Vượt nghịch cảnh, cô thợ may không tay mở lớp dạy nghề cho những người khó khăn
Thay vì tự ti vì đôi bàn tay mất ngón, cô thợ may Đỗ Thị Thu Thủy (Hà Tĩnh) lại nỗ lực làm nghề và mở lớp dạy may vá cho những người có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Năm lên 2 tuổi, vì tai nạn pháo bay lạc mà cô bé Thủy vĩnh viễn mất đi những ngón tay, kèm theo đó là một khuôn mặt biến dạng. “Càng lớn nỗi tự ti về bàn tay không ngón, khuôn mặt dị dạng xấu xí càng tăng dần và mình quyết định thôi học dù trong lòng tiếc nuối vô cùng. Đến khi trưởng thành, bố đã khuyên mình nên đi học một nghề nào đó để nuôi sống được bản thân. Thế là mình đi học may”, chị Thủy chia sẻ về hoàn cảnh của mình.
Thế nhưng con được học nghề này không hề dễ dàng. Khi đi xin học nghề, chị Thủy toàn nhận về những cái lắc đầu từ chối. Không những không nhận, nhiều chủ tiệm may còn nói những lời vô cùng đau lòng: “Người bình thường còn không may được, tay em thế này không học được đâu”.
“Những lúc như vậy, bố luôn ở cạnh an ủi, động viên. Rồi bố đi xin vải vụn ở các hiệu may về cho con tập khâu. Đầu tiên tôi tập xỏ kim cho thành thạo, rồi tập khâu từng mảnh vải một. Khi ấy tay rất mỏi và đau, nhưng mình không bỏ cuộc”, chị Thủy tâm sự.
Sau một tháng tự mày mò học thêm từ sách vở, chị Thủy đã có sản phẩm đầu tay. Và sau 3 tháng kiên trì học hỏi, chị đã có thể tự nhận may quần áo cho khách. Tiệm may của cô thợ may không tay đặc biệt luôn tấp nập người ra vào bởi sự khéo léo trên từng đường cắt may. Dù là trang phục dành cho người lớn hay trẻ nhỏ, chị đều làm rất tỉ mỉ và cẩn thận.
Giờ đây với hơn 17 năm theo nghề, chị Thủy đã có một lượng khách nhất định ở Hà Tĩnh, thậm chí có cả những khách ở tỉnh ngoài như Hải Phòng, Đà Lạt,… Công việc may vá đã giúp chị Thủy có một cuộc sống ổn định và mở ra cho chị một tương lai mới.
“Nhiều năm qua mình không ngừng học tập, cố gắng và liên tục cập nhập mẫu mới cho khách. Có đôi khi khách tả mẫu rồi mình may theo, nhưng vì là mẫu mới nên nhiều lúc phải tự may cho bản thân xem lên dáng thế nào rồi mới quyết định may cho khách”, chị Thủy nói. Thế mới thấy, không có một hành trình nào là đơn giản cả, đặc biệt là với những người khuyết tật như chị lại càng phải cố gắng gấp nhiều lần.
Công việc bận rộn là thế nhưng chị Thủy vẫn mở lớp dạy cắt may cho những người muốn học nghề và những người có hoàn cảnh khó khăn như mình. Vì trước đây, để theo đuổi nghề may chị đã phải tự mày mò, tìm tòi vô cùng vất vả, thậm chí từng bị nghi ngờ về khả năng may vá. Nên chị muốn mình có thể trở thành một người chỉ đường, hướng dẫn, trao cơ hội cho những người muốn học,
Bằng nghị lực và quyết tâm, cô thợ may không tay đã chạm tới ước mơ của mình, truyền cảm hứng cho rất nhiều người trong cuộc sống.
Theo Đại đoàn kết
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, cô gái 9X không tay nuôi ước mơ trở thành cô giáo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận