Ghé thăm biệt phủ dòng họ giàu nhất miền biên ải với 14 đời trấn giữ biên cương
Một thời được coi là biệt phủ bởi độ nguy nga, tráng lệ của gia tộc giàu nhất biên ải, khu nhà ở của dòng họ Vi ngày nay chỉ còn là những tàn tích…
Đến tận ngày nay, người dân ở thôn Bản Chu (xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) vẫn đồn đại về về khu nhà ở của Vi Văn Định - dòng họ 14 đời trấn ải biên cương, một thời được coi là “biệt phủ” nguy nga tráng lệ. Đặc biệt là những tin đồn về kho báu của gia tộc giàu nhất miền biên ải khiến nhiều người đã đến đây săn lùng khiến biệt phủ một thời trở nên tan hoang, tàn tạ. Ngày nay, thế hệ con cháu họ Vi cũng không còn ai lập nghiệp, sinh sống ở vùng đất này.
14 đời trấn giữ biên ải
Cho tới tận ngày nay, quá khứ vàng son xoay quanh biệt phủ của tổng đốc nhà họ Vi 14 đời trấn giữ biên ải phía Bắc vẫn là điều khiến nhiều người quan tâm. Biệt phủ của tổng đốc Vi Văn Định nằm ở thôn Bản Chu cổ kính, được coi là một nơi đắc địa về phong thủy. Phía trước biệt phủ hướng ra sông Kỳ Cùng, phía sau dựa vào những dãy núi trùng điệp vô cùng vững chãi. Theo phong thủy, đây được coi là thế đắc địa, chẳng khác nào là thành quách “bất khả xâm phạm”.
Sau khi ông Hoàng Đình Trọng (lái xe riêng của dòng họ Vi) qua đời, con trai là ông Hoàng Văn Báo được nhà họ Vi giao cho việc trông coi cổng làng, bảo vệ cổng biệt phủ và những bức tường còn sót lại. Ông cũng là người duy nhất còn nắm được thông tin về dòng họ Vi. Được biết, dòng họ Vi có gốc tích từ Nghệ An. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi, ông Vi Kim Thăng với con trai Phúc Hân cùng chủ tướng đuổi theo tiêu diệt Liễu Thăng ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Khi đất nước được bình định, ông được phong làm Thảo Lộ tướng quân, trấn giữ vùng biên ải phía Bắc.
Sau đó, hai cha con ông Vi Kim Thăng chọn mảnh đất ở Bản Chu để khai hoang lập ấp. Từ đó, con cháu họ Vi nhiều đời sau đều trấn giữ biên ải phía Bắc. Có một ông thầy địa lý Trung Quốc từng đi qua Bản Chu từng tấm tắc khen biệt phủ họ Vi có thế đất tuyệt đẹp, con cháu về sau sẽ vô cùng thành đạt.
Quả thật thời đó, gia tộc họ Vi thuộc dạng giàu mạnh nhất vùng Đông Bắc. Biệt phủ rộng 5000m2, hơn 50 mẫu ruộng đất cùng 3 cái ao to, xung quanh bao bọc bởi hệ thống tường thành kiên cố. Trong thành có 3 cái cổng, cổng thứ nhất là cổng thành làng, lên một đoạn là cổng chính, cuối cùng là cổng trong được dựng tỉ mỉ, sắc sảo. Ở mỗi cổng có một cái trống to, có quân lính đứng canh. Khi có khách vào thăm, đến cổng nào thì quân lính sẽ đánh trống báo hiệu cổng đó.
Tới tận ngày nay vẫn chưa biết chính xác ai là người đặt nền móng xây dựng phủ. Theo ông Báo, biệt phủ được xây dựng 2 lần, lần một là xây tầng 1 do ông Vi Văn Lý thực hiện, sau đó con trai ông là Vi Văn Định xây những tầng tiếp theo, biến nó thành công trình 4 tầng uy nghiêm với hệ thống kiến trúc độc đáo. Được biết, gạch dùng xây biệt phủ là thứ đất có thịt cực dẻo và dai; các miếng gạch dính vào nhau nhờ đường trộn với tro. Biệt phủ giống như mô hình kiến trúc Cố đô Huế được thu nhỏ, mái lợp bằng ngói âm dương hình dáng uốn lượn như rồng bay lên; nội phủ tráng lệ với những nét chạm trổ kỳ công.
Tháng 8/1928, ông Vi Văn Định được Pháp cử về làm Tổng đốc Thái Bình, chấm dứt việc trấn ải biên cương của dòng họ Vi. Từ đó, Vi Văn Định rời Lạng Sơn, biệt phủ bị bỏ hoang không người quét dọn, trở nên rêu phong, cây cối um tùm. Thời kỳ kháng chiến, chiến sĩ bộ đội chọn đây làm căn cứ, nơi trốn mưa bom bão đạn của người dân. Sức công phá của súng đạn đã khiến biệt phủ hư hại nặng, nhiều gian bị đổ, nhiều bức tường tan nát.
Hiện tại chỉ còn là những tàn tích
Trong ký ức của ông Nông Văn Chẩm - một cụ già sống gần biệt phủ không thể quên được những sự kiện phía sau việc mượn cớ phá biệt phủ để tìm kho báu. Nhiều dân nơi đây vẫn truyền tai nhau về những kho báu bí mật nhà họ Vi được cất giữ. Họ nói rằng, nhiều lúc mưa bom bão đạn làm lộ ra vàng ròng, bạc trắng ở bức tường hình mặt người. Gia tộc họ Vi qua 14 đời cai quản vùng đất này, ai cũng tin rằng của cải họ tích cóp được vô cùng lớn.
Hơn thế nữa, đến đời tổng đốc Vi Văn Định còn trấn giữ 6 tỉnh phía Bắc, khi chuyển về làm tổng đốc Thái Bình thì của cải, kho báu không thể mang hết. Nhiều người suy đoán, có thể nhà họ Vi đã chôn giấu ở một nơi bí mật trong phủ. Lời đồn ngày càng lan rộng, không ít cuộc khai quật nhưng thật ra là tàn phá biệt phủ âm thầm diễn ra. Nhiều người đến đục tường, xới tung chân tường và nền nhà. Gạch bị đập ra, người ta còn khuân mang về nhà để xây công trình của mình.
Đến ngày hôm nay, dấu vết cuối cùng còn sót lại tại biệt phủ là bức cổng thành làng và cổng của biệt phủ. Nếu không canh phòng cẩn mật, một số kẻ nổi lòng tham rất có thể sẽ đập tan những di tích hoang phế còn sót lại để tìm kho báu. Ông Hoàng Văn Báo cho biết, sau khi cụ Vi Văn Định ra đi, con cháu cũng rời đi hết. Tuy nhiên, thông tin về người trong dòng họ Vi mọi người trong bản vẫn biết. Ví dụ như, con trai Tổng đốc Vi Văn Định là ông Vi Văn Kỳ, từng là nhân viên Bộ Nội vụ thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, con gái là bà Vi Kim Ngọc (vợ của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyên), người con gái khác là bà Vi Kim Phú (vợ Giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội), cháu nội cụ là Vi Thị Nguyệt Hồ (vợ Giáo sư y khoa Tôn Thất Tùng)...
Xem thêm: Nhan sắc hơn người của con gái Tổng đốc Hà Đông cùng mối tình với cố Bộ trưởng nổi tiếng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận