nguyên, tìm chỗ đứng cho cà phê Việt.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận