Vì sao người Việt lại có câu nói "chạy như cờ lông công"?

Mỗi khi thấy ai đó chạy loạn xạ, rối rít, người đời lại ví von bằng câu nói “chạy như cờ lông công”. Vậy nguồn gốc sâu xa của câu nói này là gì?

Thùy Nguyễn
14:00 04/11/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu văn hóa, trong thành ngữ “chạy như cờ lông công” thì cờ lông công là cờ làm bằng lông của con công. Đây là loại cờ hiệu của những người lính trạm ngày xưa thường dùng khi chạy công văn hỏa tốc. 

Quay về ngày xa xưa, việc chuyển thư từ và công văn sẽ được thực hiện bằng người và ngựa. Do sử liệu hạn chế nên rất khó để tường tận việc tổ chức và hoạt động của công tác văn thư từ thời Đinh – Tiền Lê trở về trước.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà giai đoạn này thiếu đi việc truyền đạt mệnh lệnh, thông tin. Thực tế, công tác truyền đạt thông tin cực kỳ quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc.

vi-sao-nguoi-viet-lai-co-cau-noi-chay-nhu-co-long-cong-3

Ví dụ, ở thời Hai Bà Trưng, Nàng Nội ở trong đội ngũ tướng lĩnh được phân công giữ chức Nội các Văn thư Trường quan. Trong lịch sử Việt Nam, đây có lẽ là vị tướng đầu tiên đảm nhận việc chuyển đạt và xử lý các văn bản, hiệu lệnh thông qua trạm - một loại hệ thống đưa tin. 

Sau này, hệ thống chuyển tin tức, văn bản hình thành quy củ, rõ nét hơn dưới thời nhà Lý. Năm Quý Mùi (1043), vua Lý Thái Tông chia các đường cái quan thành từng cung đoạn, đặt trạm để chạy công văn. Theo đó, nhà trạm hoặc dịch trạm sẽ là nơi giao nhận giữa các cung đoạn.

Tổ chức trạm ngày càng phát triển qua các triều Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng. Trong sách sử thống kê, cuối thế kỷ XVII đã có tới 54 cung trạm được thiết lập tại các tuyến giao thông huyết mạch của đất nước.

Một số trạm còn được đặt tại kinh đô Thăng Long, đến nay vẫn còn lưu giữ qua các tên gọi, điển hình như Hà Trung, Ngõ Trạm. Mỗi thời kỳ, việc chuyển đạt thông tin có sự tổ chức sắp xếp khác nhau. Tuy nhiên, triều đình thường chia các đường cái quan làm từng cung đoạn để đặt trạm chuyển công văn.

Nếu các trạm cách không xa nhau thì có thể dùng người để đưa công văn, xa hơn thì dùng ngựa, qua sông hồ thì dùng thuyền. Những phu trạm đều là người khỏe mạnh, chạy bộ giỏi. 

Đến triều Nguyễn, triều đình đặt ra 2 loại trạm là lực trạm (đường bộ) và thủy trạm (đường thủy). Mới giai đoạn đầu của triều Nguyễn đã có tới 158 cung trạm. Những người phu trạm được gọi là phố binh hoặc lính trạm, có nhiệm vụ đưa công văn giấy tờ, hộ tống quan lại đi công cán và đi sứ nước ngoài. 

vi-sao-nguoi-viet-lai-co-cau-noi-chay-nhu-co-long-cong-1

Thực tế, từ trạm nọ đến trạm kia là một cung đường; một lính trạm khi chạy công văn hỏa tốc phải vượt 2-3 cung đường/ngày với tốc độ nhanh nhất có thể. Bởi vậy, phu trạm có quyền ưu tiên rất cao, mọi người nhìn thấy phu trạm đều phải tự động tránh đường. Ngoài ra, nếu ngựa trạm chẳng may dẫm chết ai đó thì phu trạm cũng không bị tội. 

Việc chuyển phát công văn thời xưa rất bận rộn. Công văn vừa chuyển đi thì công văn khác lại tới. Việc các công văn, mệnh lệnh tới lui liên tục, đan chéo nhau khiến cờ hiệu lông công cũng dồn dập theo, 

Cờ hiệu lông công xuất hiện trên mọi nẻo đường đất nước, gắn liền với tình cảnh chạy vội vội vàng vàng của những người lính trạm. Theo thời gian, người đời dùng câu “chạy như cờ lông công” để diễn tả việc chạy rối rít, chạy loạn xạ. Câu thành ngữ này còn có nghĩa rộng hơn là rối rít, tất tưởi làm một công việc gì đó, không nhất thiết chỉ dùng cho hành động chạy. 

Xem thêm: Câu chuyện ít người biết phía sau 2 câu thành ngữ nổi tiếng 'Cẩu vĩ tục điêu' và 'Kê khuyển thăng thiên'

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận