"Bà tiên" mắc bệnh ung thư 2 lần bán đất làm từ thiện, thành lập đội xe cứu thương miễn phí

Thương cảm cho số phận một người bệnh mất mạng vì không kịp đi cấp cứu, bà Phan Thị Bính quyết định bán đất để làm từ thiện, mở ra đội cứu thương 0 đồng.

Chi Nguyễn
11:21 08/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bà Phan Thị Bính (trú khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) suốt nhiều năm qua đều cống hiến hết mình cho từ thiện, dù bản thân đang mắc bệnh ung thư. Bà kể, thực ra hành trình thiện nguyện đến với bà từ 21 năm trước. Do biến cố gia đình, bà thường theo đoàn Phật tử đi lễ bái nhiều nơi, thấy cảnh nghèo khó thì không cầm được lòng mà giúp đỡ. Lúc ấy bà vừa làm buôn bán vừa kinh doanh bất động sản, lời lão nhiều nên thường xuyên đi mua quà cho người nghèo, đi xây cầu, nấu cơm cháo từ thiện.

Năm 2011, bà không may mắc bệnh ung thư, dù đã phẫu thuật cắt bỏ nhưng bệnh tật vẫn đeo bám. Người phụ nữ ấy buồn buồn nói: "Tôi rất cần thoát khỏi nỗi đau này". Ý tưởng thành lập đội xe cứu thương miễn phí được bà ấp ủ từ năm 2016, sau khi biết một người ở Sơn La bó chiếu thi thể em trai đèo về quê bằng xe máy vì không có tiền thuê ô tô.

ba-tien-mac-benh-ung-thu-2-lan-ban-dat-lam-tu-thien-phan-thi-binh
Bà Phan Thị Bính suốt nhiều năm qua đều cống hiến hết mình cho từ thiện, dù bản thân đang mắc bệnh ung thư

Người phụ nữ 65 tuổi tâm sự: "Thật ra cũng không có gì to tát đâu. Lần đó, tôi có đọc được trên báo câu chuyện về một trường hợp vì hoàn cảnh quá nghèo, không có đủ tiền để thuê xe cấp cứu đưa bệnh nhân đã mất về nhà. Người anh đành phải bó chiếu thi thể của em rồi chở về bằng xe máy. Câu chuyện khiến tôi không cầm được nước mắt. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ phải mua xe để giúp đỡ người nghèo có phương tiện di chuyển lúc ốm đau, bệnh tật".

Nghĩ là làm, bà chẳng ngần ngại rao bán mảnh đất ở Cam Ranh, Khánh Hòa để làm từ thiện. Mảnh đất ấy được bán với giá gần 1 tỷ đồng, bà dùng hết tiền để mua xe cứu thương giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Thế nhưng, để xe cấp cứu hoạt động được nào phải dễ. Bà nói: "Một chiếc xe cấp cứu phải đăng ký các quyền ưu tiên như: Sử dụng đèn, còi tín hiệu, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ... Quá trình vận hành phức tạp, có đơn vị ngỏ ý muốn để họ giúp. Nhưng tôi nghĩ việc thiện đã làm phải làm đến cùng. Biết đâu nếu giao cho đơn vị khác, chỉ một vài tháng họ miễn phí, sau đó lại thu tiền thì tôi không thể kiểm soát được".

ba-tien-mac-benh-ung-thu-2-lan-ban-dat-lam-tu-thien-phan-thi-binh
Xúc động bởi tấm lòng nhiệt thành vì thiện nguyện của bà Bính, đến nay đã có 10 người đăng ký lái xe miễn phí giúp bà

Cuối cùng, người phụ nữ ấy quyết định "ôm" hết việc, dùng số điện thoại cá nhân làm đường dây nóng, liên hệ tới các bệnh viện, tự thuê lái xe. Xúc động bởi tấm lòng nhiệt thành vì thiện nguyện của bà Bính, đến nay đã có 10 người đăng ký lái xe miễn phí giúp bà.Người lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Đức Chuyên đã 64 tuổi, ít tuổi nhất là anh Đào Chính Vũ mới chỉ 30 tuổi. Họ đã cùng nhau rong ruổi khắp các nẻo đường, đi hơn 400 chuyến xe chở các bệnh nhân, tất cả đều làm với cái tâm thiện nguyện. 

Năm 2018 bà Bính thành lập nhóm Từ Tâm, kêu gọi tài trợ mổ măt cho 400 trường hợp đục thủy tinh thể miễn phí. 1 năm sau, bà bán mảnh đất thứ 2 ở Đà Năng, dự định lấy tiền mở nhà thuốc Đông y miễn phí. Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 bất ngờ bùng phát, kế hoạch của bà được tạm gác lại. Chưa kể, một thời gian sau, căn bệnh ung thư quái ác lại tái phát, tế bào ung thư còn di căn vào xương.

ba-tien-mac-benh-ung-thu-2-lan-ban-dat-lam-tu-thien-phan-thi-binh
Ngay khi ra viện, bà lập tức bắt tay vào hành trình thiện nguyện ở miền Trung - thời điểm đó đang xảy ra bão lũ. Ảnh: Vietnamnet

Suốt 2 tháng trời, bà nằm viện xạ trị, truyền hóa chất, khắp người đau đớn. Bà nhớ lại: "Ung thư 10 năm, đây là thời điểm tôi đau đớn nhất, nhưng vẫn khát khao sống để mở được nhà thuốc". Ngay khi ra viện, bà lập tức bắt tay vào hành trình thiện nguyện ở miền Trung - thời điểm đó đang xảy ra bão lũ. Bà một lúc dùng 3 chiếc điện thoại, điều phối bốn xe chở lương thực, thuốc men và quần áo vào tâm lũ. 

Mùa dịch vừa qua, bà còn đồng tài trợ xây trường học ở An Giang, Quảng Bình. Bà Bính còn hỗ trợ quần áo, sách vở cho nhiều điểm trường tại Tuyên Quang, đồng thời là nhà tài trợ chính xây cầu và làm đường ở Bến Tre. Vũ Vân Anh, một thành viên nhóm Từ Tâm nể phục nói: "Có lần dù hôm trước vừa xạ trị, hôm sau 3h sáng cô đã có mặt để xếp đồ đi thiện nguyện với nhóm. Cô Bính xứng đáng là thủ lĩnh, bất chấp bệnh tật để giúp đỡ người khó hơn mình".

ba-tien-mac-benh-ung-thu-2-lan-ban-dat-lam-tu-thien-phan-thi-binh
Bà Phan Thị Bính nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021

Vừa qua, bà Phan Thị Bính vinh dự nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021. Bà còn được Thủ tướng tặng bằng khen cá nhân điển hình trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Giờ đây, ước mơ duy nhất của người phụ nữ ấy là có thêm sức khỏe, để có thể xây nhà dưỡng lão và trại trẻ mồ côi. Bà tâm sự: "Nếu hoàn thành kịp, tôi nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng".

Xem thêm: Được mẹ cho 100 triệu làm sinh nhật, richkid Đà Nẵng lấy tiền mua xe máy tặng người nghèo

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận