Quả ngọt tới muộn 20 năm của cô giáo nhân ái lấy nửa tháng lương mua giày cho học trò
Thấy Tiểu Trần hiếu học nhưng nhà nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, cô giáo Trương đã hết lòng giúp đỡ, lấy nửa tháng lương mua giày tặng học trò để động viên tinh thần.
Nhà giáo vẫn luôn là một nghề cao quý, luôn hết mình vì học trò. Họ vừa truyền đạt kiến thức để đào tạo những thế hệ non trẻ, vừa hy sinh bản thân để học trò nên người. Cô giáo Trương Tú Vinh (Trung Quốc) là một người như vậy, từng bỏ nửa tháng lương để mua giày tặng cho học trò mình.
NĂm 1978, Trương Tú Vinh vừa học xong đại học thì liền đi dạy ở trường tiểu học số 1 huyện Ngô Xuyên, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng cô giáo trẻ đó vẫn tràn đầy nhiệt huyết, luôn ý thức được sứ mệnh cao cả của nghề giáo. Cũng tại nơi đây, bà đã gặp gỡ học trò Trần Chí Đức (thường gọi là Tiểu Trần) - người mà bà đã hết lòng giúp đỡ.
Bà Trương là một giáo viên rất tâm huyết, ngoài việc lên lớp vào ban ngày còn tranh thủ dạy thêm vào buổi tối. Bà vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa là giáo viên bộ môn toán, công việc nhiều. Dù mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ bà lơ là công việc, luôn cố gắng kèm thêm cho học trò vào buổi tối.
Vất vả là thế, nhưng bà Trương không yêu cầu học sinh phải đóng thêm học phí. Trong số các em học sinh theo học, bà ấn tượng nhất là Tiểu Trần. Tiểu Trần không phải là người học giỏi nhất lớp, nhưng chắc chắn cậu là người chăm chỉ nhất.
Dù là trên lớp hay học phụ đạo bên ngoài, Tiểu Trần luôn tỏ ra là người hiếu học, thường xuyên hỏi giáo viên những điểm mình không hiểu. Với bà Trương, Tiểu Trần là một người luôn khao khát tri thức, ham học hỏi. Vì thế, bà rất cảm động và thầm tự nhủ phải bồi dưỡng cậu học trò này trở thành một nhân tài xuất chúng.
Một ngày nọ, bà Trương phát hiện cậu học trò cưng Tiểu Trần không đến lớp. Nhiều ngày sau đó, Tiểu Trần vẫn không đi học, khiến bà không khỏi thắc mắc vì sao một học sinh ngoan như Tiểu Trần lại nghỉ học. Vì thế, bà đã đến nhà của học trò để tìm hiểu nguyên nhân.
Thì ra, nhà của Tiểu Trần rất nghèo, không có tiền để cậu đi học. Thấy hoàn cảnh của gia đình cậu học trò, bà Trương thấy không đành lòng. Vì thế, bà đã tìm mọi cách để thuyết phục cha Tiểu Trần cho con đi học trở lại, và sau cùng ông cũng đã đồng ý.
Được quay trở lại trường, Tiểu Trần rất quyết tâm học tập. Thế nhưng, khi đang học cấp 3, mẹ của cậu không may qua đời. Đây là một cú sốc rất lớn với cậu học trò nhỏ, nhưng nó cũng là động lực để cậu chăm chú học hành hơn. Sau cùng, điểm thi của Tiểu Trần ngày một cao, đứng thứ 2 của huyện và được nhận vào Học viện Địa chất Trường Xuân.
Thế nhưng, biến cố nghiệt ngã lại lần nữa ập đến với cậu học trò nghèo, khi người cha của Tiểu Trần đột ngột qua đời khi cậu đang học năm nhất. Từ đó, cuộc sống của cậu ngày càng khốn khó. Cậu vừa đi học vừa làm việc, chật vật lo cái ăn cái mặc mỗi ngày. Dù vậy, vẫn có một người hùng thầm lặng luôn đứng sau ủng hộ, giúp đỡ Tiểu Trần trong suốt những năm qua, đó chính là bà Trương.
Thương cậu học trò nghèo, bà Trương đã lấy 20 tệ từ tiền lương của mình gửi cho Tiểu Trần mua giày bông. Vào những năm 1980, lương hàng tháng của bà Trương chỉ có 37 tệ, số tiền kia quả thực là không hề nhỏ. Chính tấm lòng nhân ái của cô giáo đã tiếp thêm động lực cho Tiểu Trần, giúp cậu vững bước trên đường đời.
Được biết, sau khi nhận được 20 tệ, Tiểu Trần nhất định không tiêu mà giữ chúng trong ngân hàng, để mãi nhớ về công ơn vĩ đại của cô giáo. Sau này, khi bà Trương đã 60 tuổi, cũng là lúc Tiểu Trần đã thành đạt và trở lại báo ơn.
Thấy vị giáo viên đã giúp đỡ mình suốt bao năm qua vẫn chỉ sống trong căn nhà gỗ phía sau trường, Tiểu Trần không đành lòng. Cậu đã để lại 100.000 tệ để tặng cô giáo, nói rằng cô hãy dùng tiền này mà mua nhà mới. Tiểu Trần cũng nói rằng mình sẽ là người chu cấp tiền hàng tháng cho cô giáo, để bà Trương có thể sống an nhàn tuổi già. Cái kết đẹp của câu chuyện vị giáo viên hết lòng vì học trò đã khiến dân tình không khỏi cảm động, vừa hết lời ca ngợi bà Trương, vừa cảm phục tấm chân tình của Tiểu Trần.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận