Cổ nhân nói "Vọng tử thành long": Mong con thành rồng nhưng không dạy thì có thành rồng được không?
“Vọng tử thành long” (mong con thành rồng) là ước nguyện của Tào Tháo và Viên Thuật. Nhưng kết quả lại khác nhau một trời một vực.
Không biết tự bao giờ, rồng đã được con người tôn kính là loài Thần thú trong truyền thuyết và là một biểu tượng linh thiêng cao quý. Đế vương các triều đại tự xưng mình là “chân long thiên tử”, dân tộc Việt Nam ta cũng kiêu hãnh tự hào gọi bản thân là “con rồng cháu Tiên”. Các bậc cha mẹ trong thiên hạ ai cũng hy vọng con cái thành tài, do đó mới có câu thành ngữ: “Vọng tử thành long” (mong con thành rồng).
Từ xưa đến nay có rất nhiều cha mẹ “mong con thành rồng”, nhưng người thực hiện được nguyện vọng ấy lại chẳng có bao nhiêu. Tào Tháo, chính trị gia lẫy lừng thời Tam Quốc là một trong số ít người đã thành công thực hiện được điều ấy.
Tào Tháo chính là Ngụy Vũ Đế, ông là bậc hùng tài đại lược vang danh trong lịch sử. Nhưng ông không chỉ là một chính trị gia thành công, một nhà quân sự lẫy lừng và một văn học gia kiệt xuất, mà còn là một người cha hiếm có trên đời. Về phương diện giáo dục, ông cũng có con mắt tinh tường khi dạy dỗ để cả ba người con trai đều trở thành nhân tài cho đất nước.
Có thể nói Tam quốc là thời kỳ xuất hiện lớp lớp các bậc anh hào, quần hùng cùng nhau tranh bá. Trong những anh hùng hào kiệt ấy, Tôn Quyền là nhân vật được Tào Tháo ngưỡng mộ nhất. Tôn Quyền còn có tên gọi khác là Tôn Trọng Mưu. Trong mắt Tào Tháo, Tôn Trọng Mưu xứng đáng là con rồng lớn trên mảnh đất Trung Nguyên. Ngay từ năm 18 tuổi Trọng Mưu đã bắt đầu chấp chính, xưng hùng xưng bá ở Giang Nam suốt 50 năm có lẻ. Bởi Trọng Mưu có tài trị quốc thời loạn thế nên được ca ngợi là bậc quân vương “thông minh nhân trí, hùng lược chi chủ”.
Mặc dù Tôn Quyền là đối thủ đáng gờm của Tào Tháo, nhưng suốt đời mình Tào Tháo vẫn kính trọng và khâm phục tài năng của họ Tôn. Tào Tháo từng có lần thốt lên: “Sinh con trai hãy như Tôn Trọng Mưu!” Điều ấy nói nên rằng Tào Tháo luôn trông mong các con trai của mình sẽ trở thành nhân tài giống như Tôn Quyền vậy. Đây cũng là tiêu chuẩn cụ thể về “rồng” trong khát vọng “mong con thành rồng” của Tào Tháo.
Vậy làm thế nào để nuôi dạy các con trở thành nhân tài giống như Tôn Trọng Mưu? Tào Tháo hiểu rằng rồng không thể “trông mong” mà thành được, điều then chốt nằm ở giáo dục, nằm ở việc bồi dưỡng mà nên.
Là một đế vương quyền uy trong thiên hạ, Tào Tháo hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của bản thân để các con mình vô công mà vẫn hưởng lộc, vô đức mà vẫn được mọi người coi trọng, vô tài mà vẫn có địa vị sang giàu. Nhưng ông không làm vậy, và cũng không cho phép các con có ý nghĩ ấy. Ông ban bố “Chư nhi lệnh”, tuyên bố rằng:
“Khi các con còn nhỏ tuổi, mặc dù ta đều yêu thương cả, nhưng sau khi đã lớn rồi, ai thực học thực tài thì ta trọng dụng người đó. Không phải ta dọa nạt các con, ta đã nói là sẽ giữ lời. Ta chẳng những không bất công đối với thuộc hạ của mình, mà đối với thân tình cốt nhục ta cũng không có bất cứ thiên vị nào”.
Tào Tháo đặt rất nhiều công phu vào việc dạy con. Dù bận bịu trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn không quên dạy con đọc sách, luyện võ, hơn nữa ông còn thuận theo sở thích và sở trường của từng cá nhân để giáo dục. Con trai cả là Tào Chương giỏi về võ thuật, có tài làm tướng, Tào Tháo liền hướng cho Tào Chương phát triển về phương diện võ tướng, ông dạy con tập võ và truyền thụ các tri thức quân sự. Con trai thứ hai là Tào Phi được chọn làm thái tử, Tào Tháo chú trọng bồi dưỡng cho Tào Phi về năng lực trị quốc, nâng cao khả năng kiểm soát chính sự. Người con trai thứ ba là Tào Thực yêu thích văn chương, Tào Tháo liền dạy Tào Thực ngâm thơ làm phú, bồi dưỡng Tào Thực thành một văn học gia kiệt xuất.
Giỏi nắm bắt thời cơ và khơi dậy hoài bão của các con là một đặc điểm trong cách giáo dục của Tào Tháo. Vào năm Tào Thực 23 tuổi, Tào Tháo từng nói với con trai rằng: “Trước đây ta làm huyện lệnh ở Đốn Khâu, khi ấy tuổi đời mới chỉ 23. Ngày hôm nay khi nhớ lại những lời nói việc làm của bản thân lúc ấy, ta không thấy có gì phải hối hận. Năm nay con cũng 23 tuổi rồi, liệu có thể không hăng hái nỗ lực chăng?”
Tào Tháo kể lại thời thanh niên của mình để khích lệ Tào Thực, ông vừa thể hiện tình yêu thương lại vừa tỏ ra nghiêm khắc. Đây là đặc điểm đầu tiên trong cách dạy con của Tào Tháo.
Khi Tào Chương nhận lệnh dẫn quân chinh chiến về phương bắc, Tào Tháo nghiêm túc nói với con: “Ở nhà là phụ tử, làm việc là quân thần, hành động phải tuân theo vương pháp, con phải chú ý đấy!” (Nguyên văn: “Cư gia vi phụ tử, thụ sự vi quân thần, động tắc dĩ vương pháp tòng sự. Nhĩ kỳ giới chi!”)
Ý tứ là: Khi còn ở nhà hai chúng ta là cha con, nhưng sau khi con nhận nhiệm vụ xuất chinh thì giữa chúng ta lại là quan hệ vua và bề tôi, nhất cử nhất động của con ta đều chiếu theo vương pháp mà xử lý. Con đừng buông tuồng phóng túng, nhất định phải chú ý đấy!
Tào Tháo nhắc nhở Tào Chương rằng: Đừng tự cho mình là con trai của đế vương mà có thể tùy tiện muốn gì làm nấy, nếu làm lỡ việc quân cơ thì hoàng tử cũng sẽ bị trừng phạt như khanh tướng. Ông vừa chú trọng giáo dục bằng lời nói, vừa chú trọng giáo dục thông qua cuộc sống thực tế. Đây là đặc điểm thứ hai trong cách dạy con của Tào Tháo.
Nói về Tào Phi, mặc dù Tào Phi làm thái tử nhưng không được náu mình cả ngày trong cung cấm, cũng không được hưởng tháng ngày sung sướng an nhàn. Thay vào đó, Tào Tháo luôn dẫn theo Tào Phi bên mình, để cậu trải qua cuộc sống trong quân doanh, cùng quân lính rong ruổi qua các cuộc chinh chiến nam bắc, mượn khói lửa chiến tranh để rèn luyện, để con phải lao thân khắc khổ, kinh qua mưa gió, tĩnh tĩnh xem thế cục, từ đó mà nuôi dưỡng chí anh hùng. Đây là đặc điểm thứ ba trong cách dạy con của Tào Tháo.
“Hữu tâm cắm liễu, liễu thành rừng”, công phu của Tào Tháo trong việc bồi dưỡng con cuối cùng đã đạt được thành tựu lớn lao. Các con trai của ông, dẫu là văn hay võ thì đều trở thành nhân tài lớn của quốc gia. Người con trai cả Tào Chương trở thành vị tướng quân kiêu dũng thiện chiến, từng đóng quân ở Trường An, sau được lập thành Nhậm Thành Vương. Hai người con thứ là Tào Phi và Tào Thực đều trở thành những văn học gia xuất chúng. Cả Tào Phi, Tào Thực cùng với phụ thân là Tào Tháo được gọi chung là “Tam Tào”, giữ địa vị hiển hách trong lịch sử văn học Trung Hoa. Sau này Tào Phi kế thừa vương vị của cha, trở thành Ngụy Văn Đế.
Đến đây, chúng ta hãy nhắc đến một người cha khác cũng từng “mong con thành rồng”. Ông chính là Viên Thuật. Viên Thuật là người sống cùng thời với Tào Tháo, và cũng là một trong số những nhân vật phong vân có sức ảnh hưởng lớn tới cục diện thời Tam quốc.
Viên Thuật có một viên tướng bộ hạ tên là Tôn Sách, anh trai của Tôn Quyền, và cũng là một người có hùng tâm tráng chí. Viên Thuật có lúc đối xử tệ bạc với Tôn Sách, nhưng trong tâm lại vô cùng ngưỡng mộ. Ông từng thở dài nói: “Nếu Thuật có con trai được như Tôn lang thì chết cũng không có gì phải ân hận.”
Điều ấy cho thấy Viên Thuật coi Tôn Sách như tiêu chuẩn về rồng trong nguyện vọng mong con thành rồng của mình. Đáng tiếc là kỳ vọng của Viên Thuật chỉ dừng lại ở “ngưỡng mộ” và “than thở”, chỉ có “mong” chứ không có “dạy”. Kết quả là các con trai của Viên Thuật không một ai có tài năng triển vọng, sự nghiệp tiền đồ đều rất bình thường không có gì nổi trội. Mơ ước có được một người con tài giỏi như Tôn Sách, cuối cùng vẫn chỉ là ước mơ xa vời.
Cả Tào Tháo và Viên Thuật đều mong con thành rồng, và đều nhìn nhận hai anh em nhà họ Tôn như tiêu chuẩn “rồng vàng” của mình, nhưng kết quả lại khác nhau một trời một vực. Xem ra, chỉ có ý nguyện “vọng tử thành long” mà không chú trọng bồi dưỡng con thành rồng thì nguyện vọng ấy sẽ mãi mãi không thể thực hiện được. Câu chuyện của Tào Tháo và Viên Thuật không chỉ là lịch sử, mà còn là lời khải thị cho hậu thế chúng ta.
Xem thêm: Cổ nhân dặn: Lấy vợ tạm quên chữ sắc, kết bạn tạm quên chữ tài
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận