Đường đi học thấm đẫm mồ hôi nước mắt của cậu học trò khuyết tay
Không may khuyết hai tay, lại hay đau ốm, nhưng với Nguyễn Hồng Phúc ước mơ đi học chính là động lực cháy bỏng giúp em nỗ lực.

Nguyễn Hồng Phúc (học sinh lớp 5A7, trường TH Thụy An) vốn là đứa trẻ có số phận hẩm hưu. Em bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Thụy An, Ba Vì khi mới lọt lòng. Cậu bé sinh thiếu tháng, bị khuyết mất hai tay, vô cùng yếu ớt. Nhưng nhờ kịp thời đưa tới viện, lại thêm sự chăm sóc tận tình của các mẹ nuôi, Phúc dần lớn lên khỏe mạnh.
Ngày nhỏ, Phúc vô cùng tự ti, mặc cảm vì không có tay, lại thêm bạn bè vô ý trêu chọc. Nhưng lớn lên, em càng thêm cứng rắn, quyết tự lập, lại học cách hòa đồng. Không có bàn tay, Phúc móc thìa vào hai ngón nhô ra hoặc kẹp vào ngón chân để xúc cơm ăn. Trước khi đi học, em tự mày mò học viết chữ. Phúc nhớ lại: "Em tập mãi mới viết được. Em kẹp hòn sỏi vào ngón chân và viết đi viết lại lên đất. Khi đã quen, em tập với que, sau đó là phấn".

Cậu học trò nhỏ tâm sự, em đặc biệt thích chơi cờ. Các mẹ nuôi ở trung tâm đã dạy em chơi, đến khi đi học thì cậu lại vui vẻ chơi với bạn. Phúc dùng chân di chuyển các quân cờ khổng lồ, lần lượt loại các đối thủ và là người duy nhất còn lại trên bàn cờ.
Ở trường, các bạn học cũng tinh ý hơn, không trêu đùa mà lại giúp đỡ Phúc học tập. Học bài khó, em nhờ bạn giảng giúp, các bạn cũng thường cho em mượn vở để chép bài. Để thuận tiện cho việc học trên lớp, các mẹ ở trung tâm đóng cho Phúc một chiếc bàn thấp bằng gỗ.

"Viết bằng chân nhưng chữ của Phúc đẹp hơn một số bạn. Con chỉ không viết được nhiều như bạn khác", cô Phùng Thị Giáp, giáo viên chủ nhiệm 5A7, cho hay. Cô Giáp nhớ có lần Phúc muốn lên bảng viết bài nhưng vì nghĩ em không cầm được phấn, cô hỏi đi hỏi lại nhưng đều nhận được câu trả lời "con viết được, cô cứ cho con lên bảng đi". Phúc sau đó đứng bằng một chân, chân còn lại kẹp phấn và với lên bảng để viết.
Do sức khỏe còn hạn chế, việc theo kịp tiến trình trên lớp với nam sinh còn khó khăn. Nhưng cô giáo chủ nhiệm đánh giá, em học ở mức trung bình khá, đọc việt tốt, tính toán ổn. "Em học tốt nhất môn Mỹ thuật và Toán nhưng hơi kém môn tiếng Việt. Kỳ vừa rồi em được 8,5 điểm môn Toán", Phúc khoe.

Về nhận công tác cách đây 2-3 năm, thầy hiệu trưởng Trần Đăng Tá chú ý tới Phúc trong một lần đến lớp dự giờ. Biết hoàn cảnh của Phúc, thầy Tá thường quan sát em mỗi giờ ra chơi và gọi lại khích lệ tinh thần. Thầy dặn mọi người cẩn thận trong cách trò chuyện và quan tâm để tránh Phúc cảm thấy bị chú ý, trở nên tự ti.
"Tôi kể cho Phúc nghe tấm gương về thầy Nguyễn Ngọc Ký hay diễn giả Nick Vujicic - những người cũng không có tay nhưng đã vượt qua được nghịch cảnh để vươn lên. Qua đó, truyền cho Phúc sự tự tin và cố gắng", thầy Tá chia sẻ.

Mới đây, Nguyễn Hồng Phúc vinh dự được chọn là một trong 6 học sinh tiêu biểu, xuất sắc được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khen thưởng. Đó chính là động lực to lớn để cậu bé tiếp tục đến lớp, sau những ngày nản chí vì quá ốm yếu để đi học. Em không tự đi được xe đạp, sức khỏe yếu và hay đau đầu. Trước đó, nhiều lần cô giáo phải gọi cho mẹ nuôi đến đón Phúc giữa giờ vì em mệt.
Các mẹ trong trung tâm cũng khuyên Phúc đến trường để được vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Cả huyện Ba Vì chỉ có Phúc được tuyên dương, con nên cố gắng học để có một công việc và giúp ích cho xã hội.
Chị Lê Thị Bích Hà, mẹ nuôi của Phúc tâm sự, nghe những lời thầy cô và các mẹ phân tích, em thấy tự hào vì là tấm gương để các bạn khác vươn lên. Lần đi nhận phần thưởng của Sở mới đây có ý nghĩa lớn, khiến Phúc quyết định đi học. "Con đồng ý đi học rồi. Trung tâm cũng tạo điều kiện, cử một người chở con và một bạn khác cùng đi", chị Hà cho biết.
Nói về tương lai, Phúc tâm sự em chưa muốn làm công việc gì hay học ngành nào, chỉ mong học tốt để thầy cô và các mẹ vui. "Lên lớp 6 em sẽ phải cải thiện hơn môn Văn", Phúc dự định.
Tổng hợp theo VnExpress
Đọc thêm
Dù là ngày hay đêm, chuyến xe 0 đồng của nhóm thanh niên trẻ Hà Tĩnh chuyên chở lúa gặt giúp người già, người khốn khó vẫn miệt mài chạy.
Thương Coffee (Nha Trang, Khánh Hòa) không hoạt động vì lợi nhuận. Đây là nơi giúp các bạn trẻ vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.
Qua bàn tay khéo léo của những thợ may thủ công đặc biệt, hàng loạt áo phao cứu hộ cũ được hô biết thành túi đeo xinh xắn.
Tin liên quan
9 câu đầu của đoạn trích "Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm) cũng thường xuyên xuất hiện trong các đề thi. Vì thế, các bạn học sinh cần hết sức lưu ý về cách phân tích, cảm thụ văn học.
Biển số xe là tấm biển kiểm soát gắn trên xe cộ ai cũng biết, nhưng 75 là biển số xe tỉnh nào thì không phải ai cũng biết.
Không những chúc con bất hạnh và đau đớn, người cha ngày còn muốn con có thể bị đối xử bất công, xui xẻo và thất bại, nếm trải đau đớn cuộc sống. Vì sao vậy?