Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai: Chỉ cần mang đến được bữa ăn ngon bà con thì không ngại khó khăn
Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai được "sinh ra" với sứ mệnh góp một phần nào đó giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho những gia đình có bệnh nhân nằm viện.

Khoảng 16h00 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, tại con ngõ 15 Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội là cảnh hàng dài người xếp hàng, tay cầm theo hộp, bát đựng cơm để chờ nhận những suất cơm từ thiện 0 đồng.
Theo đó, những suất cơm miễn phí được phát bởi các tình nguyện viên của Nhà ăn không đồng Bạch Mai.


Được thành lập hơn 1 năm, Nhà ăn không đồng Bạch Mai đã trao hàng chục nghìn suất cơm miễn phí đến tay hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho những gia đình có bệnh nhân đang nằm viện.
Từ thiện không nhất thiết phải bằng tiền
Trao đổi với chúng tôi, chị Khổng Thị Hường (40 tuổi, chủ Nhà ăn không đồng Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày đội tình nguyện phát khoảng 300 đến 400 suất cơm miễn phí. Người dân đến đây nhận cơm chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Để chuẩn bị cho những suất cơm đặc biệt này, khoảng 13h00 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, chị Hường và mọi người có mặt tại địa điểm trên để sơ chế, nấu nướng các món ăn. Khi chế biến, nấu nướng xong, các món ăn được đựng vào khay lớn rồi mang ra sắp xếp gọn gàng chờ mọi người đến lấy.



Kể về những ngày đầu thành lập nhóm thiện nguyện, chị Hường cho biết, khi nhóm mới được thành lập gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn từ sức người cho đến kinh phí.
"Lúc đầu nhiều người nói với tôi không có tiền thì lấy đâu đi cho. Nhưng tôi cho rằng việc giúp đỡ từ thiện không nhất thiết phải có tiền mới giúp được, mà mình có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất hoặc giúp đỡ bằng sức của mình.



Có người từng hỏi tôi chỉ có 50 nghìn đồng thì có giúp được mọi người không. Nhưng đối với tôi dù là đóng góp 10 nghìn đồng thì cũng là rất quý, bởi mỗi người đóng góp một ít thì sẽ thành nhiều", chị Hường chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng với mong muốn và ước mơ có thể giúp đỡ được nhiều người, chị Hường và các thành viên trong đội tình nguyện không ngại khó khăn, vất vả để mang đến những bữa cơm ngon cho bà con.

Khoảng thời gian sau đó, nhà ăn không đồng Bạch Mai được nhiều người biết và tìm đến với mong muốn cùng chung tay giúp đỡ bà con, mong các bệnh nhân sớm qua được cơn bệnh tật để sớm về với gia đình.
"Kinh phí để duy trì hoạt động được mọi người chung tay đóng góp. Người có tiền sẽ gửi tiền, người có rau gửi rau, người không có gì thì đến góp sức.
Địa điểm phát cơm của chúng tôi thuê với giá 7 triệu đồng/tháng được các mạnh thường quân hỗ trợ", chị Hường nói.
Làm từ thiện đến khi không còn sức
Nhà ăn không đồng Bạch Mai hiện có 10 tình nguyện viên. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ đảm nhiệm một vị trí khác nhau, người nấu cơm, người nhặt rau,… Các món ăn ở đây cũng rất đa dạng, thay đổi theo từng ngày để mọi người ăn cảm thấy ngon miệng.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Phan Thị Bàng (Phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Tôi biết đến hoạt động của nhóm từ hội chị em phụ nữ của phường Quỳnh Lôi. Có thời gian rảnh, thấy việc thiện nguyện giúp ích cho đời, giúp ích cho xã hội mà mình lại cảm thấy vui vẻ nên tôi tham gia. Đây là lần thứ 4 tôi đến phụ nấu ăn giúp đỡ mọi người".
Liên tiếp nhiều tuần liền bà Hoàng Thị Tâm (73 tuổi) đến đón nhận suất cơm miễn phí từ Nhà ăn không đồng. Với bà Tâm, những suất cơm không đồng giúp bà tiết kiệm được một khoản lớn chi phí hàng tháng.

"Tôi bị đột quỵ, nằm ở Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, thấy mọi người ai cũng vui vẻ, niềm nở đi lấy cơm nên tôi cũng đi cùng. Cơm được nhiều lắm mà còn ngon lành, sạch sẽ, bớt được rất nhiều chi phí chi tiêu, tôi cũng cảm thấy rất vui vẻ mỗi khi đến nhận cơm", bà Tâm chia sẻ.
Cũng trong tâm trạng vô cùng hào hứng, vui vẻ đi nhận cơm, bà L. (quê Hà Tĩnh) cho biết, bà được mọi người rủ đi nhận cơm miễn phí nên mới biết đến Nhà ăn không đồng.

"Suất cơm bình thường tôi mua rẻ nhất là 20 nghìn đồng, giờ được nhận miễn phí, hành động này rất thiết thực giúp chúng tôi vơi đi khó khăn. Đến đây, mọi người ai cũng niềm nở nên cảm thấy rất thoải mái", bà L. vui vẻ nói.
Chia sẻ thêm, chị Hường nói rằng ngoài việc giúp đỡ bà con giảm được phần nào chi phí, những xuất cơm miễn phí còn giúp mọi người gắn kết, cùng nhau vượt qua những ngày tháng giông bão của cuộc đời.
"Với chúng tôi, hễ còn sức khỏe là còn giúp đỡ bà con, khi nào không còn đủ sức và kinh phí thì mới dừng lại", chị Hường nói.
(Theo PhunuVietNam)
Xem thêm: Những tiệm tóc 0 đồng giúp người nghèo làm gọn mái tóc để giải tỏa cái nóng Sài Gòn
Đọc thêm
1 năm qua, quán cơm Như Ý (Biên Hòa) vẫn đều đặn dành 200 suất cơm chỉ có giá 2.000 đồng cho người nghèo ở địa phương.
Cuộc chiến ứng phó hạn, mặn đang bước vào giai đoạn cam go nhất. Nhưng cũng chính lúc này vẫn luôn có những tài xế nhiệt huyết chở nước sạch và sự tử tế đến san sẻ cho bà con Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
Lớp học của cô giáo Hoàng Thị Dịu chỉ vỏn vẹn 10m2, không bảng đen phân trắng nhưng nhiều năm qua vẫn là nơi gieo mầm tri thức và ước mơ cho trẻ em khó khăn.
Bài mới

Jenny Huỳnh là một trong những Gen Z sở hữu chuỗi thành tích “khủng”, không chỉ là nhà sáng tạo nội dung nổi bật nhất tại Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ mà cô nàng còn được vinh danh trong danh sách "30 Under 30 Asia" của Forbes – một cột mốc khẳng định tài năng, bản lĩnh và sức ảnh hưởng của Jenny trên phạm vi châu lục.

TikToker Tina Thảo Thi nổi lên như một hiện tượng “siêu cấp đáng yêu” khi tạo dựng được “vũ trụ” content sạch. Không chạy theo những trend nóng, Tina chọn cho mình một lối đi riêng, từ những video truyền động lực với câu khẩu hiệu “Peek A Boo” cho đến series “góp điều nhỏ bé” đều ghi điểm tuyệt đối với sự gần gũi, ấm áp. Bằng sự tử tế bình dị, sự sáng tạo và năng lượng tích cực, Tina không chỉ “chữa lành” những mảnh đời khó khăn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng.

Trong thế giới mạng xã hội đầy ồn ào và cạnh tranh, TikToker Quan không gờ lại âm thầm xây dựng hành trình riêng, không kèn không trống, nhưng đủ lay động triệu con tim. Anh không cố "làm nội dung" mà chỉ ghi lại hành trình tận tay trao quà, lắng nghe và sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn. Sự giản dị, không dàn dựng ấy khiến người xem cảm nhận rõ một điều: đây là từ thiện thật, tử tế thật!

Đến với TikTok, người ta dễ bị thu hút bởi những video ồn ào, xu hướng “giật gân”, trào lưu nhất thời. Nhưng giữa những ồn ã, xô bồ ấy lại có một chàng trai trẻ âm thầm dùng ẩm thực và lòng tử tế để kết nối những trái tim yêu thương - TikToker Vĩnh Thích Ăn Ngon. Anh không chỉ review đồ ăn mà còn lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bên lề cuộc sống. Và hành trình ấy, bất ngờ thay, lại truyền cảm hứng sâu sắc đến hàng triệu người.

Giữa muôn vàn nội dung giải trí trên TikTok có một người phụ nữ chậm rãi, an nhiên kể về cuộc sống đời thường ở quê, về buôn làng, về những mảnh đời và về vùng đất cô đi qua. Không giật tít, không kịch tính, những video của TikToker An Đen vẫn khiến hàng triệu người xúc động, bởi chúng được kể bằng một trái tim rất thật.