4 hành vi của đứa trẻ là dấu hiệu của EQ thấp, cha mẹ lưu ý cải thiện
Đứa trẻ có EQ thấp mà không được phát hiện sớm có thể gặp nhiều rắc rối sau này, cha mẹ cần lưu ý.
Trong hành trình nuôi dạy con cái, ngoài việc chú trọng đến kết quả học tập của trẻ thì có một vấn đề khác không thể bỏ qua, đó là giáo dục trí tuệ cảm xúc (EQ) cho trẻ. Chỉ số EQ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc cá nhân, người có EQ cao thường sẽ dễ dàng tạo dựng mối quan hệ tốt và thích nghi với nhiều tình huống xã hội khác nhau. Khác với IQ là thứ được xác định phần nào bởi yếu tố di truyền, EQ có thể được hình thành và phát triển qua thời gian thông qua sự giáo dục và rèn luyện.
Nếu con bạn có 4 hành vi này chứng tỏ phần nào rằng trẻ còn thấp ở mặt EQ và cần sự can thiệp từ phụ huynh để có cải thiện, khắc phục kịp thời:
Đầu tiên, trẻ thường tỏ ra ngang bướng và dễ tức giận khi ở nhà, luôn muốn mình được chiều chuộng như một "vua nhỏ". Thế nhưng khi ra ngoài, trẻ lại hoàn toàn thay đổi, trở nên rụt rè, ít nói, không thích giao tiếp với người khác.
Tùng Minh là một cậu bé như vậy. Ở nhà Tùng Minh nổi tiếng là "ông giời con", thích gì được nấy, ông bà bố mẹ đều phải chiều theo ý cậu. Tuy nhiên chỉ cần đến trường, Tùng Minh lại cực kì nhút nhát, không dám tham gia vào trò chơi nào và các bạn cũng chẳng muốn chơi cùng Tùng Minh cả.
Nếu gia đình phát hiện con cái mình rơi vào tình trạng tương tự thì cần hết sức lưu tâm, vì những đứa trẻ EQ thấp như vậy rất dễ bị bắt nạt.
Thứ hai, trẻ không thể chấp nhận bất kỳ sự phê bình hay lời nói không hay về mình, chỉ muốn được nghe những lời khen ngợi. Khi đối mặt với những ý kiến trái chiều, trẻ có thể sẽ có những phản ứng quá khích như khóc lóc, la hét, đập phá. Đây là dấu hiệu điển hình của EQ thấp.
"Thuốc đắng dã tật", lúc này, cha mẹ cần nghiêm túc chờ trẻ bình tĩnh lại và phân định đúng sai, nhẹ nhàng khuyên bảo trẻ về việc con người cần chấp nhận các ý kiến trái chiều để từ đó có thể hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Thứ ba, đứa trẻ tỏ ra vô cùng ích kỷ, không biết cách chia sẻ với bạn bè. Như trường hợp của bé Na, cô bé luôn muốn mọi đồ chơi là của riêng mình, kể cả khi đi học và chơi đồ chơi ở lớp vẫn vậy. Việc chỉ khư khư giữ đồ chơi một mình khiến cô bé dần trở nên cô đơn mỗi giờ ra chời. Về cơ bản, điều này có thể khiến những đứa trẻ như bé Na khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ bạn bè bền chặt, thậm chí có thể bị cô lập.
Thứ tư, trẻ không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, cảm xúc thường thể hiện rõ ràng trên khuôn mặt. Hành vi này của trẻ dễ làm người khác mất lòng. Có một cậu bé không biết cách ẩn giấu cảm xúc tiêu cực của mình, chỉ vì trong cuộc bình bầu làm trưởng nhóm cậu không được chọn mà đã để lộ vẻ mặt thất vọng, bực bội. Cậu bé không biết rằng điều này chỉ khiến bạn bè của cậu bé cảm thấy không thoải mái theo và cũng ngần ngại khi tiếp cận cậu vì e sợ bị lây cảm xúc tiêu cực.
Các bậc phụ huynh cần nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục EQ cho con cái mình, để từ đó có những biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ phát triển toàn diện, có khả năng kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân, và xây dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Theo Phụ nữ mới
Xem thêm: Chuyên gia bật mí nguyên tắc 20/80 cho cha mẹ: Khi phê bình đứa trẻ cũng phải đúng cách
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận