Hành trình 10 năm giúp người của chàng trai xuất thân nghèo khó
Từ năm 19 tuổi, chàng trai này đã giữ trong mình đam mê giúp người giúp đời. Do đó, suốt 10 năm qua, dù không giàu có nhưng 9x vẫn chọn cho đi trong khả năng của mình.

Không cần giàu có vẫn giúp được nhiều người
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân chàng trai này từng rất tự ti vì xuất thân của mình. Thế nhưng, suốt 10 năm qua anh Hoàng Công Minh (31 tuổi), ngụ tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã dùng hết khả năng của mình để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
“Trước kia mình rất tự ti vì hoàn cảnh của gia đình nhưng suy nghĩ đó dần biến mất sau khi tham gia các hoạt động tình nguyện, chứng kiến nhiều mảnh đời còn đáng thương hơn. Nhìn các em nhỏ ấy mình nhớ lại bản thân nhiều năm trước. Vì vậy, nó thôi thúc mình phải làm gì đó cho các em, như là giúp đỡ bản thân khi xưa”, anh Minh chia sẻ.
Từ khi còn là sinh viên năm thứ 2, anh Minh đã sôi nổi tham gia các hoạt động tình nguyện của Trường ĐH Tây Nguyên, tiêu biểu nhất là hiến máu tình nguyện. Khi có người cần truyền máu gấp mà không cùng nhóm máu với mình, anh Minh sẽ vận động các tình nguyện viên khác trong nhóm. Thời sinh viên chật vật xoay xở ăn ngày 3 bữa cũng đã khó, thế nhưng chàng trai này luôn đảm nhiệm việc đưa đón và lo ăn uống bồi bổ cho các thành viên sau mỗi lần hiến máu.

Anh Minh kể: “Thời sinh viên đi làm thêm được bao nhiêu tiền là để dành làm chi phí lo ăn uống cho các bạn tình nguyện viên hiến máu. Có thời điểm vài chục nghìn nộp tiền điện thoại mình cũng không có. Dù vậy vẫn nhất quyết không nhận tiền của bất kỳ ai, cứ âm thầm làm mà không than khổ. Tụi mình cho đi với hy vọng giúp người chứ chả mong nhận lại sự trả ơn từ ai”.
Đến năm 2013, anh Minh thành lập ngân hàng máu sống, tập hợp nhiều tình nguyện viên có nhóm máu khác nhau để ai cần thì giúp. Sau đó hành động nhân văn này có sức lan tỏa lớn hơn nên đổi tên thành CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên.
Hiện tại, dù đã vượt qua được những khó khăn về tài chính. Thế nhưng, vấn đề mà anh Minh gặp phải là chuyển công việc liên tục. “Người ta gọi xin máu lúc nào là mình đều phải nghe máy hỗ trợ ngay dù đêm muộn hay trong giờ làm việc. Có những thời điểm mình từng rất đắn đo suy nghĩ xem có nên tiếp tục công việc này không vì bản thân cũng cần phải đi làm để sống. Nhưng mỗi khi có ý định nghỉ là lại có người gọi đến xin giúp đỡ khiến mình không thể đành lòng làm ngơ. Cuối cùng, mình chọn xin nghỉ rồi tìm việc khác để không bị ảnh hưởng đến công ty chứ nhất quyết không ngừng giúp người”, anh Minh chia sẻ.
Hơn 10 năm gắn bó với các hoạt động tình nguyện
Trải qua nhiều khó khăn, nhưng thoắt cái anh Minh cũng đã được gắn cho cái mác “lo chuyện bao đồng” hơn 10 năm nay. Không chỉ là hiến máu, nhóm của anh Minh còn tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ em và đồng bào khó khăn như: Ngày Tết Trung thu, quốc tế thiếu nhi, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn…

Một trong những hoạt động cũng khiến anh Minh vô cùng tự hào khi nhắc đến đó chính là “Ngân hàng sữa mẹ”. Hiện tại, nhóm của anh đặt 5 chiếc tủ đông đựng sữa mẹ trên khắp địa bàn tỉnh Đắk Lắk để ai cần thì lấy, còn dư thì đến cho. “Trước khi nhận sữa mình cũng lưu tâm rất kỹ đến sức khỏe của người mẹ để đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm. Nhờ nguồn sữa này mà rất nhiều em bé được phát triển khỏe mạnh. Có người sau khi nhận sữa bên mình, con họ phát triển tốt nên quay lại ngỏ ý chung tay giúp đỡ”, anh Minh vui vẻ cho biết.
Chị Trương Thị Thùy Liên (33 tuổi), ngụ tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), người nhận sữa mẹ chỗ anh Minh khi con mới 5 tháng tuổi. Chị Liên không khỏi xúc động vì nhờ tủ sữa mẹ đó mà suốt 6 tháng qua con của chị phát triển khỏe mạnh. “Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho con trẻ thế nhưng tôi lại bị thiếu sữa. May mắn thay tôi được một người bạn giới thiệu tủ sữa miễn phí của Minh. Ban đầu đi xin tôi cũng rất ngại nhưng các bạn tình nguyện viên rất nhiệt tình, Minh cũng hỗ trợ nhiều lắm. Trước kia tôi cũng đi xin sữa cho con những chỗ khác nhưng họ đòi phải đổi bỉm, tã, còn chỗ Minh thì không. Tôi rất biết ơn những người mẹ cho sữa và nhóm của Minh”, chị Liên bày tỏ.

Vì số lượng người được nhóm giúp đỡ quá nhiều nên anh Minh chẳng nhớ rõ cụ thể là bao nhiêu. Riêng bản thân anh Minh từ trước đến nay đã có hơn 20 lần hiến máu cứu người. Anh Minh luôn suy nghĩ rằng giúp được ai thì giúp chứ không màng đến chuyện được người ta trả ơn. Do đó, suốt nhiều năm qua dù các thành viên trong nhóm của anh truyền máu kịp thời cứu sống được rất nhiều người nhưng không nhận tiền của bất kỳ ai, dù cho đó là cái tâm, sự biết ơn của gia đình người được hỗ trợ.
Hiện tại đã ngoài 30 nhưng khi được hỏi đến chuyện lập gia đình anh Minh chỉ cười trừ. Nhiều người nói anh lo chuyện bao đồng, ngay cả gia đình cũng không hài lòng khi anh suốt ngày lo chuyện thiên hạ. Thế nhưng không vì vậy mà anh Minh từ bỏ việc giúp người. “Mình là một người vươn lên từ khó khăn, không cần giàu có vẫn giúp đỡ được nhiều người. Mình hy vọng có thể lan tỏa những điều tích cực cho xã hội, tạo động lực cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên”, anh Minh chia sẻ.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Người đàn ông miền Tây trúng số 3 tỷ vẫn đi làm thợ hồ, dùng tiền làm từ thiện
Đọc thêm
Gần 10 năm qua, 9x Bạc Liêu La Thành Đệ chẳng ngại người đời chê cười, cứ thế dốc tiền túi làm từ thiện, giúp đời, giúp người.
Ông Trần Huy Hoàng (63 tuổi, ở tổ dân phố Thủy Sơn, phường Quảng Long, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) hơn 3 năm miệt mài dắt xe đạp đi nhặt ve chai về bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo.
"Đói cho ăn, đau giúp thuốc, chết tặng hòm" - đó là những việc làm nhân ái mà cụ ông Huỳnh Tuấn vẫn làm suốt nhiều năm qua. Có không ít đận, ông rơi vào cảnh khánh kiệt vì dốc hết tài sản làm từ thiện.
Bài mới

Trong suốt cuộc đời cống hiến vì dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ coi sinh nhật của mình là một dịp đặc biệt. Thế nhưng, với đồng bào và đồng chí, ngày 19/5 hằng năm luôn là thời khắc thiêng liêng – không chỉ để bày tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn là dịp để mỗi người tự soi chiếu bản thân qua tấm gương đạo đức sáng ngời, lối sống giản dị và trái tim bao dung, trọn vẹn vì nước, vì dân của Bác.

Jenny Huỳnh là một trong những Gen Z sở hữu chuỗi thành tích “khủng”, không chỉ là nhà sáng tạo nội dung nổi bật nhất tại Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ mà cô nàng còn được vinh danh trong danh sách "30 Under 30 Asia" của Forbes – một cột mốc khẳng định tài năng, bản lĩnh và sức ảnh hưởng của Jenny trên phạm vi châu lục.

TikToker Tina Thảo Thi nổi lên như một hiện tượng “siêu cấp đáng yêu” khi tạo dựng được “vũ trụ” content sạch. Không chạy theo những trend nóng, Tina chọn cho mình một lối đi riêng, từ những video truyền động lực với câu khẩu hiệu “Peek A Boo” cho đến series “góp điều nhỏ bé” đều ghi điểm tuyệt đối với sự gần gũi, ấm áp. Bằng sự tử tế bình dị, sự sáng tạo và năng lượng tích cực, Tina không chỉ “chữa lành” những mảnh đời khó khăn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng.

Trong thế giới mạng xã hội đầy ồn ào và cạnh tranh, TikToker Quan không gờ lại âm thầm xây dựng hành trình riêng, không kèn không trống, nhưng đủ lay động triệu con tim. Anh không cố "làm nội dung" mà chỉ ghi lại hành trình tận tay trao quà, lắng nghe và sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn. Sự giản dị, không dàn dựng ấy khiến người xem cảm nhận rõ một điều: đây là từ thiện thật, tử tế thật!

Đến với TikTok, người ta dễ bị thu hút bởi những video ồn ào, xu hướng “giật gân”, trào lưu nhất thời. Nhưng giữa những ồn ã, xô bồ ấy lại có một chàng trai trẻ âm thầm dùng ẩm thực và lòng tử tế để kết nối những trái tim yêu thương - TikToker Vĩnh Thích Ăn Ngon. Anh không chỉ review đồ ăn mà còn lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bên lề cuộc sống. Và hành trình ấy, bất ngờ thay, lại truyền cảm hứng sâu sắc đến hàng triệu người.

Giữa muôn vàn nội dung giải trí trên TikTok có một người phụ nữ chậm rãi, an nhiên kể về cuộc sống đời thường ở quê, về buôn làng, về những mảnh đời và về vùng đất cô đi qua. Không giật tít, không kịch tính, những video của TikToker An Đen vẫn khiến hàng triệu người xúc động, bởi chúng được kể bằng một trái tim rất thật.