Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cùng giai thoại đấu trí cả triều đình phương Bắc

Lúc sinh thời, Mạc Đĩnh Chi từng làm quan 3 đời vua, 2 lần đi sứ phương Bắc, sử dụng tài trí của mình khiến vua quan phương Bắc khâm phục.

Thùy Nguyễn
15:00 24/09/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tài trí hơn người

Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh - nay là Nam Sách (Hải Dương). Dù có tướng mạo xấu xí nhưng từ nhỏ Mạc Đĩnh Chi đã thông minh hơn người. Tuy nhiên, do nhà nghèo không có tiền đi học, Mạc Đĩnh Chi chỉ còn cách đứng ngoài cửa nghe lén thầy giảng bài, tối đến bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để rèn luyện con chữ. 

Bấy giờ, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở học đường ở phủ đệ thu hút nhiều con nhà quyền quý theo học, cấp ăn mặc và đào tạo thành tài. Tuy nhà nghèo nhưng Mạc Đĩnh Chi tài trí, lanh lợi nên cũng được nhận vào học đường. Đến năm 1304, triều vua Anh Tông mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đã xuất sắc đỗ đầu trở thành Trạng nguyên khi mới ngoài 20. 

giai-thoai-dau-tri-ca-trieu-dinh-phuong-bac-cua-mac-dinh-chi-7

Tương truyền, khi ra mắt vua, vua Anh Tông thấy Mạc Đĩnh Chi có mặt mũi, thân hình xấu xí nên không muốn cho đỗ Trạng nguyên. Thấy vậy, Mạc Đĩnh Chi liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc) để nói lên phẩm giá thanh cao của mình dâng lên vua, khiến ngài cảm phục và cho đỗ Trạng nguyên, coi sóc thư khố, sau đó thăng chức lên Tả bộc xạ. 

Sau này, Mạc Đĩnh Chi được nhà vua tin tưởng giao cho đi sứ nước Nguyên 2 lần vào năm 1308 và 1324, lần nào cũng khiến vua quan nước bạn phải khâm phục. Sử sách truyền rằng: “Đĩnh Chi thấp bé, người Nguyên khinh thường ông. Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ và cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5, tháng 6, ở trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. 

Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi liền kéo bức trướng xuống rồi xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ, hỏi lý do thì Đĩnh Chi trả lời: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Nghe xong, mọi người đều dừng cười và vô cùng nể phục tài trí của ông. 

Giai thoại đấu trí cả triều đình phương Bắc

Một lần dẫn đầu đoàn sứ sang nhà Nguyên thì trời bất ngờ đổ mưa khiến đoàn đến chậm một ngày so với ngày hẹn. Dù Mạc Đĩnh Chi nói hết nước hết cái nhưng viên quan giữ cửa ải nhất quyết không mở. Sau đó, trên cửa ải thả xuống một vế đối viết: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan” (Nghĩa là: Qua cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan). Nếu không đối được thì cứ chấp nhận đứng ngoài mà thôi. 

giai-thoai-dau-tri-ca-trieu-dinh-phuong-bac-cua-mac-dinh-chi-0

Vế đối hiểm hóc, chỉ 11 chữ mà lặp lại 4 lần chữ “quan”, 3 lần chữ “quá”. Tuy nhiên, sau một lúc suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi đáp: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước). Vế đối của ông cũng 11 chữ, trong đó có 4 chữ “đối”, 2 chữ “tiên” khiến quan quân chịu thua đành phải mở cửa cho đoàn sứ đi qua. 

Tới kinh đô nhà Nguyên, vua Nguyên cũng ra vế đối để làm nhụt chí quan trạng sứ Đại Việt. Vế đối như sau: “Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đàn thiêu tàn ngọc thỏ” (Nghĩa là: Mặt trời (là) lửa, mây (là) khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng), nghe xong Mạc Đĩnh Chi đáp ngay: “Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô”. (Nghĩa là: Trăng (là) cung, sao (là) đạn; chiều tối bắn rơi mặt trời). Vế đối thể hiện khí phách của dân Việt, không hề run sợ mà sẵn sàng chống lại kẻ thù. Chính vế đối này đã giúp Mạc Đĩnh Chi được vua Nguyên đích thân phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. 

giai-thoai-dau-tri-ca-trieu-dinh-phuong-bac-cua-mac-dinh-chi-2

Trước khi về nước, vua Nguyên vẫn muốn thử tài đoàn sứ một lần nữa nên đã ra hàng loạt câu hỏi mẹo như: “Từ khi đến Yên Kinh, ngươi ngày nào cũng cưỡi ngựa đi trên đường thăm phong cảnh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường không?” Câu hỏi này của vua Nguyên muốn thử tài quan sát của Mạc Đĩnh Chi. Tuy nhiên, người trên đường quá nhiều, không ai để ý mà đếm hết được.

Suy nghĩ một lúc, Mạc Đĩnh Chi đáp: “Muôn tâu Bệ hạ, hàng ngày trên đường kinh đô chỉ có hai người đi lại”. Khi vua Nguyên băn khoăn, ông liền giải thích: “Phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì "danh" cũng vì "lợi" mà thôi, như vậy rõ ràng chỉ có hai người là cầu danh và cầu lợi”.

Vua Nguyên lại hỏi thêm: “Một cái thuyền chở vua, thầy và cha. Khi đến giữa sông thuyền bất ngờ bị lật. Khi ấy, ngươi bơi ra cứu nhưng chỉ được cứu một thì chọn cứu ai?”. Câu hỏi oái oăm này muốn hỏi xoáy về cách ứng xử của con người. Dù câu trả lời nào cũng dễ lộ ra khuyết điểm, một là bất trung, hai là bất nhân, ba là bất hiếu. Thấy vậy, Mạc Đĩnh Chi trả lời: “Thần bơi ra nếu gặp ai trước thì cứu người đó, bất kể là vua, thầy hay cha”. Vua quan nhà Nguyên chỉ biết gật gù trí thông minh cùng tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi, buộc phải để ông và đoàn sứ về nước. 

Xem thêm: 5 vị trạng nguyên nổi danh nhất, là bậc kỳ tài trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận