Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Nhà tiên tri hàng đầu cùng giai thoại khiến nhiều người trầm trồ
Cho tới tận ngày nay, người đời vẫn truyền nhau loạt giai thoại về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà lý số đại tài, nhà tiên tri số 1 của nước ta.
Được đào tạo từ nhỏ để thành tài
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương (nay là Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Mẹ ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Tiến sĩ Nhữ Văn Lan - một người tài năng mẫn tiệp, tinh thông địa lý, thiên văn và tướng số. Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ đào tạo để thành tài.
Giai thoại về Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết gắn liền với giai thoại về người mẹ của mình. Sống dưới thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), bà biết trước rằng nhà Lê sẽ nhanh chóng suy yếu nên muốn kén một người chồng có tướng sinh quý tử để tính chuyện đại sự.
Tuy nhiên, kén mãi không được nên ngoài 30 tuổi, bà nên duyên với ông Nguyễn Văn Định, học trò Quốc Tử Giám và sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà ôm mộng lớn sinh ra con sẽ làm Thiên Tử, do đó vào đêm động phòng hoa chúc, bà cắm chiếc đũa ở ngoài sân và dặn chồng rằng: “Khi nào bóng trăng đến chiếc đũa thì mới được nhập phòng”.
Đợi lâu quá, ông Định sốt ruột đẩy cửa vào thì bị bà trách: “Ông vội vàng như thế, con cái sau này chỉ làm đến Tứ trụ hoặc đỗ Trạng nguyên chứ không thể làm được Hoàng đế”. Một lần khác, khi bà đưa con về quê thì gặp một thầy tướng Trung Hoa trên đường. Liếc nhìn dung mạo Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy tướng buột miệng khen: “Tướng mạo của thằng bé này không tầm thường. Nhưng nước da hơi thô nên chỉ làm đến Trạng nguyên thôi”.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc học, từ nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã theo thầy Bảng nhãn là cụ Lương Đắc Bằng để học hành. Là người thông minh lại được mẹ rèn giũa, sớm theo thầy giỏi nên càng ngày Nguyễn Bỉnh Khiêm càng chứng tỏ được tài năng của mình.
Theo sách xưa, cụ Lương Đắc Bằng đã đem sách “Thái ất thần kinh” ra dạy cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong sách, nhiều điều đến cả chính cụ cũng không hiểu được; sau này chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm mới tinh thông tỏ tường.
Sở hữu tài năng hơn người, Nguyễn Bỉnh Khiêm được vua quan các triều trọng dụng. Ông không chỉ có tài chính trị, ngoại giao lỗi lạc mà còn là người đạo đức thanh cao, tấm lòng vàng ngọc. Những giai thoại về ông vẫn còn sống mãi tới tận ngày nay, đặc biệt là về tài lý số của ông. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Nghiêm vốn nổi tiếng bốn phương là nhà tiên tri số 1, người dự báo chính trị và hoạch định chiến lược cho các triều đại đương thời.
Quẻ bói tối 30 Tết
Theo người xưa truyền nhau, vào một buổi tối 30 Tết năm ấy, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ngồi đàm luận lý số với người học trò từ xa đến thì ngoài cửa có tiếng gọi. Ông sai người làm ra bảo người ngoài chờ chút, còn ông và học trò ngồi bấm quẻ xem người gõ cửa nhờ chuyện gì.
Cả hai thầy trò đều bấm vào quẻ “thiết đoản mộc tràng”, nghĩa là “sắt ngắn gỗ dài”. Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi học trò: “Cậu đoán người đó tới đây làm gì” thì học trò đáp: “Thưa thầy, theo ý con sắt ngắn gỗ dài tức là người đó vào đây mượn cái mai đào đất. Chứ ngoài ra không có cái gì sắt ngắn gỗ dài nữa đâu”.
Nghe xong, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ cười: “Tôi đoán anh ta vào mượn cái búa”. Quả nhiên người nọ vào mượn búa thật. Khi học trò thắc mắc, ông giải thích: “Cậu bấm quẻ giỏi nhưng mức đoán còn thấp. Ngày 30 Tết người ta còn mượn mai làm gì? Tôi đoán người ta mượn búa để bổ củi nấu bánh chưng. Bấm quẻ trúng là một chuyện, phán đoán phải cơ biến, linh hoạt mới được”. Nghe xong, học trò càng thêm khâm phục tài nghệ của ông.
Câu chuyện này giống như một lời nhắc nhở hậu thế đừng áp dụng máy móc lý thuyết vào thực tiễn. Lý thuyết chỉ đúng khi được ứng biến linh hoạt, phỏng đoán dựa trên kinh nghiệm, vốn sống.
Còn có giai thoại khác kể rằng, quê Nguyễn Bỉnh Khiêm có người học trò nghèo tên Bùi Sinh. Một hôm, Bùi Sinh đến hỏi ông về kế làm giàu. Sau khi hỏi kỹ ngày tháng năm sinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm đáp: “Sáng mai đúng giờ Dần, anh ra chỗ bờ sông mà đón, hễ gặp cái gì dù dơ bẩn thế nào cũng vớt lên, anh sẽ giàu đấy!”.
Sau khi lạy tạ ra về, Bùi Sinh ngày hôm sau làm theo đúng lời dặn của ông. Anh ngồi mé sông đợi, trời mưa như trút nước nên định ra về. Tuy nhiên, anh vẫn cố kiên nhẫn để xem lời cụ Trạng có đúng hay không. Đợi mãi, Bùi Sinh thấy từ xa một thi thể người theo sóng dạt vào bờ, trôi đến trước mặt.
Nghe lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, anh vớt thi thể đang bốc mùi lên bờ. Đúng lúc ấy, trời bỗng tạnh mưa. Cho đây là điềm lành, Bùi Sinh xem xét kỹ thì đây là xác con gái, mặc trang phục Trung Hoa, trên người mang rất nhiều vàng bạc, ngọc ngà châu báu. Anh lấy lại số của cải này rồi chôn cất người con gái này cẩn thận.
Chừng nửa tháng sau, có thông cáo về việc một công chúa đi thuyền chơi Nam Hải, không may thuyền bị bão đánh. Thi thể công chúa trôi dạt nơi nào, nếu ai vớt được báo sang thiên triều sẽ được trọng thưởng. Bùi Sinh báo tin, tiếp tục được thưởng nhiều tiền của, từ anh học trò nghèo không xu dính túi bỗng trở thành nhà cự phú giàu nhất vùng...
Xem thêm: Giải mã Nguyễn Quyện - Bất bại danh tướng oai thanh lẫy lừng, tận trung với nhà Mạc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận