Chuyện tình đẹp của thiếu tướng Phan Khắc Hy và vợ: Hơn 500 bức thư vượt bom đạn về hậu phương

Hơn 500 bức thư đi về giữa bom đạn thời chiến là sợi dây gắn kết tình yêu của thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng vợ Nguyễn Thị Ngọc Lan trong 24 năm xa cách.

Thùy Nguyễn
11:00 20/12/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tướng Hy từng nặng lòng chia sẻ: “Thương con, thương dâu, mẹ tôi đã cất giữ những bức thư do tôi gửi lại một cách cẩn thận: Bọc bằng mo cau, giấu trên gác bếp để ngừa mối mọt. Mỗi khi máy bay Mỹ sắp ném bom, trước khi xuống hầm ẩn nấp bà đều chạy đến gác bếp, lấy gói mo cau bọc thư, đem xuống hầm…”

Chiến tranh không chỉ tàn khốc với bom đạn, máu chảy và sự hi sinh. Vẫn có những tình yêu đẹp được ươm mầm, nuôi dưỡng trong xa cách. Người lính đi chiến trận chưa biết ngày trở về cùng người con gái nơi hậu phương, họ chỉ biết gửi tình yêu và nỗi nhớ qua những dòng nhật ký, những bức thư tay mà thôi. 

Hơn 500 lá thư vượt bom đạn

Những năm cuối kháng chiến chống Pháp, khi đó tướng Hy đang là Phó bí thư Tỉnh uỷ, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan xếp bút nghiên, xung phong vào mặt trận Bình Trị Thiên, gặp gỡ Phan Khắc Hy khi ông được điều vào đây để xây dựng lực lượng chủ lực.

chuyen-tinh-dep-cua-thieu-tuong-phan-khac-hy-va-vo-1
Thiếu tướng Phan Khắc Hy và vợ

Tướng Hy đã nhanh chóng “cảm nắng” người con gái ấy. Tuy nhiên, chuyện tình của chàng trai Quảng Bình không hề suôn sẻ. Suốt thời gian dài, bà Ngọc Lan luôn tránh mặt, không cho ông cơ hội để “cầm cưa”. Sau này ông biết được, bà Lan là cháu ngoại của một nhà nho xứ Nghệ. Bà sợ bị ông ngoại mắng khi vừa ra chiến trường đã vội yêu đương.

Thế là, Phan Khắc Hy “làm liều”, nhờ Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên viết thư cho ông ngoại bà Ngọc Lan, xin phép cho hai người được tìm hiểu. Đến khi ông ngoại gửi thư đồng ý, bà Ngọc Lan mới thôi tránh mặt.

Mỗi lần ra chiến trường, Phan Khắc Hy không ngừng nhớ nhung người con gái mình yêu. Và thế là, ông trải lòng mình qua những lá thư con chữ. Những bức thư cứ thế gửi nỗi nhớ niềm thương, vượt qua mưa bom bão đạn. Bà Ngọc Lan còn gửi cho “chồng tương lai” một chiếc túi nhỏ màu xanh tự tay mình khâu coi như vật đính ước. 

chuyen-tinh-dep-cua-thieu-tuong-phan-khac-hy-va-vo-2
Thư đồng ý của ông ngoại bà Lan

Quen nhau được 1 năm, tướng Hy ngỏ lời cầu hôn. Được sự giúp đỡ của đồng chí Trần Quý Hai - Chỉ huy trưởng; Đồng chí Chu Văn Biên - Chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên, cả hai chính thức nên duyên vợ chồng tháng 11/1952 tại chiến khu Ba Lòng. 

Những lá thư mang trọn niềm thương nỗi nhớ

Hết chống Pháp, ông lại biền biệt đi chống Mỹ trên những nẻo đường Trường Sơn. Những bức thư lại tiếp tục giữ vai trò kết nối, giữ lửa tình yêu cho cả hai vợ chồng. Ông viết thư cho vợ dọc đường hành quân, khi qua các binh trạm hay đồng đội đi ngang sẽ tranh thủ gửi về. Những bức thư mang bao niềm thương nhớ nhưng không hẹn một ngày về. 

chuyen-tinh-dep-cua-thieu-tuong-phan-khac-hy-va-vo-3
Những bức thư tình của tướng Hy

Nhớ người vợ trẻ nơi hậu phương, những cánh thư nhận được Phan Khắc Hy đều cất vào chiếc túi màu xanh vợ tặng. Những bức thư theo ông suốt chặng đường dài hành quân, mang theo tấm lòng và tình yêu của vợ. Ngày trước khi lên đường, hai vợ chồng dặn dò nhau, tối thiểu một tháng phải gửi một lá thư. Chậm thư một chút là lòng ông lại bồn chồn, lo lắng.

Mỗi bức thư vợ gửi, ông có thể hình dung mọi chuyện ở nhà, từ việc sinh hoạt đến con cái… Ngày ông cùng đồng đội bắn rơi 10 máy bay rồi được về thăm nhà, vợ con lại đang đi sơ tán. Vô tình đọc cuốn nhật ký của vợ, Phan Khắc Hy không cầm được nước mắt. Ông hứa sau khi hòa bình sẽ bù đắp cho vợ mình gấp bội.  

“Thương con, thương dâu, mẹ tôi đã cất giữ những bức thư do tôi gửi lại một cách cẩn thận: Bọc bằng mo cau, giấu trên gác bếp để ngừa mối mọt. Mỗi khi máy bay Mỹ sắp ném bom, trước khi xuống hầm ẩn nấp bà đều chạy đến gác bếp, lấy gói mo cau bọc thư, đem xuống hầm…”, ông kể. Nhờ mẹ mà những bức thư của hai vợ chồng Phan Khắc Hy được giữ nguyên vẹn đến tận ngày nay. 

chuyen-tinh-dep-cua-thieu-tuong-phan-khac-hy-va-vo-4
Vợ chồng tướng Hy chụp cùng một trong 3 người con

Những ngày cuối cùng của chiến tranh, khi miền Nam sắp hoàn toàn giải phóng, hai vợ chồng ông đang cách nhau cả nửa vòng trái đất. Khi đó, bà Ngọc Lan đang học tập ở Praha (Tiệp Khắc). Cả hai vẫn giữ thói quen gửi thư cho nhau, chia sẻ niềm vui khi kháng chiến thành công, hòa bình trở lại. 

Năm 1976, bà Lan học xong về nước. Gia đình vỡ òa hạnh phúc khi được đoàn tụ sau 24 năm phải xa cách vì chiến tranh. Bức thư đầu tiên ông viết vào ngày 3/4/1952 - khi bắt đầu chiến tranh - đến lá thư cuối ngày 7/5/1975 - sau khi Sài Gòn giải phóng đều được cất trong chiếc túi xanh bà thêu, giữ trọn vẹn tới ngày hòa bình.

(Theo Zing)

Xem thêm: Chuyện chưa kể về lá thư chuyển tiền của Bác Hồ gửi Tổng cục Chính trị để mua thêm nước uống cho bộ đội

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận