Vượt nghịch cảnh, người phụ khuyết tật miệt mài dệt vải nuôi sống bản thân và gia đình
Không đầu hàng trước số phận, chị Đinh Thị Brăi (SN 1993, làng Hven, Gia Lai) không ngừng vươn nuôi sống bản thân và lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng.

Chị Đinh Thị Brăi từ khi sinh ra đã bị dị tật ở chân. Bà Đinh Thị Hrup (mẹ chị Brăi) bộc bạch rằng: “Mình sinh 7 đứa con, 6 gái và 1 trai. 5 đứa bây giờ đã lấy chồng, lấy vợ ra ở riêng cả rồi. Nhà chỉ còn con gái lớn là Đinh Thị Brach năm nay 49 tuổi và con gái út Đinh Thị Brăi, cả hai chị em đều bị khuyết tật ở chân, đi đứng khó khăn nên vẫn chưa lấy chồng, hiện đang ở cùng bố mẹ.
Theo bà Hrup, bà chân của hai chị em Brach và Brăi đều bị khoèo, cổ chân không linh hoạt nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Để tập đi được như bây giờ, chị Brăi đã tập luyện vô cùng khó khăn, nhiều lần vấp ngã, trầy xước, bầm tím cả người nhưng chưa một lần chị từ bỏ.
“Nhìn các con có thể tự lo cho bản thân, nỗ lực từng ngày để sống tốt hơn, tôi cũng thấy nhẹ lòng”, bà Hrup xúc động bày tỏ.
Bù lại cho những thiệt thòi ở đôi chân, chị Brăi có đôi tay khỏe, linh hoạt và khéo léo vô cùng. Chị Brăi chia sẻ: “Mỗi khi đứng lâu hoặc đi nhiều, 2 chân rất đau nhức nên mình làm một lúc lại phải ngồi nghỉ mất một lúc. Thỉnh thoảng có người chở thì mình cũng vào rẫy phụ giúp cha mẹ làm cỏ mía, cỏ mì. Bình thường, ở nhà mình cũng tranh thủ dọn dẹp, làm việc nhà, nấu cơm, dệt vải... Dù khuyết tật nhưng mình không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên việc gì mình cũng tập làm. Lúc đầu hơi khó khăn nhưng mình kiên trì, nỗ lực mỗi ngày thêm một chút, dần dần là cũng làm được hết”.
Cũng như bao cô gái Bahnar khác, chị Brăi rất thích dệt vải. Từ nhỏ, chị đã theo mẹ và các chị học kỹ năng căng khung cửi, xếp sợi chỉ cũng như cách tạo điểm nhấn trên thổ cẩm bằng hoa văn, họa tiết sao cho cân xứng, hài hòa. Ngoài dệt thổ cẩm để làm trang phục cho mọi người trong gia đình, chị Brăi còn dệt đế bán cho người dân trong làng và những vùng phụ cận. Mỗi bộ trang phục hoàn chỉnh hiện đang được bán với giá gần 3 triệu đồng. Nhờ số tiền đó mà chị có thể thoải mái nuôi sống bản thân và phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Nói về mong muốn của bản thân, người phụ nữ khuyết tật thổ lộ: “Dù không thể đi lại thoải mái, nhưng mình cũng nhận thấy, bản thân còn may mắn hơn nhiều người. Bởi mình vẫn có đôi mắt sáng để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, còn có đôi tay khỏe mạnh để làm nhiều việc và vẫn có chân để đi lại dù hơi chậm chạp so với mọi người. Mình sẽ cố gắng học hỏi, làm thêm nhiều việc kiếm sống, dệt thêm nhiều tấm thổ cẩm thật đẹp, giới thiệu cho mọi người biết về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Theo báo Gia Lai
Xem thêm: Cô gái xương thủy tinh vượt nghịch cảnh tự nuôi sống chính mình
Đọc thêm
Không đầu hàng số phận, cô giáo “tí hon” - Dương Thị Sinh (41 tuổi, Hà Nội) nỗ lực trở thành cô giáo, nghiêm túc giảng dạy, truyền cảm hứng học tập cho nhiều em học sinh.
Mồ côi cha mẹ từ sớm, tấm gương vượt khó của cô nữ sinh Dương Diệu Ái (Sóc Trăng) truyền cảm hứng và khiến nhiều người khâm phục.
Tuy bản thân có vóc dáng nhỏ bé, nam sinh Nguyễn Hữu Tú ở Bình Thuận vẫn năng nổ tham gia hoạt động, phong trào của Đoàn trường học.
Tin liên quan
Vừa qua, Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) kết hợp cùng MTTQ quận Lê Chân, TP Hải Phòng tổ chức lễ trao tặng nhà đoàn kết cho 2 hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Bệnh viện Bưu điện quyết định hỗ trợ kinh phí làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho 50 cặp vợ chồng có các vấn đề bệnh lý di truyền và 30 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có con lần nào.
Mới đây, Công ty điện lực Quảng Ngãi vừa tổ chức lễ khởi công và bàn giao kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 5 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh.