Chuyện chưa kể về lá thư chuyển tiền của Bác Hồ gửi Tổng cục Chính trị để mua thêm nước uống cho bộ đội
Hiện nay Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vẫn lưu giữ lá thư chuyển 16.000 đồng của Bác Hồ gửi Tổng cục Chính trị để mua thêm nước uống cho bộ đội phòng không trực chiến bên mâm pháo, làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời của Tổ quốc.
Hiện vật lá thư chuyển tiền của Bác Hồ mang số đăng ký 4875-Gi-1026 được lưu giữ rất cẩn thận trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thư đề ngày 27/7/1967.
Đây là số tiền tiết kiệm của Bác Hồ dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu sinh hoạt và tiền nhuận bút viết cho báo Nhân dân. Ngân hàng Hoàn Kiếm chuyển thư này tới Tổng cục Chính trị.
Sau khi nhận tiền, chuyển tiền cho các đơn vị, Tổng cục Chính Trị xin giữ lại thư chuyển tiền, giao cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) làm hiện vật.
Các cuộc trưng bày về Bác Hồ với lực lượng vũ trang, hiện vật này được giới thiệu với công chúng bảo tàng. Câu chuyện về sự quan tâm của Bác Hồ với lực lượng phòng không ba thứ quân được đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Người kể lại.
Vào năm 1967, nhằm kết hợp với cuộc phản công chiến lược ở miền Nam, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại mới ở miền Bắc. Chúng tăng cường thêm nhiều máy bay, số lần cất cánh cũng tăng, số bom ném vào các mục tiêu cũng nhiều hơn. Chúng mở ra những đợt đánh tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã, cơ sở công nghiệp, thả mìn một số cửa sông và tuyến đường vận chuyển trên biển…
Dự kiến địch sẽ đánh vào Thủ đô Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã điều động lực lượng, tăng cường lưới lửa phòng không bảo vệ thủ đô Hà Nội. Khi ấy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô động viên, tổ chức các đội tự vệ tham gia các tổ, đội bắn máy bay bằng súng bộ binh.
Trên các đồng lúa, ruộng rau ở ngoài thành, dưới chân cầu Long Biên đã xuất hiện hàng trăm trận địa pháo cao xạ, tên lửa. Trên các nóc nhà cao tầng là các trận địa súng máy phòng không của các tổ tự vệ Thủ đô trực chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh ở Hà Nội trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc và cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước.
Vào tháng 7/1967, Hà Nội chịu cái nắng nóng kỷ lục. Mặt trời đốt cháy trên đỉnh đầu. Hà Nội hầm hập như một cái lửa. Chiến sĩ thủ đô vẫn liên tục túc trực ở các vị trí chiến đấu, không rời nửa bước.
Thấy thời tiết khắc nghiệt như vậy, Bác Hồ rất lo lắng cho cán bộ, chiến sĩ đang bảo vệ bầu trời Thủ đô. Người liền cử đồng chí Vũ Kỳ lên nóc Hội trường Ba Đình, xem xét điều kiện trực chiến của tổ súng máy phòng không trên đó.
Bác nói: "Nắng nóng như thiêu như đốt thế này, các chú bộ đội trực phòng không bên mâm pháo, tự vệ trực chiến máy bay trên nóc các tòa nhà thì sao chịu được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết!".
Đồng chí Vũ Kỳ lên nóc Hội trường Ba Đình, trên đó có một tổ súng máy phòng không 14,5mm đang làm nhiệm vụ trực chiến. Nhìn thấy công sự, ụ cát rất sơ sài, đồng chí Vũ Kỳ thầm nghĩ nếu bị địch bắn vào, mọi người sẽ không an toàn…
Vì trời quá nắng nóng nên chỉ đứng 1 lúc là đồng chí Vũ Kỳ thấy hoa cả mắt, chóng mặt. Đồng chí hỏi các chiến sĩ: "Các đồng chí có nước ngọt uống không?" Các chiến sỹ trả lời: "Đồng chí ơi, trên này nước uống còn thiếu, lấy đâu ra nước ngọt?".
Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo chuyện này, Bác Hồ quyết định rút tiền tiết kiệm của mình tặng lực lượng phòng không để có thêm nước giải khát cho các chiến sĩ trực chiến máy bay Mỹ trên toàn miền Bắc. 16.000 đồng hồi đó giá trị bằng mấy chục cây vàng. Từ Ngân hàng Hoàn Kiếm, thư chuyển tiền của Người được chuyển tới Tổng cục Chính trị, dấu bưu điện đề ngày 27/7/1967.
Ngày 5/8/1967, từ 7 giờ đến 10 giờ, Bác Hồ dành thời gian làm việc với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Người nghe đồng chí Văn Tiến Dũng báo cáo tình hình địch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, lực lượng phòng không ba thứ quân hiệp đồng chặt chẽ bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều phi công Mỹ.
Sau khi nghe đồng chí Văn Tiến Dũng báo cáo xong, Bác rất vui mừng. Người khen ngợi thành tích của lực lượng phòng không ba thứ quân, động viên các chiến sĩ bắn giỏi bắn trúng giành nhiều thành tích hơn nữa.
Bác cũng không quên nhắc đồng chí Tổng Tham mưu trưởng quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho chiến sỹ, bảo đảm đủ cơm ăn, nước uống, đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu.
Món quà Bác tặng tuy nhỏ nhưng với các chiến sĩ phòng không đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn. Món quà ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho họ, giúp họ vượt qua được một mùa hè nóng bỏng nhất, lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Chiến công của lực lượng phòng không ba thứ quân chính là những món quà ý nghĩa nhất dâng lên Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Sau này, Tổng cục Chính trị xin giữ lại giấy báo chuyển tiền số 63 ghi lý do "quà của Bác Hồ gửi cho bộ đội pháo cao xạ" có dấu Cục Tài vụ làm hiện vật và giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị lịch sử.
(Theo Bảo tàng Quân sự Việt Nam)
Xem thêm: Chiếc máy cày Bác Hồ tặng xã Vĩnh Kim - "báu vật thiêng liêng", nhân dân sẵn sàng đào hầm để bảo vệ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận