5 thói quen tai hại âm thầm bào mòn túi tiền của bạn: Tưởng tiết kiệm hóa ra không hề
Dưới đây là 5 thói quen tài chính mà chúng ta thường mắc phải, cứ ngỡ đang tiết kiệm nhưng hóa ra lại lãng phí.
Hẳn không ít lần bạn tự hỏi rằng, vì sao mình đã cố hết sức sống tiết kiệm, vậy mà cuối tháng vẫn nghèo? Thực ra, đó có thể là vì bạn mắc phải những sai lầm tiền bạc đang âm thầm bào mòn túi tiền. Theo Business Insider, có 5 thói quen tiền bạc "độc hại" mà mọi người cần sớm tỉnh táo tránh né ngay từ hôm nay:
Sống quá tiết kiệm
Nghe thật kỳ lạ phải không? Nhưng thực tế, khi bạn sống quá tiết kiệm, bạn đang khiến cuộc sống trở nên khắc khổ hơn. Không ít người cố gắng dành 70-80% thu nhập cho khoản tiết kiệm. Và từ đầu tháng đến cuối kỳ lĩnh lương, họ chi trả mọi khoản chi phí một cách khổ sở với số tiền ít ỏi còn lại.
Điều này cũng tương tự với quá trình giảm cân thất bại của nhiều người. Ban đầu, họ tuân thủ theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Cuối cùng, họ kết thúc giảm cân bằng việc tự thưởng cho mình những món ăn đã thèm muốn trong suốt nhiều tháng.
Nói cách khác, nếu bạn cứ ép bản thân tuân theo một kế hoạch tài chính không thực tế thì phương pháp này sẽ chẳng bao giờ duy trì được lâu. Các chuyên gia khuyên nhủ, tiết kiệm hiệu quả hơn khi bạn thường xuyên thay đổi phương pháp tùy theo tình hình kinh tế và thói quen.
Mua đồ chỉ vì chúng được giảm giá
Trong suy nghĩ của số đông, mua đồ giảm giá là cách hiệu quả để làm chủ tài chính. Tuy nhiên, với chủ doanh nghiệp, đó cũng là cách để họ tăng doanh số bán hàng khi kích thích nhu cầu mua của bạn.
Trước khi nhấn nút mua một món đồ có mức chiết khấu sâu, hãy tự hỏi bản thân có nhất thiết cần chúng hay không. Nếu bạn đang có một món đồ tương tự cùng hình dáng hay công năng ở nhà, tốt hơn cả là hãy bỏ món đồ lại kệ hàng vì nếu ngẫm nghĩ kỹ hơn có lẽ chúng không đáng để bạn thanh toán tiền đâu.
Mua thật nhiều vì hi vọng rẻ hơn
Rất nhiều người mắc phải bẫy tài chính này: Khi lướt mua trên app, ta cố gắng nhặt thêm 2-3 món đồ để có thể nhận mã giảm giá. Có điều, hình thức phổ biến nhất là miễn phí vận chuyển.
Nhận được ưu đãi miễn phí giao hàng từ người bán là điều tốt, nếu như bạn thực sự cần những thứ mình đang mua. Có điều, không ít món chúng ta mua thêm lại là thứ không thực sự cần thiết.
Ký hợp đồng dài hạn với phòng gym
Nhiều người trẻ không ngần ngại đăng ký hợp đồng với phòng gym từ 1-2 năm. Họ nghĩ với số tiền khổng lồ bỏ ra có thể ép bản thân chăm chỉ tập thể dục. Hơn nữa, nhiều phòng gym còn có chính sách giảm giá nếu khách hàng đăng ký theo gói, do đó chúng ta dễ nhầm lẫn bản thân nhận được "món hời" nếu đăng ký thẻ tập theo lời nhân viên.
Thế nhưng, nhiều người nhanh chóng bỏ cuộc chỉ sau 1-2 tháng vì không theo đuổi được hết chu trình tập luyện vất vả. Sau đó, họ tìm muôn vàn lời biện minh như "tôi đã mất hứng thú", "chương trình huấn luyện khắc nghiệt", "huấn luyện viên quá nghiêm khắc"... để giải thích cho hành động "ném tiền qua cửa sổ" của mình.
Mua đồ rẻ nhất nhưng hóa ra lại... đắt nhất
Có câu nói, "của rẻ là của ôi", quả thực trong thời buổi hiện nay thì nó quá đúng. Phần lớn sản phẩm chúng ta mua với giá rẻ rề ban đầu, lại vô cùng tốn kém khi sửa chữa và thay thế.
Nếu bạn coi tiền là một khoản đầu tư, việc mua món đồ chất lượng sẽ là món hàng sinh lời và không giảm giá trị theo thời gian. Lời khuyên là bạn nên mua sản phẩm tốt trên thị trường, hoặc ít nhất không phải món đồ rẻ nhất. Bởi việc thay thế chúng trong tương lai có thể tốn một khoản tiền lớn đấy!
Theo PNVN
Xem thêm: Về sống với bố mẹ, 9x ngộ ra chân lý: Thì ra, đây là nguyên do khiến người trẻ khó tiết kiệm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận