"Bậc thầy tiết kiệm" Nhật Bản hé lộ 6 mẹo cắt giảm chi tiêu và làm giàu nhanh chóng
Kiếm ra tiền đã khó, làm cách nào để tiết kiệm được tiền còn khó hơn. Dưới đây là cách mà "bậc thầy tiết kiệm" Nhật Bản đã làm để làm giàu nhanh chóng.
"Bậc thầy tiết kiệm" sống tằn tiện suốt 40 năm qua
Có người từng nói rằng: "Giàu không tiết kiệm, nghèo liền tay. Nghèo không tiết kiệm, sớm ăn mày". Có một sự thật là kiếm tiền đã khó, nhưng làm sao để tiết kiệm tiền còn khó hơn. Tiết kiệm là cả một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện nó hợp lý.
Để giúp mọi người tránh rơi vào những "cạm bẫy" tiền bạc, "bậc thầy tiết kiệm" Nhật Bản Yoko Ogasawara đã chỉ ra 6 mẹo để tiết kiệm hợp lý. Bà Yoko năm nay đã 71 tuổi, sống khỏe mạnh suốt 40 năm qua với số tiền chỉ khoảng 8,97 USD/ngày cho quần áo, thực phẩm và cả di chuyển. Theo số liệu từ Cục Thống kê và Các vấn đề chung Nhật Bản, mức chi tiêu trung bình mỗi ngày của người dân Nhật Bản là 23,1 USD. Tức là, bà Yoko đã tiết kiệm hơn người khác khoảng 14 USD/ngày, nhờ đó để dành khoảng 8.000 USD/năm.
Bà Yoko Ogasawara đã nhiều lần xuất hiện trong các chương trình truyền hình và các bài phỏng vấn trên tạp chí, được mệnh danh là "bậc thầy tiết kiệm". Bà sống một mình sau khi ly hôn ở tuổi 30, và đến năm 60 tuổi thì nghỉ hưu, sống bằng tiền trợ cấp của Chính phủ.
Yoko cho hay, từ khi còn nhỏ, bố mẹ đã dạy bà sống thanh đạm, và bà cũng rất thích việc đó. Bà chia sẻ: "Tôi cảm thấy vui khi số tiền mình có tăng lên hơn là chi tiền mua gì đó". Hồi còn trẻ, bà chỉ sống với khoảng 300 yên/ngày (khoảng 60.000 đồng) và cảm thấy vui vẻ với điều đó. Đến tuổi trung niên, bà nhận ra mình không thể sống chỉ với 300 yên nếu ở một mình, nên đã tăng mức chi tiêu lên 1.000 yên (khoảng 210.000 đồng).
Bà chia sẻ: "Tiết kiệm là triết lý giúp tôi sống thoải mái ở nửa sau cuộc đời". "Bậc thầy tiết kiệm" cảm thấy tuổi già rất thư thái, tất cả là nhờ việc bà đã sống thanh đạm và tiết kiệm từ hồi trẻ. Bà cũng muốn mình có thể tự do di chuyển ở nửa sau cuộc đời mình. Quả thực, bà đã để dành rất nhiều tiền, và đã có thể du lịch tới Đức rất nhiều lần. Yoko cho hay, trong vòng 10 năm qua, bà đã ghé thăm đất nước này tới 9 lần.
6 bí quyết cắt giảm chi tiêu
Vậy đâu là cách để bà Yoko Ogasawara sống tiết kiệm được đến thế? Dưới đây là 6 bí quyết để tiết kiệm chi tiêu của người phụ nữ 71 tuổi này:
Bí quyết thứ nhất
Người Nhật rất thích uống trà, đa số họ đều sử dụng ấm để pha trà. Tuy nhiên, thay vì dùng ấm trà, bà sẽ đổ trực tiếp trà vào cốc rồi ủ nước sôi. Thậm chí, bà còn có thể chế thêm cơm với nước trà và bã trà (đây là một món ăn của người Nhật tên Ochazuke - cơm chan nước trà). Khi ăn cơm, bà cũng chỉ dùng một bát nhằm tiết kiệm nước.
Bí quyết thứ hai
Bà không dùng giấy ăn mà quyết định mua giấy vệ sinh thay thế. Yoko Ogasawara cho biết, một cuộn giấy vệ sinh ở Nhật chỉ khoảng 25 yên, và có thể sử dụng 300 lần với khổ 20cm. Trong khi đó, khăn giấy đóng hộp có giá 65 yên, đắt gần 3 lần so với giấy vệ sinh mà chỉ có khoảng 20 tờ.
Bí quyết thứ ba
Sau khi mua sắm, hãy giữ lại hóa đơn và kẹp chúng lại, tạo thành một quyển sổ ghi chép. Bà Yoko sử dụng mặt trắng của hóa đơn làm sổ ghi chép chi tiêu và ghi chú công việc. Theo bà, đây là cách tiết kiệm hiệu quả, lại vừa bảo vệ môi trường.
Bí quyết thứ tư
Thông thường, khi các sản phẩm dạng ống đựng như kem đánh răng, sữa rửa mặt,... mà hết thì chúng ta sẽ bỏ đi và mua mới. Tuy nhiên, Yoko cho rằng ở bên trong sẽ vẫn còn kem, vì thế bà cắt chúng ra và sử dụng cho đến khi hết.
Bí quyết thứ năm
Với những tờ rơi quảng cáo hay tờ báo đã dùng xong, bà sẽ cất chúng đi và tái sử dụng như một tấm khăn trải bàn. Bà hóm hỉnh nói rằng, việc vừa ăn vừa nhìn hình ảnh đồ ăn trong tờ rơi giúp ta cảm thấy ngon miệng hơn, lúc đó đến cơm nhạt cũng sẽ ngon lành.
Bí quyết thứ sáu
Bậc thầy tiết kiệm cho biết, bà không mua riêng gia vị mà thường tích trữ các gói gia vị đi kèm với mì tôm. Bà cũng sẽ phơi khô vỏ cam và một số loại vỏ hoa quả khác để làm các một số món ăn.
4 cách tiết kiệm khi đi mua hàng
Đôi khi, một chuyến đi tới siêu thị và mua hàng theo cảm hứng cũng có thể khiến ta lãng phí một đống tiền. Vì thế, Yoko Ogasawara cũng chia sẻ 4 cách để tiết kiệm khi đi mùa hàng:
- Nên quyết định xem sẽ tiêu bao nhiêu tiền, mua những gì. Số tiền còn lại hãy kẹp gọn lại, đừng tiêu xài hoang phí và mua đồ tùy hứng.
- Trước khi đi mua sắm, hãy viết ra danh sách những đồ cần mua. Đặc biệt, không được mua những món đồ không được liệt kê trong danh sách.
- Cố gắng cắt giảm thời gian mua sắm trong cửa hàng càng nhiều càng tốt, đừng "thả bộ" vòng quanh siêu thị nhiều lần.
- Trước khi thanh toán, xem lại giỏ hàng lần cuối và yêu cầu bản thân bỏ lại ít nhất một món đồ. Luôn tự nhủ rằng mình phải tiết kiệm hơn nữa sau mỗi lần mua sắm.
Với nhiều người, cuộc sống tiết kiệm của bà Yoko Ogasawara quả thực quá đạm bạc và tằn tiện đến đáng thương. Thế nhưng, với người phụ nữ 71 tuổi này, việc sống tiết kiệm như vậy lại khiến bà rất thư thái. Nhờ đó, bà có thể giảm thiểu số lượng túi nilon sử dụng, hạn chế thải rác ra môi trường. Chưa kể, bà cũng có nhiều tiền để làm việc mình thích, chẳng hạn như đi du lịch ra nước ngoài.
Yoko Ogasawara tâm sự: "Một cuộc sống không có tiền cũng là một cuộc sống tiết kiệm tài nguyên. Tôi gọi lối sống sinh thái tằn tiện và thân thiện với môi trường này là "khổ sở", nhưng tôi lại có thể thực hiện nó vì đã quyết định các quy tắc của riêng mình".
Nghệ thuật tiết kiệm Kakeibo Nhật Bản: Thay đổi nhỏ tạo nên dư chấn lớn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận