Khởi nghĩa thất bại, quận He, quận Hẻo bị chúa Trịnh làm nhục ê chề

Sau khi cuộc nổi dậy ở quận Hẻo Nguyễn Danh Phương và quận He Nguyễn Hữu Cầu thất bại, chúa Trịnh đã bày đủ trò để làm nhục 2 vị anh hùng “sa cơ”.

Thùy Nguyễn
21:00 30/11/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo ghi chép trong sử cũ, ngày 28 tháng Chạp năm Canh Ngọ (1750), thuộc tướng của Phạm Đình Trọng - Thống lĩnh đạo Nghệ An là Viêm Thọ hầu Phạm Đình Sĩ đã bắt được quận He Nguyễn Hữu Cầu trên địa phận huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đầu năm Tân Mùi (1751) quận Hẻo Nguyễn Danh Phương bị quân chúa Trịnh truy đuổi, sau đó bị phục binh vây bắt được tại xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch.

Chỉ trong thời gian ngắn, hai người cầm đầu các cuộc nổi loạn khiến chúa Trịnh “mất ăn mất ngủ” nhiều năm đều bị bắt giữ. 

Cuộc nổi dậy của Quận He và Quận Hẻo

Sau khi bị nhà Mạc cướp ngôi, vua Lê được lập nhưng chỉ là “bù nhìn” bởi quyền lực nằm trong tay chúa Trịnh. Do đó, bên cạnh cung vua là phủ chúa. Tình hình Đại Việt cũng có nhiều biến động dưới thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), hết chia Nam - Bắc triều lại đến Đàng Trong - Đàng Ngoài. Đến nửa sau thế kỷ 18, tình hình Đàng Trong - Đàng Ngoài có nhiều xáo trộn.

Ở Đàng Trong, loạn thần Trương Phúc Loan chuyên quyền khiến chúa Trịnh phải đưa quân từ Bắc Hà vào Nam Hà, chúa Nguyễn phải bôn ba khắp nơi. Còn ở Đàng Ngoài, thế kỷ 18 là thế kỷ chiến tranh nông dân khi hàng loạt các cuộc nổi dậy chống lại nhà chúa, đặc biệt từ thời chúa Trịnh Giang trở đi. 

quan-he-quan-heo-bi-chua-trinh-lam-nhuc-e-che-3
Nổi loạn khắp nơi dưới thời chúa Trịnh Giang

Hàng loạt những tôn thất nhà Lê bất mãn chúa Trịnh, những tay lục lâm thảo khấu hay trí thức không gặp thời thi nhau nổi dậy. Có thể kể đến những cái tên nổi trội như Lê Duy Mật, Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu… Trong đó, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương là 2 cái tên khiến nhà chúa đau đầu hơn cả. 

Quận He Nguyễn Hữu Cầu hoạt động ở miệt Đông Bắc, đất Đồ Sơn, kể từ năm Quý Hợi (1743) liên tục cướp thóc gạo chia cho dân nghèo, rất được lòng dân, không ít lần khiến triều đình “thất điên bát đảo”. Dù sau này bị quân triều đình vây đánh vào Đồ Sơn, Cầu vẫn chạy thoát về Kinh Bắc và làm cho kinh thành Thăng Long một phen chấn động. Đến năm Kỷ Tỵ (1749), thế lực của Cầu dần suy yếu. Đến năm Tân Mùi (1751), cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu bị dập tắt còn Cầu bị đóng cũi giải về kinh. 

Còn quận Hẻo Nguyễn Danh Phương hoạt động ở vùng Sơn Nam, “đóng quân ở chân núi Tam Đảo dựa vào chỗ hiểm làm lũy, vét lương chiêu quân đặt làm sào huyệt”. Vốn là người mưu trí, thi thoảng lại biết thời thế xin hàng quân triều đình làm kế hoãn binh. Chúa Trịnh phải đối phó với nhiều cuộc nổi loạn nên cũng không còn cách nào khác là chấp nhận.

Trong Việt sử tân biên viết: ““Danh Phương dựng cung điện, đặt quan chức, đánh thuế má lên tới tỉnh Tuyên Quang. Thanh thế một thời vang dậy khắp vùng Trung du đất Bắc luôn 10 năm ròng. Ai ai cũng khiếp uy danh của Danh Phương”. Mãi đến năm Canh Ngọ (1750), tướng Nguyễn Phan dẫn theo quân triều đình liều chết đánh vào Hương Canh mới hạ được đồn và bắt được quận Hẻo. 

Kẻ rót rượu, người thổi tiêu

Ngày 22 tháng 3 năm Tân Mùi (1751), chúa Trịnh Doanh cho mở tiệc khao các hàng văn võ và các tướng sĩ, đúng lúc Phạm Đình Sĩ đóng cũi giải Nguyễn Hữu Cầu đến hành tại Hương Canh. Theo Đại Việt sử ký tục biên, chúa Trịnh thấy thế liền “sai Cầu thổi sáo, Phương rót rượu, ba quân vui mừng reo vang như sấm”. 

quan-he-quan-heo-bi-chua-trinh-lam-nhuc-e-che-2
Tranh mô phỏng tàu chiến Đàng Ngoài

Sau khi hạ nhục bằng cách bắt Phương và Cầu rót rượu, thổi tiêu mua vui, đoàn quân của chúa Trịnh trở về kinh, tâu việc thắng trận lên vua Lê. Vẫn theo Đại Việt sử ký tục biên có chép: “Ngày Bính Thân (29) dâng tù ở Thái miếu, sai giam cả ở ngoài cửa phủ, xa gần người xem chen chúc. Cầu mưu vượt ngục bị lộ chuyện, bèn đem chém cùng với Phương, truyền thủ cấp đi bốn trấn”. 

Án tử là điều khó tránh khỏi, nhưng cảnh người thắng trận ca khúc khải hoàn, kẻ bại trận rót rượu, thổi sáo hầu mua vui trong sử Việt quả là hiếm có. Phải chăng đây chính là cách chúa Trịnh làm nhục, hạ bệ hai kẻ “cứng đầu” chống lại nhà chúa? Quá vất vả cho những lần đánh dẹp những kẻ nổi loạn, cho nên chúa Trịnh mới bày tiệc rượu và bắt kẻ chiến bại phải mua vui cho mình, vừa xả giận, vừa để làm nhục kẻ làm cho mình bao phen lao tâm khổ tứ. Khi nói về việc rót rượu, thổi sáo, tác giả Việt sử tân biên chỉ mượn câu ngạn ngữ cha ông mà rằng: “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.

Xem thêm: Trương Phúc Loan - quyền thần khiến cơ nghiệp 200 năm của 8 đời chúa Nguyễn phút chốc bị sụp đổ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận