Chàng thanh niên Sài Gòn thành lập đoàn lân để cưu mang trẻ cơ nhỡ

Anh Lê Văn Nam (nghệ danh Gia Trác Hưng, trú TP.HCM) đã thành lập một đoàn lân từ thiện, cưu mang những đứa trẻ cơ nhỡ.

Chi Nguyễn
09:00 16/10/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Năm 2010, anh Lê Văn Nam (SN 1993, có nghệ danh là Gia Trác Hưng, quận 8, TP.HCM), thành lập một đoàn lân sư rồng tên Long Nhi Đường. Đó là nơi để anh tập hợp những đứa trẻ cơ nhỡ, mồ côi lại nuôi nấng, dìu dắt, dạy dỗ, giúp các em có sân chơi lành mạnh, việc làm ổn định, sống hướng thiện và có lý tưởng…

Xuất thân từ một đứa trẻ có gia cảnh nghèo khó, cha mất sớm nên anh Hưng luôn thấu hiểu và đồng cảm với những phận đời cùng khổ. Càng trưởng thành, sự đồng cảm trong anh Hưng càng lớn. Rồi đến một ngày, anh quyết định làm một điều gì đó để “thỏa mãn” ước nguyện khi hằng ngày phải chứng kiến cảnh những đứa trẻ đi lang thang, sống ở đầu đường xó chợ, thiếu cơm ăn, áo mặc, không được học hành… và rồi đoàn lân Long Nhi Đường cứ thế ra đời (vào năm 2010).

9x-sai-gon-thanh-lap-doan-lan-de-cuu-mang-tre-co-nho
Anh Hưng luôn chờ sẵn ở cửa để đoán những người con của mình đi học về.

Anh Hưng chia sẻ: “Nơi tôi sống có quá nhiều tệ nạn xã hội, tôi không muốn các em sa chân vào đó để rồi hủy hoại cả tương lai. Với số tiền tích góp được tôi quyết định thành lập đoàn lân để cưu mang các em. Ban đầu, đoàn chỉ biểu diễn phục vụ cho bà con trong phường và các trường học. Theo thời gian, danh tiếng của Long Nhi Đường được nhiều người biết đến nên được mời đi biểu diễn khắp nơi để kiếm tiền, trang trải cho các hoạt động. Các bạn nhỏ cũng vì thế mà có một cuộc sống an ổn hơn”.

Từ ngày gia nhập vào đoàn lân, cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh được lật sang trang mới. Các em được bao bọc bởi vòng tay của người anh cả (anh Hưng chưa có gia đình), được dạy dỗ, học hành, không còn bị đói, rét nữa. “Do cha mẹ nghèo khó không có điều kiện chăm lo nên gửi em vào đoàn. Ở đây không chỉ được học múa lân mà còn được anh Hưng chở đi học, thỉnh thoảng chở về thăm nhà. Sau này lớn lên em quyết tâm trở thành huấn luyện viên múa lân để chỉ dạy cho các em trong đoàn không lấy tiền” - em Trần Ngọc Ngân (17 tuổi) tâm sự.

9x-sai-gon-thanh-lap-doan-lan-de-cuu-mang-tre-co-nho
Trải qua 9 năm thành lập, Long Nhi Đường đã đào tạo 3-4 thế hệ với tổng số lượng gần 200 thành viên

Anh Hưng bộc bạch: “Cái nghề múa lân cũng bấp bênh, thời điểm người ta thuê nhiều nhất vào khoảng tháng 8 và lễ, Tết, ngày bình thường múa chỉ lai rai. Lúc nào được đi múa nhiều thì cuộc sống các em đầy đủ hơn, còn lúc ế ẩm có gì ăn nấy nhưng đảm bảo không ai bị đói”.

Trải qua 9 năm thành lập, Long Nhi Đường đã đào tạo 3-4 thế hệ với tổng số lượng gần 200 thành viên. Sau khi trưởng thành, nhiều em đã bước ra đời đi làm, có thu nhập ổn định, có em thường xuyên lui tới giúp đỡ, chỉ dạy lại các em nhỏ. Hiện đoàn còn 30 thành viên.

“Trong một lần đoàn đang tập luyện dưới chân cầu Chà Và (Q.8), có một người phụ nữ dẫn hai đứa bé lại nhờ các em trong đoàn trông chừng giùm để đi qua đường mua sữa cho con nhưng đợi mãi mà không thấy quay lại. Những ngày sau đó tôi dẫn hai bé ra chỗ cũ đợi mẹ nhưng vẫn không có tung tích. Nhờ đến báo, đài truy tìm, cuối cùng mới gặp được bà ngoại (trú tại Đồng Nai). Theo lời kể, mẹ của hai bé này có vấn đề về thần kinh, bà ngoại thì già yếu, không có khả năng lo được cho cháu nên tôi dẫn chúng về đoàn nuôi luôn cho tới bây giờ, hiện đứa nhỏ 6 tuổi (nhỏ nhất đoàn), đứa lớn 7 tuổi” - anh Hưng nhớ lại.

9x-sai-gon-thanh-lap-doan-lan-de-cuu-mang-tre-co-nho
Nhưng dù thế nào thì các em vẫn được ăn no, mặc ấm và có được một mái ấm mà ở đó có những con người biết đồng cảm, san sẻ lẫn nhau và xem nhau như ruột thịt

Trước đây không có chỗ, chân cầu Chà Và là địa điểm tập luyện của các em, sau này được UBND Q.8 cho mượn chỗ ở và nơi tập luyện nên các em cũng đỡ vất vả. Thấy được tấm lòng “bồ tát” của anh Hưng, nhiều mạnh thường quân cũng ra sức giúp đỡ, hỗ trợ từ vật chất lẫn tinh thần cho các thành viên trong đoàn. Trong số đó có người còn thuê những em đủ tuổi lao động về phụ việc nhằm giúp các em có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Những tiểu thương ở chợ cũng đồng cảm và yêu thương nên người cho thứ này, người cho thứ kia giúp cho các em có được những bữa ăn đủ đầy.

Chiếc xe Đa Su (nửa tấn) là tài sản quý giá nhất đối với Long Nhi Đường, được anh Hưng dành dụm 7-8 năm trời mới mua nổi. Cứ chiều chiều, người dân lại thấy hình ảnh người thanh niên trẻ tuổi (anh Hưng) lái xe đưa các em đi biểu diễn (nếu có lịch) rồi rước các em nhỏ đi học về.

Hiện nay, để “sống được” với nghề múa lân không phải là chuyện dễ dàng nhất là đối với Long Nhi Đường - nơi chỉ có vận động viên nhỏ tuổi, không được học qua trường lớp trong khi những đoàn lân khác có huấn luyện viên, vận động viên chuyên nghiệp. Nhưng dù thế nào thì các em vẫn được ăn no, mặc ấm và có được một mái ấm mà ở đó có những con người biết đồng cảm, san sẻ lẫn nhau và xem nhau như ruột thịt.

Theo Hồ Trinh/Tạp chí Giáo dục TP.HCM

Xem thêm: Hoàng Thị Nam: Nữ hộ sinh ở Yên Bái với niềm đam mê mãnh liệt làm thiện nguyện

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận