Chuyên gia tư vấn tài chính Tori Dunlap chia sẻ 4 bước giúp cô tiết kiệm được 100.000 USD ở tuổi 25
Tiền bạc chưa bao giờ là vấn đề khó nói của chuyên gia tư vấn tài chính 26 tuổi Tori Dunlap, nhưng cô cũng nhận ra rằng không phải tất cả mọi người đều thoải mái khi nói về tiền bạc.
Tiền bạc chưa bao giờ là vấn đề khó nói của chuyên gia tư vấn tài chính 26 tuổi Tori Dunlap, nhưng cô cũng nhận ra rằng không phải tất cả mọi người đều thoải mái khi nói về nó. Trong podcast Financial Feminist của mình, cô tâm sự: "Chúng ta nói về chuyện yêu đương, nói về chính trị, nói về tôn giáo, nói về tất cả mọi thứ trừ tiền bạc. Theo cô, chúng ta được dạy rằng tiền bạc là xấu xa, nhưng đó chỉ thực ra chỉ là "lời tuyên truyền của một chế độ phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, phân biệt giới tính" khiến mọi người không có cơ hội bình đẳng.
Dunlap cho rằng chị em phụ nữ cần học cách kiểm soát tài chính một cách tốt hơn. Đó là lý do mà cô mở công ty giá trị 7 chữ số ở tuổi 25 - Her First 100K, với mục tiêu xóa nhòa sự bất bình đẳng qua việc trợ giúp những người phụ nữ khác trong các vấn đề tài chính. Cuộc phiêu lưu để tự lập tài chính của Dunlap bắt đầu khi cô mới 21 tuổi và vừa tốt nghiệp đại học.
Cô cho biết: "Lúc đó tôi muốn làm marketing cho một tập đoàn, cố gắng làm việc để rồi trở thành phó giám đốc ở tuổi 30. Thế nhưng chỉ sau 2 tuần làm việc, tôi đã không còn muốn làm ở đó nữa". Đó là lúc Dunlap muốn có được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm, không còn phải đi làm thuê với người khác nữa.
Ở tuổi 25, cô đã hoàn thành mục tiêu tài chính đầu tiên: Tiết kiệm được 100,000 USD. Chuyên gia tài chính cá nhân trẻ tuổi bắt đầu lập ra website Her First 100k cùng Instagram và TikTok để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Hiện tại, cô đang sở hữu một tài khoản TikTok có 1,7 triệu followers và tài khoản Instagram có 384.000 lượt followers. Bên cạnh đó, cô cũng tạo ra podcast về tài chính và trở thành một diễn giả được săn đón. Những chia sẻ của Tori Dunlap đã được chia sẻ trên các tờ báo lớn như New York Times, Business Insider, BBC, CNN,... và được nhiều người đón nhận.
1 năm sau đó, cô tiếp tục làm việc chăm chỉ để thực hiện mục tiêu tài chính khác, đó là kiếm được 6 triệu USD vào thời điểm nghỉ hưu. Dưới đây là 4 bước giúp cô làm được việc này:
Tự động hóa tài khoản và tạo một quỹ khẩn cấp
Theo Dunlap, điều đầu tiên ta cần làm là tự động hóa tài khoản. Chuyên gia tài chính 26 tuổi cho biết: "Bạn cần tạo 1 lệnh tự động chuyển khoản từ tài khoản chính đến tài khoản tiết kiệm của bạn, rất nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc này qua các nền tảng phát lương". Nếu ngân hàng của ta không có tính năng này, hãy tập cho mình thói quen chuyển một phần tiền sang tài khoản tiết kiệm ngay khi nhận lương.
Cô cũng cho rằng mọi người nên có một quỹ khẩn khi bắt đầu tiết kiệm tiền. Quỹ khẩn cấp được sử dụng khi có tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống khiến tình hình tài chính của ta gặp khó khăn. Cô nói thêm: "Bạn nên có đủ số tiền để trang trải cuộc sống trong ít nhất 3 tháng."
Trả những khoản nợ lãi suất cao như thẻ tín dụng
Khi ta bắt đầu có tiền tiết kiệm, đó là lúc bạn nên trả những khoản nợ lãi suất cao như thẻ tín dụng. Theo Dunlap, đây là khoản nợ lớn nhất của nhiều người và khiến họ chật vật qua năm tháng.
Trong một tập podcast của mình vào tháng 5, Dunlap nói thêm rằng những người với nhiều thẻ tín dụng nên trả khoản nợ lớn nhất trước. Cô cho hay: "Rất nhiều khách hàng của tôi đến và nói rằng 'mỗi tháng tôi trả 15 USD nợ của thẻ 1 và 15 USD nợ của thẻ 2. Tôi muốn bạn dành cả 30 USD đó để trả cho thẻ mà bạn nợ nhiều nhất."
Đầu tư cho nghỉ hưu
Theo Dunley, sau khi ta đã có quỹ khẩn cấp và bắt đầu trả gần hết các khoản nợ lãi suất cao, ta nên nghĩ tới việc dành tiền cho việc nghỉ hưu. Cô đề nghị mọi người nên đầu tư vào 401K hay Roth IRA song song với việc trả những khoản nợ lãi suất thấp như khoản nợ sinh viên, nợ mua nhà hay xe trả góp. Cô cũng chia sẻ rằng cô đang cố gắng thực hiện kế hoạch để dành được 6 triệu USD vào thời điểm nghỉ hưu.
Tại Việt Nam, chúng ta không có những loại quỹ hưu bổng như 401K hay Roth IRA. Thay vào đó, ta có thể cân nhắc việc đóng BHXH đúng hạn mỗi năm hay dành tiền mua bảo hiểm nhân thọ.
Để dành tiền cho những khoản mua lớn
Cuối cùng, Dunlap khuyên mọi người nên để dành tiền cho những khoản mua lớn trước khi thực sự xuống tay mua nó. Chuyên gia tài chính này cho biết: "Trong khi bạn đang để dành tiền cho việc nghỉ hưu và trả những khoản nợ lãi suất thấp, bạn có thể bắt đầu dành tiền mua nhà hay tiền học phí cho con bạn."
Trong một tập podcast, cô cũng nói rằng mọi người nên lập những tài khoản tiết kiệm khác nhau cho những mục đích khác nhau. Ví dụ như cô đang có một tài khoản tiết kiệm dành riêng cho việc mua nhà. Cô cho biết: "Tất nhiên tôi cũng có thể có một tài khoản tiết kiệm khác để dành tiền cho việc tổ chức tiệc cưới. Bạn có thể có bao nhiêu tài khoản cũng được."
Dunlap có một sức ảnh hưởng lớn tới tình hình tài chính của những người phụ nữ đã tham gia vào Her First 100K. Sau khi bắt đầu Her First 100K vào 2019, cô đã đùa rằng một ngày nào đó công ty của cô sẽ nhận được tin nhắn mỗi ngày từ những người phụ nữ khác. Nữ chuyên gia tâm sự: "Bây giờ chúng tôi nhận được tin nhắn mỗi 15 đến 30 phút chia sẻ về thay đổi của họ như 'tôi đã có thể rời bỏ người chồng lạm dụng của mình' hay 'tôi đã có thể trả hết nợ tín dụng khiến tôi không còn cảm thấy áp lực nữa".
Cô thấy được rằng khi phụ nữ hiểu về tài chính, họ có được sự bảo vệ, bình đẳng và tự do. Cô mong rằng Her First 100K có thể giúp cho nhiều người hơn nữa. Tori Dunlap tâm sự: "Khi một cô gái có tiền, cô ấy có nhiều lựa chọn hơn. Cô ấy có thể rời bỏ những mối quan hệ độc hại, có thể bắt đầu kinh doanh, cô ấy có thể chọn muốn có con hay không và nhiều hơn nữa."
Theo Business Insider, TikTok, Instagram
Xem thêm: Meghan Hein: Từ nữ bồi bàn thất nghiệp vì COVID-19 đến lập trình viên kiếm 1 tỷ đồng/năm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận