10x Khánh Hòa vượt khó, xuất sắc dành học bổng toàn phần Mỹ sau "gap year"
Hoàng Lê Gia Bảo là nữ sinh ở Khánh Hòa, sau 1 năm gap year đã xuất sắc dành học bổng toàn phần du học Mỹ.
Hoàng Lê Gia Bảo, cựu học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa, sẽ theo học ngành Kinh tế tại Berea College, từ tháng 8 tới. Theo US News, trường xếp hạng 30 đại học khai phóng tốt nhất Mỹ, với các khoản phí hơn 62.000 USD (1,6 tỷ đồng) mỗi năm. "Kết quả này như một giấc mơ", Bảo, 19 tuổi, nói.
Năm ngoái, nữ sinh từng giành học bổng một trường ở Mỹ, chỉ còn phải đóng 9.000 USD (hơn 227 triệu đồng) mỗi năm. Khi chuẩn bị làm visa du học, gia đình gặp biến cố nên em phải bỏ cơ hội này. Mọi người khuyên Bảo học ở Việt Nam, song em chọn "gap year" để toàn tâm chuẩn bị hồ sơ, mục tiêu là giành học bổng toàn phần.
Nữ sinh nói khi đó, họ hàng bàn tán, trách em không biết "liệu cơm gắp mắm", đua đòi du học khi không có điều kiện. Bảo phải đấu tranh tâm lý, cuối cùng vẫn quyết định thử sức. "Em may mắn có mẹ ủng hộ và khuyến khích theo đuổi ước mơ", nữ sinh kể.
Lúc Bảo quyết định "gap year" đã là tháng 5/2023, tức còn khoảng 5 tháng nữa là đến kỳ tuyển sinh sớm của đại học Mỹ. Bảo xác định điểm trung bình học tập (GPA) 8,9 không thể thay đổi, chỉ còn cách cải thiện điểm SAT (bài thi chuẩn hóa dùng xét tuyển đại học ở Mỹ) và bài luận.
"Muốn xin học bổng toàn phần, điểm SAT cần thật cao", Bảo nhìn nhận. Em đăng ký khóa luyện thi SAT trên mạng, mua sách và tìm thêm tài liệu để học. Lớp học diễn ra 2 buổi/tuần nhưng khoảng chục ngày trước ngày thi, Bảo học 1-2 buổi/ngày.
"Buổi học thường bắt đầu lúc 12h đêm và 5h sáng, để phù hợp với các bạn đang học lớp 12", Bảo kể. "Ngoài giờ học online, em tự cày đề".
Sau hai lần thi vào tháng 8 và tháng 10 năm ngoái, Bảo đạt 1510/1600 điểm superscore (lấy điểm thành phần cao nhất trong những kỳ SAT đã thi để gộp lại thành điểm tổng).
Vì nộp hồ sơ vào 40 trường, Bảo phải viết 70 bài luận. Nữ sinh nói các bài không quá dài, tầm 300 từ, và chủ đề lặp lại như hỏi về ngành học, hoạt động ngoại khóa và giá trị cốt lõi. Do đó, em không mất công tìm ý tưởng nhiều, chỉ thay đổi cách viết cho phù hợp với từng trường. Nữ sinh không gặp khó còn bởi có vốn tiếng Anh tốt, thường xem phim, nghe nhạc và đọc báo nước ngoài.
Bố mẹ Bảo ly hôn. Bảo kể từ nhỏ thiếu thốn tình thương của bố. Dù khó khăn, mẹ em luôn cố gắng bù đắp, mong con bước ra thế giới, được trải nghiệm và sống vui. Chính tình yêu của mẹ đã tác động đến nhận thức, giúp Bảo không đi chệch hướng.
Bận rộn với bài luận và học SAT nhưng Bảo vẫn làm gia sư tiếng Anh vì muốn kiếm thêm thu nhập và tránh trì trệ. Ngày cấp ba, em tổ chức nhiều hoạt động trong trường, làm trưởng ban dự án online về người trẻ và giáo dục giới tính. Trong thời gian "gap year", Bảo cùng cựu học sinh của trường làm chương trình hướng nghiệp cho các em khóa dưới.
NỮ sinh dự định học xong sẽ làm ở Mỹ một thời gian, sau đó về nước lập nghiệp. "Mỗi chúng ta mới là người quyết định cuộc đời mình. Hãy tin vào bản thân và không ngừng nỗ lực. Em và mẹ đã chứng minh quyết định gap year là đúng đắn", Bảo chia sẻ.
Theo VnExpress
Xem thêm: Nể phục nữ sinh Việt vừa xuất sắc đạt điểm top 1% của kỳ thi luật sư tại Mỹ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận