Hạnh phúc nở hoa – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Cuộc sống vợ chồng chắc chắn có lúc này lúc kia nhưng nếu biết bỏ qua cho nhau, cùng nhau tưới tắm và vun vén thì hôn nhân cũng sẽ nở hoa hạnh phúc thôi.
“Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, ăn sớm để anh còn đi”, chồng vừa dứt lời bao nhiêu ấm ức trong lòng Thảo cứ vậy bùng lên. Cô lớn tiếng đáp lại: “Anh xem em có 5 đầu 6 tay hay sao? Ở cái nhà này việc gì cũng đổ lên đầu vợ anh. Muốn ăn cơm sớm thì phải báo sớm chứ, đằng này ai biết anh muốn gì mà hầu!”.
Thảo khựng lại ở từ “hầu”, cô biết mình lỡ lời nhưng lúc đó vì quá bức xúc mà cô mất bình tĩnh, không kìm được lời nói của mình. Cô biết Thắng vốn nhạy cảm, hay nghĩ ngợi nên rất có thể anh sẽ giận trước lời nói vừa rồi. Quả nhiên, Thắng đập tay xuống bàn quát: “Ai hầu ai? Hóa ra bấy lâu nay em coi việc chăm sóc nhà cửa, cơm nước cho chồng con là hầu hạ người khác sao? Tức là em không coi anh là chồng, không coi bọn trẻ là con em”. Nói xong Thắng với tay lấy áo khoác rồi đùng đùng dắt xe ra khỏi nhà với chiếc bụng đói.
Hôm nay Thảo làm mấy món Thắng và các con đều thích ăn. Nhưng cuộc cãi vã đã làm hỏng tất cả. Giờ này bọn nhỏ vẫn đang ở nhà bà ngoại, đợi cô qua đón về ăn cơm tối. Thảo lấy điện thoại gọi cho mẹ: “Hôm nay con bận, mẹ cho hai đứa ngủ lại một đêm. Mai cuối tuần hai đứa cũng được nghỉ học ạ!”. Gọi xong Thảo tắt bếp vào giường nằm khóc một mình. Mấy phút sau, điện thoại cô đổ chuông, là tin nhắn từ Thắng: “Từ nay anh không ăn cơm ở nhà để em khỏi phải hầu anh nữa”.
Đọc xong tin nhắn Thảo tự nhiên thấy lòng tốt, sự tận tâm của mình dành cho gia đình bị Thắng phủ nhận một cách lạnh lùng. Cô ấm ức nhắn lại: “Được thôi, 3 mẹ con em tự ăn”.
Thảo nằm nghĩ miên man về cuộc hôn nhân của hai vợ chồng. Thảo và Thắng đến với nhau vì tình yêu, sau kết hôn cả hai đều có việc làm, thu nhập ổn định. Rồi hai đứa con đủ nếp đủ tẻ ra đời… Những tưởng mọi việc thế là tốt đẹp, ấy vậy mà Thảo lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chán cảnh đi làm về là cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa... Thắng thì đi làm từ sớm tới tối mịt. Nhiều hôm anh còn làm thêm ca 3 để kiếm thêm chút tiền cho gia đình. Thảo biết chồng cũng áp lực, mệt mỏi song cô vẫn không thể gạt bỏ được ý nghĩ mình phải gồng gánh mọi việc trong gia đình, nhất là khi Thắng là người có tính tình khô khan, ít khi khen ngợi hay nói lời yêu thương với vợ.
Khuya đó Thắng về nhà, không nói không rằng anh mang chăn gối sang phòng con ngủ. Sáng hôm sau anh dậy sớm tự là quần áo, việc mà trước đây anh thường nhờ Thảo làm cho.
1 tuần sau đó, Thắng làm đúng với những gì mình đã tuyên bố. Đi làm về, anh tắm rửa rồi tự đem quần áo đi giặt. Xong xuôi anh tự cọ quét nhà tắm dù trước đó Thảo đã làm rồi. Thảo thì vẫn vậy, về nhà vẫn nấu cơm cho con ăn, nhưng mâm cơm đơn giản hẳn. Trước đây khi có Thắng, cô còn có động lực để nấu món nọ món kia rồi đợi anh về cùng ăn, nhưng giờ thì cứ mấy món thịt xào, canh chua cho qua bữa.
Thấy Thắng không ăn cơm, Thảo lại thắc thỏm tự hỏi chồng đã ăn gì chưa, cơm cháo ngoài hàng sao mà đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng được, anh làm việc nhiều mà ăn uống thế kia mấy hôm lại ốm mất. Thảo đã ngầm quan sát chồng, chỉ có một tuần mà Thắng đã rạc đi, bơ phờ, rõ là xuống sức, Thảo thấy xót trong lòng lắm.
Thảo tự hỏi mình có nên xuống nước làm lành với chồng không. Ít ra là cô nên giải thích để Thắng hiểu là cô không có ý kể công, hay là thấy anh không có ý nghĩa gì với mẹ con cô. Nhưng làm vậy thì cô lại trở thành người kém cỏi, thua cuộc trong trận cãi vã này. Song, Thảo lại tiếp tục nói với mình: “Anh là chồng mình cơ mà. Nếu anh ốm đau, cô và các con sẽ là những người đau lòng đầu tiên. Lúc ấy thì thắng thua có ý nghĩa gì nữa”.
Thế là trong đêm, Thảo nhắn tin với chồng: “Từ mai anh về ăn cơm đi, nếu không muốn ăn cùng em thì em để phần cho anh”. Mấy giây sau, Thắng nhắn lại ngay: “Anh ăn cơm em nấu thấy nghẹn họng lắm, nuốt không nổi. Sao em nỡ so đo công việc với anh, em thấy nấu cơm cho chồng là thiệt thòi cơ chứ. Nhưng anh đâu có đi chơi...”.
Thảo nhắn lại: “Không phải vậy, chỉ là đôi khi em thấy mệt và muốn được anh động viên, chia sẻ thôi, chúng ta là vợ chồng mà”. Thắng không nhắn tin lại nhưng Thảo đoán anh vẫn còn đang thức. Thảo biết rất rõ tính chồng, anh không phải kiểu người vô tâm, vô lo vô nghĩ.
Hôm sau, Thảo để lại phần cơm cho chồng. Thắng về nhà một lát thì xuống bếp, lặng lẽ ngồi ăn cơm. Chỉ thế thôi mà thấy vui trong lòng lắm. Hai đứa nhỏ thấy bố ăn muộn thì ríu rít hỏi chuyện. Thắng lớn nói với bố: “Ngày mai bố về sớm ăn cơm nhé, mấy hôm nay con ăn không bố buồn lắm”. “Để bố sắp xếp nhé”, Thắng đáp.
Thảo khẽ mỉm cười, Thắng nói vậy thì nghĩa là anh và cô đang dần làm hòa. Dù gì thì cả hai vẫn còn muốn gìn giữ hôn nhân, hạnh phúc gia đình.
Cuối tuần đó, Thảo tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Lúc đang lau nhà thì thấy Thắng lại gần, rồi bảo: “Để anh lau cho”. Thảo vẫn còn ngượng ngùng, đưa cây lau nhà cho chồng.
“Tháng này em thấy anh gửi vào tài khoản của em thêm một khoản tiền, tiền gì thế ạ?”, Thảo khe khẽ hỏi chồng.
“Tối hôm rồi anh đi gặp khách hàng để ký hợp đồng. Đây là tiền thưởng lãnh đạo chuyển cho anh”, Thắng nói.
Chính là cái hôm mà Thắng vội vàng giục Thảo ăn cơm nhanh, hóa ra là anh vội đi gặp khách hàng. Tự nhiên, Thảo thấy mình tệ quá, vì cuộc cãi vã không đâu mà Thắng phải nhịn đói ngồi kiếm tiền cho gia đình.
Trong lúc chồng đang cặm cụi lau nhà thì Thảo lấy nước tưới cho mấy cái cây ngoài ban công. Bỗng nhiên, cô phát hiện trong tán cây hạnh phúc có hai bông hoa màu xanh trông như hai quả chuông nhỏ. Đó là lần đầu tiên Thảo được nhìn thấy hoa hạnh phúc. Cái cây này, lúc đầu cô tưởng bị chết, định vứt đi nhưng rồi vẫn cố để ra sân để chăm bón thêm ít ngày. Nào ngờ, cây không những sống lại mà còn trổ hoa nữa. Thảo bỗng nghĩ đến cuộc hôn nhân của mình. Đúng là vợ chồng có lúc này lúc kia nhưng nếu biết bỏ qua cho nhau, cùng nhau tưới tắm và vun vén thì hôn nhân cũng sẽ nở hoa hạnh phúc thôi.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận