Anh bảo vệ dân phố hơn 13 năm cặm cụi bên lớp học miễn phí cho trẻ nghèo
Thương cảm cho những đứa trẻ khó khăn không được đến lớp, anh Trần Lâm Thắng (TPHCM) dùng tiền phụ cấp làm bảo vệ dân phố mở lớp học miễn phí.
13 năm qua, vì mong muốn những đứa trẻ nghèo khó có con chữ, tránh bị dụ dỗ vào con đường lầm lạc, anh Trần Lâm Thắng (trú phố Long Bửu, phường Long Bình, TP Thủ Đức, TPHCM) đã mở lớp học miễn phí. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên, những nhà hảo tâm và sinh viên tình nguyện, lớp học đã tiến thêm một bước mới là “phổ cập tình thương” liên kết với Trường Tiểu học Long Bình để hướng cho các cháu học lên cấp 2,3, thậm chí là đại học, cao đẳng…
Anh Thắng tâm sự, năm 2007, sau khi đi nghĩa vụ xong thì trở về địa phương kiếm việc. Trong lúc chờ hồi âm, anh đăng ký tham gia làm bảo vệ dân phố, đảm bảo an ninh trật tự. Địa phương có hơn chục lò gạch dã chiến, với hàng trăm lao động tứ xứ đổ về làm việc. Do bận rộn, lại nghèo khó, nhiều phụ huynh không có thời gian chăm lo con cái, để chúng tự lo.
Đã nhiều lần, anh Thắng phải đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa những đám trẻ. Đầu tháng 10/2010, thấy hai đứa trẻ khoảng 14-15 tuổi đánh nhau dữ dội, anh vào can ngăn, rồi đưa cả hai về trụ sở khu phố. Đến nơi, anh đưa chúng giấy bút, bảo viết cam kết không tái phạm.
Nào ngờ, sau 30 phút quay lại, anh thấy giấy vẫn trắng trơn, hai đứa trẻ thì rơm rớm nói: "Chúng cháu không biết chữ". Thương cảm, anh đưa cả hai về khu trọ, rồi tìm hiểu thêm hoàn cảnh nơi đây. Thì ra, không chỉ hai đứa trẻ ấy, mà còn rất nhiều đứa nhỏ khác không biết chữ, gia đình nghèo khó nên chẳng được đi học. Đến khi lớn hơn, chúng lại đi khuân vác gạch, than, củi kiếm thêm tiền để phụ giúp cha mẹ lo cái ăn, cái mặc...
Sau vài ngày suy nghĩ, anh Thắng tìm đến Đoàn phường đề nghị hỗ trợ thành lập lớp học tình thương. Nhận thấy phương án của Thắng rất nhân văn, Đoàn phường và chính quyền địa phương đồng ý ngay và còn cho mượn một phòng trong trụ sở khu phố Long Bửu làm lớp học.
Những ngày sau đó, anh bảo vệ dân phố miệt mài đi từng phòng trọ nhỏ, vận động phụ huynh cho các em đi học. Ban đầu họ đều cự tuyệt, nhưng nhờ sự kiên trì của anh Thắng, các cháu đã được đến lớp. Tất nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh yêu cầu chỉ cho con đi học 1 lát, sau đó phải đi phụ giúp cha mẹ.
Có được học sinh, nhưng vấn đề sách, vở, bút, thước,... cũng khiến Thắng đau đầu. Không còn cách nào, anh đánh liều lên phường xin tạm ứng hai tháng tiền phụ cấp làm bảo vệ dân phố lấy 1,2 triệu đồng làm kinh phí trang trải bước đầu. Về sau, các cháu dần thích đi học, cứ nấn ná mãi, anh lại phải đi từng nhà để vận động cha mẹ cho các cháu học thêm 30 phút.
Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương ngày càng đông học sinh, thậm chí có người ở địa phương khác cũng dắt con tới xin học. Từ chối thì không nỡ, nhưng kinh phí không có, anh Thắng vô cùng hoang mang.
May thay, một đoàn công tác gồm đại diện UBND phường, Trường Tiểu học Long Bình và Đoàn thanh niên đến thăm lớp, sau đó quyết định giúp đỡ. Phía trường đề nghị, tổ chức theo kiểu Liên kết phổ cập tình thương để cháu nào học tốt, đủ tiêu chuẩn và cha mẹ ủng hộ thì được chuyển sang học theo giáo trình của trường, sau đó có thể học, thi lên cấp 2,3, đại học tùy mong muốn… Cũng tại buổi thăm này, đại diện UBND phường đồng ý cho mượn thêm phòng học trong trường mầm non rồi cùng các ban ngành, đoàn thể đi gõ cửa các Mạnh Thường Quân xin ủng hộ kinh phí.
Để nâng cao trình độ giảng dạy, anh Thắng lại đi mời một bạn sinh viên đại học về địa phương giảng dạy. Bạn sinh viên nhanh chóng nhận lời, không chỉ giảng dạy tận tình, còn giúp anh Thắng rủ thêm nhiều bạn bè khác tới trợ giúp lớp học.
Anh Trần Lâm Thắng tâm sự: "Cho đến nay, mặc dù có nhiều học sinh sau khi qua lớp học phổ cập tình thương đã tìm được công việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, nhưng trong em vẫn cảm thấy buồn. Do nhận thức của cha mẹ và hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khi các cháu chỉ mới ở dạng xóa mù chữ, họ đã cho nghỉ để đi làm nên chưa đủ trình độ để đảm nhận những công việc ở bậc cao hơn.
Nhưng gần 13 năm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn rồi nên em không nản. Em sẽ tiếp tục vận động, đả thông tư tưởng đối với các bậc cha mẹ để họ hiểu thông, nghĩ thoáng, cố gắng cho các cháu thông qua lớp học phổ cập tình thương này sẽ tiếp tục học cao hơn nữa để nâng cao trình độ, vươn tầm trở thành những kỹ sư, bác sỹ… Riêng bản thân em đã tích cóp được gần chục tháng phụ cấp bảo vệ dân phố, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những cháu có ý định theo học lên cấp 2,3, đại học và sẽ quyết tâm duy trì lớp học cho đến khi nào không còn trẻ khó khăn phải theo học phổ cập tình thương…".
Theo Đức Cương/CAND
Xem thêm: Chuyện ở lớp học đàn không bàn, không ghế và học phí 0 đồng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận