4 cái "bẫy" tư duy khiến ta không thể tiết kiệm tiền, năm 30 tuổi chẳng có 1 xu phòng bị
Quá chủ quan cho rằng mình sẽ có thể kiếm thêm, nhiều người không coi trọng việc tiết kiệm tiền và rất dễ hối hận sau này.
Có nguồn tin nói rằng, tại Mỹ, không có nhiều người có hơn 1.000 USD tiết kiệm khi bước vào độ tuổi 30. Trong khi đó, người Việt lại có tinh thần thiết kiệm cao, với gần 80% người trong độ tuổi 30 dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm.
Thế nhưng, thói quen tiết kiệm ấy đang dần thay đổi. Nhiều người trẻ có xu hướng "tiêu trước, nghĩ sau", hay đơn giản là chỉ muốn "sống hết mình ở hiện tại". Vì thế, họ dễ rơi vào cảnh đầu tháng sung túc, cuối tháng hết tiền vì chi tiêu không hợp lý. Một người Việt 28 tuổi từng bàng hoàng chia sẻ: "Khi biết những thông tin ấy, tôi tưởng mình là người ngoại quốc... Bởi tôi đã gần 30 tuổi rồi vẫn chẳng có nổi một cuốn sổ tiết kiệm nào trong tay".
Khi còn trẻ, ta thường nghĩ việc tiết kiệm tiền là một thứ gì đó không cần thiết, và tự nhủ rằng "mình có thể làm sau cũng không sao". Chính những tư duy như vậy khiến nhiều người lâm vào cảnh không xu dính túi, dù cho tuổi đời ngày một nhiều. Dưới đây là 4 cái "bẫy" tư duy khiến ta không thể tiết kiệm tiền hợp lý:
Chưa rơi vào tình huống khẩn cấp
Nhiều người không biết tiết kiệm tiền không phải vì lương thấp, mà đơn giản là họ không biết khoản tiền khẩn cấp quan trọng thế nào. Có người lương đi làm sau gần chục năm dù được 25-30 triệu/tháng, vẫn chẳng hề nghĩ đến chuyện để dành dù tuổi đã gần 30.
Các chuyên gia tài chính nhận định, dù là tuýp người nào, ta vẫn nên có một khoản tiết kiệm phòng thân cho những tình huống khẩn cấp như ốm đau, tai nạn, bệnh tật,... Chẳng hạn như khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều người đã rơi vào cảnh giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp mà không có một khoản tiền nào. Đến lúc này, họ mới coi trọng khoản tiền khẩn cấp thì cũng đã quá muộn.
Chỉ nhớ ra cần tiết kiệm khi đã hết tiền
Khi có lương, người biết chi tiêu hợp lý và người chủ quan sẽ có 2 cách chi tiêu khác nhau. Người biết quản lý tài chính sẽ ngay lập tức trích ra một khoản tiền để gửi tiết kiệm, sau khi đã trừ đi các khoản bắt buộc phải chi. Trong khi đó, phần đông mọi người lại chỉ nhớ ra mình cần tiết kiệm khi hết tiền trước lúc được trả lương.
Khi hết tiền, ta thường tự vấn bản thân rằng: "Tháng sau có lương mình nhất định sẽ tiết kiệm". Dù vậy, một khi đã có tiền trong tay, ý định ấy lại bay biến hết cả. Dù ít hay nhiều, hãy tự đặt ra một mức ngân sách tối đa chi tiêu hàng tháng, sau đó trích ra một phần tiền để tiết kiệm.
Nếu sợ tiêu "lẹm" vào phần tiền tiết kiệm này, ta có thể sử dụng một số công cụ tiết kiệm của các ngân hàng. Một cách khác chính là nhờ người thân hoặc bạn bè giữ hộ - và hãy chắc chắn rằng đây là người ta tin tưởng.
Tự nhủ tiết kiệm là ky bo
Rất nhiều người không dám tiết kiệm tiền, đơn là vì họ sợ bị đánh giá "ki bo, bủn xỉn". Những kẻ sĩ diện hão rất sợ bị gắn cái mác "tằn tiện" ấy, cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. Họ cứ nghĩ rằng hào phóng mới là tốt, thường vung tiền ra khao bạn bè trong các cuộc vui chơi, ăn uống.
Suy nghĩ này là một trong những tư duy tai hại nhất, cản trở việc ta tiết kiệm tiền. Người giàu thường tiêu ít, làm nhiều, họ rất coi trọng giá trị của đồng tiền. Nếu có mua, họ thường cân nhắc kĩ lưỡng giá tiền sản phẩm với chất lượng, nếu hợp lý thì mới xuống tay mua. Hãy nhớ rằng, tiêu tiền để chứng tỏ mình giàu có là cách nghèo đi nhanh nhất.
Cho rằng "tiền chẳng thể mang theo khi chết"
Tất nhiên, suy nghĩ này không có gì sai, bởi quả thực ta chẳng thể mang theo một đồng, một các nào sau khi chết đi. Cũng vì thế, nhiều người không ngại bỏ ra vài chục triệu mua chiếc điện thoại mới dù chiếc cũ vẫn còn tốt, hay chạy theo trend mà mua sắm hàng hiệu thời trang.
Trên thực tế, mọi chi phí trong cuộc sống đang ngày càng đắt đỏ. Ta không thể mang theo tiền khi chết, nhưng còn hiện tại thì sao? Điều gì chắc chắn là ta sẽ luôn có tiền trong tay? Dịch bệnh COVID-19 là minh chứng rõ ràng cho trường hợp đó, khi việc "ổn định" cũng có thể thay đổi. Hãy để dành cho mình một khoản tiền đủ để tiêu xài trong ít nhất 6 tháng nếu không có thu nhập. Bên cạnh việc biết hưởng thụ, ta cũng nên học cách để dành và nghĩ cho tương lai.
Cây bút tài chính bật mí cách thức làm giàu mà không cần tiết kiệm từng đồng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận