Nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Đại Bát Niết Bàn
Kinh Đại Bát Niết Bàn là bài kinh nói về giai đoạn cuối đời của Đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn. Cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa, nội dung của Kinh Đạt Bát Niết Bàn trong bài viết dưới đây.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Đại Bát Niết Bàn
Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-Parinibbana-sutta) gọi tắt là Kinh Niết Bàn.
Kinh Đại Bát Niết Bàn đứng một vị trí quan trọng, có thể nói là duy nhất, trong kho tàng kinh điển Phật giáo, vì các lý do:
-Đó là một tài liệu lịch sử, xã hội quý báu về giai đoạn cuối đời đức Phật
-Kinh chứa đựng một cách cô đọng những điểm căn bản, chính yếu của giáo lý đạo Phật
-Kinh cho ta thấy sự chuyển biến từ một con đường giải thoát dưới sự hướng dẫn của một vị thầy, tới một tín ngưỡng dân gian với sự sùng bái di tích của một đấng Thế Tôn.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là Kinh Niết Bàn ít được biết đến trong giới Phật tử, ít được giảng dạy và tụng niệm tại các chùa chiền.
Kinh Đại Bát Niết Bàn là bài kinh nói về giai đoạn cuối đời của đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn.
Về ý nghĩa của tên Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-Parinibbana):
Maha tiếng Pali có nghĩa là to lớn (tiếng Hán là Đại), pari là hoàn toàn, nibbana là Niết Bàn.
Parinibbana (phiên âm sang tiếng Hán là Bát Niết Bàn) là sự tịch diệt hoàn toàn (extinction complète), sự chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn của vòng sanh tử.
Đó là từ dùng để chỉ định sự ra đi, lìa khỏi cõi đời của các vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác (samma sambuddha), Phật Độc Giác (pacceka-buddha) và A La Hán (arahant), khác với cái chết của người thường (marana).
Ngoài ra, khái niệm "hoàn toàn tịch diệt " (parinibbuta) cũng được dùng để chỉ định trạng thái tâm linh của các vị Phật, Độc Giác và A La Hán, khi còn tại thế.
Do đó, chúng ta thấy có mặt trong kinh điển hai từ:
1) sopadisesa parinibbana, là sự tịch diệt hoàn toàn, sự nhổ tận rễ những lậu hoặc, ô nhiễm, kiết sử, nhưng vẫn còn những thể chất của đời sống (Hán: hữu dư y Niết Bàn).
2) anupadisesa parinibbana, là sự tịch diệt hoàn toàn, ngay cả những thể chất của đời sống (Hán: vô dư y Niết Bàn). Đó là khi các vị Phật, Độc Giác và A La Hán lìa bỏ thể xác và cõi đời.
Sopadisesa parinibbana còn được coi như là kilesa parinibbana, sự dứt bỏ hoàn toàn những ô nhiễm, kiết sử, và anupadisesa parinibbana như là khandha parinibbana, sự dứt bỏ hoàn toàn những uẩn.
Như vậy, không phải chỉ có đức Phật Thích Ca mới nhập Bát Niết Bàn, nhưng Kinh Đại Bát Niết Bàn (chữ Đại chỉ định sự tôn kính) là bài kinh nói về sự nhập Bát Niết Bàn của Đức Phật Thích Ca.
Có hai bài kinh mang tên là Đại Bát Niết Bàn:
- Một bài thuộc hệ Phật giáo Nguyên Thủy (chú thích 2)(Nam tông), nguyên văn viết bằng chữ Pali, và
- Một bài thuộc hệ Phật giáo Đại Thừa (Bắc tông), nguyên văn viết bằng chữ Phạn (sanskrit), dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng. Phải nói rằng đó là một trong những bài kinh nguyên văn chữ Phạn hiếm có còn tồn tại, đa số những bài khác đã bị thất lạc và chỉ còn lại dưới bản dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng.
Kinh Đại Bát Niết Bàn Nguyên Thủy, viết bằng chữ Pali (Maha-Parinibbana-sutta), là bài kinh dài nhất trong Tam Tạng kinh điển (Tipitaka), thuộc vào Trường Bộ Kinh (Digha-nikaya). Người ta cho rằng bản kinh ban đầu được thành hình mấy chục năm trời sau khi đức Phật tịch diệt, bằng tiếng Prakrit, một ngôn ngữ rất gần với tiếng Pali, và sau đó bị nhiều đổi thay trong một, hai thế kỷ tùy theo những nhu cầu giáo lý và tổ chức của đoàn thể tăng già. Lời kinh được truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác, và chỉ được ghi chép lại vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN. Toàn phần kinh Pali được ghi chép vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước CN, nhưng vẫn còn tiếp tục được truyền khẩu nhiều năm sau.
Kinh Đại Bát Niết Bàn Đại Thừa, nguyên văn bằng chữ Phạn (Maha-Parinirvana-sutra) thuộc vào trường phái Mula-Sarvastivada, một chi nhánh của phái Sarvastivada (Nhất Thiết Hữu), xuất hiện khá muộn và thất truyền từ lâu. Kinh được dịch sang chữ Hán từ khoảng thế kỷ thứ 3 tới thứ 5 sau CN, dưới những tựa đề khác nhau (Phật Thuyết Phương Đẳng Bát Nê Hoàn Kinh, Đại Bát Nê Hoàn Kinh,...). Một trong những bản đó là do ngài Pháp Hiển sang Tích Lan mang về và dịch cùng với Buddhabadra năm 417. Năm 421, tại miền Bắc Trung Hoa, nhà sư Ấn Độ Dharmaksema cũng dịch một bản kinh dài hơn, được bổ túc bằng một số đoạn trong một bản kinh viết tay tìm thấy tại Khotan (miền Tây Tân Cương).
Tại phương Tây, Kinh Đại Bát Niết Bàn đã được giới học giả đặc biệt chú ý đến từ cuối thế kỷ 19 qua những bản dịch từ tiếng Pali sang tiếng Anh bởi T.W. Rhys-David (1881, 1910), qua những công trình nghiên cứu tiếng Đức của E. Waldschmidt (từ 1944 đến 51) và nhất là qua công trình nghiên cứu của nhà Phật học Pháp André Bareau (từ 1970 đến 75).
Trong đó, André Bareau là người đã có công phu nghiên cứu nhất về các bản kinh Đại Bát Niết Bàn. Ông đem đối chiếu 7 bản kinh khác nhau, 1 viết bằng chữ Pali, 1 bằng chữ Phạn và 5 bằng chữ Hán, soạn thảo trong những thời kỳ khác nhau và thuộc về những trường phái khác nhau.
Về bản dịch ra tiếng Việt, thì cũng có hai bài kinh Đại Bát Niết Bàn, một bài dịch từ chữ Pali bởi HT Thích Minh Châu, và một bài dịch từ chữ Hán bởi HT Thích Trí Tịnh.
Đó là hai bài kinh khác nhau, một bài thuộc hệ thống Nguyên Thủy, và một bài thuộc hệ thống Đại Thừa.
Tuy rằng cả hai đều có liên quan tới giai đoạn cuối đời của đức Phật trước khi ngài nhập Bát Niết Bàn, nhưng có nhiều sự khác biệt về hình thức cũng như về nội dung. Bài kinh Đại Thừa dài hơn bài kinh Nguyên Thủy nhiều, vì có thêm nhiều bài kinh khác.
Bản dịch của HT Thích Trí Tịnh được in làm 2 quyển, dầy 1500 trang, chia ra làm 29 phẩm, trong khi bản dịch của HT Thích Minh Châu chỉ có 53 trang A4, chia ra làm 6 phẩm.
Trong kinh Nguyên Thủy, đức Phật giảng dạy cho Ananda (A Nan), vừa là em họ, thị giả và đệ tử thân cận nhất của ngài, trong khi trong kinh Đại Thừa, đức Phật giảng dạy cho Maha-Kassapa (Đại Ca Diếp), là vị đại đệ tử của ngài.
Kinh Đại Bát Niết Bàn nói rất rõ chuyến đi cuối cùng của Đức Phật cùng đệ tử của người đi 6 tháng trời từ thành phố Rajagaha, thủ đô xứ Maghada, tới Kusinara, một thị trấn nhỏ của dân tộc Mallan, đoạn đường dài 500 km. Tuy Đức Phật già yếu nhưng ngài vẫn cố gắng rao truyền cho các đệ tử trưởng lão hãy ra gặp Phật để hỏi đáp những vấn đề còn chưa rõ về đạo luật trước khi ngài nhập diệt.
Chính vì thế Kinh này có một sức lôi cuốn cao độ xem như cốt tủy của Đạo Phật được hỏi và đáp, lịch sử cuối cùng của Phật, tâm lý tình cảm của toàn dân chúng yêu mến Ngài thời bấy giờ và lời dạy cuối cùng của Ngài.
Nội dung Kinh Đại Bát Niết Bàn
Kinh Đại Bát Niết Bàn gồm có 13 phẩm theo Nguyên thủy tiếng Pali va 29 phẩm theo Đại thừa tiếng Sanskrit. Vì quá dài chúng ta nên thu gọn lại phần cốt lõi để học kinh Đại Bát Niết Bàn.
Chúng ta sẽ chủ yếu nói về Kinh Đại Bát Niết Bàn Pali, vì những lý do sau:
- Đó là bài kinh xuất hiện sớm nhất đứng về mặt lịch sử.
- Những sự kiện lịch sử, xã hội có khả năng được mô tả một cách trung thành nhất.
- Những lời giảng dạy trong kinh có khả năng gần với những lời dạy cuối cùng của đức Phật nhất.
1. Phẩm Thọ Mạng: Như Lai tuyên bố sẽ nhập Niết Bàn, thọ mạng của Như Lai là bất biến theo Đại-thừa khởi tín. Thể dụng và tướng thì Như Lai là thường trụ không ảnh hưởng của thời gian.
2. Phẩm Thân Kim Cang: Thân Như Lai là thân kim cang chân thật thường trụ.
3. Phẩm Công Đức Danh Tự: Công đức người thọ trì kinh nầy tùy theo đức tin của người ấy.
4. Phẩm Tánh Như Lai: Đó là Tánh Phật. Phật dạy có 4 hạng người: Một là tự sửa mình chân chánh, hai là làm cho kẻ khác trở nên chân chánh, ba là có thể tùy chỗ hỏi mà đáp, bốn là khéo giảng rõ nghĩa nhân duyên.
“Thiện nam tử! Lại có vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn, đem tất cả các cõi thế giới trong mười phương mà dồn nạp vào trong một hạt bụi nhỏ. Các chúng sanh ở trong các cõi ấy cũng chẳng có cảm giác là bị dồn ép và bị mang đi. Chỉ có người cần được hóa độ mới thấy được việc ấy. Cho đến khi Bồ Tát đặt những cõi ấy trở lại chỗ cũ một cách yên ổn.
Lời Phật dạy: “Thiện nam tử! Vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn như vậy, có thể thị hiện vô số các loại thần thông biến hóa. Vì vậy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn. Vô số các loại thần thông biến hóa mà vị Đại Bồ Tát ấy có thể thị hiện như vậy, tất cả chúng sanh đều không thể tính lường được.
“Thiện nam tử! Ví như người đốt đèn, châm dầu đầy vào đèn. Khi dầu còn thì đèn còn sáng, dầu hết thì đèn cũng hết sáng. Ánh sáng không còn là ví như phiền não đã dứt. Mặc dầu ánh sáng không còn nhưng cái đèn vẫn còn đó. Như Lai cũng vậy, phiền não tuy đã dứt, nhưng pháp thân thường còn.
“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, ngài thành bậc Đẳng chánh giác, làm vị Đại y vương, thấy chúng sanh khổ não ở Diêm-phù-đề, trong vô lượng kiếp bị trúng tên độc là phiền não, tham dâm, sân hận, si mê; chịu sự khổ não cấp thiết. Ngài vì những chúng sanh ấy, diễn thuyết kinh Đại-thừa là vị thuốc pháp cam lộ. Trị bệnh xong rồi, ngài lại đi đến phương khác. Nơi nào có chúng sanh bị tên độc phiền não, ngài liền thị hiện làm Phật để liệu trị cho họ. Vì vậy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn.
“Đại Bát Niết bàn gọi là chỗ giải thoát. Nơi nào có chúng sanh cần điều phục, Như Lai liền thị hịên ở đó. Vì nghĩa chân thật rất sâu xa như vậy, nên gọi là Đại Niết bàn.” “Như Lai thành tựu công đức như vậy, sao có thể nói Như Lai là vô thường? Nếu nói là vô thường, thật không có lý! Thân kim cang này sao lại là vô thường? Vậy nên Như Lai không thể nói là mạng chung. Như Lai là thanh tịnh, không có nhơ nhớp. Thân của Như Lai chẳng bị thai bào làm cho nhơ nhớp, như hoa [sen trắng] phân-đà-lỵ vốn tánh thanh tịnh. Như Lai, giải thoát lại cũng như vậy. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Cho nên Như Lai vốn là thanh tịnh, không có sự nhơ nhớp.
“Lại nữa, giải thoát gọi là không còn các lậu hoặc, những sự đau đớn, thương tổn đều dứt sạch chẳng còn dấu vết. Như Lai cũng thế, không có tất cả các lậu hoặc, đau đớn, thương tổn. Phật dạy tiếp: Đại Bát Niết Bàn là giải thoát có nghĩa là: rỗng không vắng lặng, pháp vô vi không sanh không diệt, không có bịnh, không còn lậu hoặc, không có tranh giành, yên tĩnh, không có kẻ ngang hàng, không lo buồn, không buồn vui, không bụi nhơ, không bức thiết, không xao động, chẳng thể đo lường, pháp vô lượng, không sánh bằng, không vượt qua, pháp thường còn, chân thật, không bám víu, không nhà cửa như hư không, không nắm bắt không cầm giữ, trong sạch, dứt trừ phiền não, trừ ái luyến, bỏ ta và của ta, qua bên kia bờ, vắng lặng yên tĩnh, hết vô minh, không lay động, buông bỏ hiện hữu, xuất thế, diệt trừ pháp hữu vi, giải thoát là Như Lai, là Đại Bát Niết Bàn.
5. Phẩm Đại Chúng Thưa Hỏi: Ông Thuận Đà hỏi Phật về sự bố thí, trì giới và phá giới như vua A Xà Thế giết cha. Nói về Cận tử nghiệp theo Mật tông và Tịnh độ cũng như Nhất Xiển Đề.
6. Phẩm Thị Hiện Bệnh: Phẩm này Bồ Tát Ca Diếp hỏi về bịnh tình của Phật phá tan lòng nghi ngờ của nhị thừa tại sao Phật đầy đủ công đức như thế mà lại có bị bịnh. Phật trả lời: “Ca-diếp! Về thuở quá khứ, cách nay vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Vô Thượng Thắng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài có thuyết kinh Đại-thừa Đại Niết-bàn này với hàng Thanh văn, mở bày chỉ bảo, phân biệt, hiển phát nghĩa lý. Thuở ấy, ta cũng làm một vị Thanh văn trong đồ chúng của đức Phật ấy, thọ trì kinh điển Đại Niết-bàn này, đọc tụng thông suốt, sao chép trọn quyển kinh, lại vì người khác mà mở bày chỉ bảo, phân biệt, thuyết giảng nghĩa lý. Ta lại đem căn lành ấy hồi hướng đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.“Thiện nam tử! Từ thuở đó cho đến nay, ta chưa từng có những nghiệp duyên khổ não hoặc nghiệp dữ khiến đọa ác đạo như: phỉ báng Chánh pháp, làm kẻ Nhất-xiển-đề, mang thân hoàng môn, thân không căn, thân hai căn, phản nghịch với cha mẹ, giết A-la-hán, phá chùa tháp, hủy hoại chúng tăng, làm thân Phật chảy máu, phạm Bốn cấm giới nặng. Từ đó đến nay, thân tâm ta luôn được an ổn, không có các khổ não.
“Ca-diếp! Nay ta thật không có bất cứ bệnh tật gì. Vì sao vậy? Vì chư Phật Thế Tôn từ lâu đã lìa xa hết thảy bệnh tật.
“Ca-diếp! Chúng sanh chẳng biết giáo pháp sâu kín của kinh Phương đẳng Đại-thừa, cho nên nói rằng Như Lai thật có bệnh.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là sư tử trong loài người’, nhưng Như Lai thật chẳng phải sư tử! Lời nói như vậy tức là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là rồng lớn trong loài người’, nhưng trải qua vô lượng kiếp ta đã lìa bỏ nghiệp [súc sanh] ấy rồi.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là người, là trời’, nhưng ta thật chẳng phải người, chẳng phải trời, cũng chẳng phải quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la già, chẳng phải ngã, chẳng phải [có thọ] mạng, chẳng phải nhờ dưỡng dục mà thành, chẳng phải linh hồn, chẳng phải làm, chẳng phải không làm, chẳng phải thọ, chẳng phải không thọ, chẳng phải Thế Tôn, chẳng phải Thanh văn, chẳng phải thuyết, chẳng phải không thuyết. Những lời nói như vậy đều là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Này Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như biển cả, như núi chúa Tu-di’, nhưng Như Lai thật chẳng phải vị mặn [của biển], cũng chẳng phải [to lớn và rắn chắc] như núi đá. Nên biết rằng những lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như hoa phân-đà-lỵ’, nhưng ta thật chẳng phải hoa phân-đà-lỵ. Lời nói như vậy tức là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như cha mẹ’, nhưng Như Lai thật không phải cha mẹ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là đại thuyền sư’, nhưng Như Lai thật chẳng phải là thuyền sư. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như vị thương chủ’, nhưng Như Lai thật chẳng phải là thương chủ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai có thể hàng phục ma’, nhưng Như Lai thật không có lòng ác, muốn cho kẻ khác phải khuất phục mình. Lời nói như vậy thảy đều là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai có thể trị ghẻ độc’, nhưng ta thật chẳng phải là thầy thuốc trị bệnh ghẻ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai. “Ca-diếp! Nay ta nói rằng ta có bệnh, cũng là như vậy, cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai. Cho nên ta sai bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: ‘Nay ta đau nhức lưng. Các ông nên vì bốn chúng mà thuyết pháp.’
“Ca-diếp! Như Lai Chánh giác thật không có bệnh mà phải nằm nghiêng bên mặt, ngài cũng không buông hết tất cả mà vào Niết-bàn.
“Ca-diếp! Đại Niết-bàn ấy tức là thiền định thâm sâu của chư Phật. Thiền định như vậy chẳng phải là chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể làm được.
“Ca-diếp! Trước ông có hỏi: ‘Vì sao Như Lai nằm tựa chẳng dậy, chẳng đòi ăn uống, chẳng dạy bảo người nhà việc xây dựng sự nghiệp?’
“Ca-diếp! Tánh của hư không vốn không có ngồi dậy, đòi hỏi ăn uống, dạy bảo người nhà việc xây dựng sự nghiệp. Cũng không có sự đi lại, sanh diệt, già trẻ, hiện ra hay mất đi, thương tổn, bể nát, giải thoát, trói buộc. Cũng chẳng tự nói, chẳng nói kẻ khác. Cũng chẳng tự hiểu, chẳng hiểu kẻ khác, chẳng phải yên lành, chẳng phải bệnh hoạn...
“Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn cũng vậy, dường như hư không. Làm sao có các loại bệnh khổ?
“Ca-diếp! Thế gian có ba loại bệnh nặng khó trị: một là phỉ báng Đại-thừa, hai là phạm Năm tội nghịch, ba là nhất-xiển-đề. Ba loại bệnh ấy là nặng nhất trong đời, chẳng phải sức của Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát có thể liệu trị nổi.
“Thiện nam tử! Ví như người có bệnh nhất định phải chết thì khó mà trị được. Dù có khám bệnh, chăm sóc tử tế, cho dùng thuốc thang; hoặc không khám bệnh, không chăm sóc, không cho dùng thuốc thang, bệnh ấy vẫn chắc chắn là không thể liệu trị. Nên biết rằng người bệnh ấy nhất định phải chết, không nghi ngờ gì nữa!
Như Lai là hư không nên không có bịnh.Nhục thân của Như Lai là người phàm trần thì có bịnh là luật tự nhiên.
7. Phẩm Thánh Hạnh: Phẩm này bàn về trì giới của các vị xuất gia trong đó Bồ Tát Ca Diếp là người đặt câu hỏi. Giới luật là phương tiện giải thoát mà thôi nên rộng rãi. Sau cùng Bồ Tát Ca Diếp “Bạch Thế Tôn! Con nay thật sự có thể nhẫn chịu sự lột da mình làm giấy, chích máu tự thân làm mực, lấy tủy trong xương mình làm nước, chẻ xương mình làm bút để sao chép kinh Đại Niết Bàn này. Khi sao chép ra rồi, con sẽ đọc tụng cho được thông suốt, sau đó sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa kinh này.”
8. Phẩm Hạnh Thanh Tịnh: Phẩm này nói về văn tự của 12 bộ kinh, tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xã, 4 pháp không ngăn ngại của kinh Hoa Nghiêm và vô sở đắc của Bát Nhã Tâm Kinh. Câu chuyện vua A Xà Thế giết cha chiếm nhiều nhất trong phẩm này, nêu rõ vị trí của Tâm theo Hoa Nghiêm kinh.
9. Phẩm Hạnh Anh Nhi: Nêu rõ tính trẻ thơ là điều tu tập nên đạt được, trẻ thơ không bám trụ, không bị ràng buộc trói buộc, không đến không đi, Như Lai giáo dục chúng sanh như giáo dục trẻ thơ.
10. Phẩm Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: Phẩm này bàn về 10 công đức cho người tu theo kinh Đại Bát Niết Bàn này. Nêu rõ về tính Thường Lạc Ngã Tịnh của Phật, phép tu bố thí Ba la mật của Bồ Tát trong kinh Kim Cang, Hoa Nghiêm, Bát Nhã. Nêu rõ chánh pháp thật tướng Niết Bàn. Chánh pháp là Không, vô tác và vô tướng. Xác nhận Như Lai thường trụ không biến đổi, học kỹ pháp Tam muội Không và 37 phẩm trợ đạo Thường Lạc Ngã Tịnh.
11. Phẩm Bồ Tát Sư Tử Hống: Bồ Tát nói thuyết giảng như sư tử hống vang dội cả núi rừng cho khắp 10 phương Phật. Đó là nói lên chân lý chúng sanh có Tánh Phật, Như Lai thường trụ không biến đổi, trung đạo là không thường cũng không đoạn. Quán chiếu 12 Nhân duyên từ thấp vừa cao và bậc cao nhất. Có 10 pháp tu tập cho Bồ Tát với nguyện lực bất thối chuyển. Nếu bị xoay dần trong 12 nhân duyên thì vẫn tiếp tục tu tập cho xuất khỏi vòng luân hồi nầy đó là bất thối chuyển. Phẩm này rất dài, nói đến không có một linh hồn trường tồn vì vô ngã tướng với sự sinh diệt của ngủ uẩn tương tục. Phật giảng thường nêu ra ví dụ với các loại khác nhau như thuận theo nghĩa mà ví dụ gọi là thuận dụ hay ngược lại là nghịch dụ, hiện dụ, phi dụ, tiền dụ, hậu dụ, biên dụ… Phẩm nầy bàn về việc quy y tam bảo cho Cấp Cô Độc, giảng pháp cho mẹ của đức Phật trên cõi trời Đâu Lợi. Bàn về Định Tuệ Xã đưa đến cảnh giới Niết Bàn. Phật giảng về tuệ giác làm chuyển hóa nghiệp từ nặng sang nhẹ, từ nhẹ sang tiêu mất nhờ tuệ giác của 4 pháp tu tập. Nêu cao tính bất thối chuyển của Bồ Tát.
12. Phẩm Bồ tát Ca Diếp: Bồ Tát Ca Diếp hỏi Phật về Nhất Xiển Đề, Phật giải đáp đó căn tánh sai khác mà chúng sanh có Nhất Xiển Đề dứt mất căn lành mặc dầu trường tồn tánh Phật. Phat nói về 4 cách trả lời: xác định, phân biệt đối đáp, thích hợp đối đáp, và phát lờ đối đáp khi cố chấp sai lầm như Nhất Xiển Đề. Phật nói chúng sanh tự cao ngã mạn do còn si mê hay đi đường tà đạo. Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu có nhân ắt có quả; nếu không nhân ắt không quả. Niết bàn gọi là quả, nhưng vì Niết bàn là thường còn nên không có nhân. Nếu không có nhân, sao gọi là quả? Nhưng Niết bàn cũng gọi là sa-môn, cũng gọi là quả của sa-môn. Vậy thế nào là sa-môn? Thế nào là quả của sa-môn?” Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong thế gian cả thảy có bảy loại kết quả. Một là quả của phương tiện, hai là quả của sự báo ân, ba là quả của sự thân cận, bốn là quả của tàn dư, năm là quả bình đẳng, sáu là quả của quả báo, bảy là quả của sự xa lìa.
Thế nào là quả của phương tiện? Như người thế gian đến mùa gặt được nhiều lúa thóc, cùng bảo nhau rằng: ‘Được quả của phương tiện.’ Quả của phương tiện đó gọi là quả [trực tiếp] của hành vi tạo nghiệp. Quả này có hai loại nhân, một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp, chẳng hạn như hạt giống; nhân gián tiếp, chẳng hạn như nước tưới, phân bón, nhân công... Như thế gọi là quả của phương tiện.
Thế nào là quả của sự báo ân? Như người thế gian cung kính nuôi dưỡng cha mẹ, cha mẹ đều nói rằng: ‘Nay chúng tôi đã được hưởng quả của công ơn nuôi dưỡng.’ Con cái biết báo ân cha mẹ thì gọi [sự báo ân] đó là quả. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là nghiệp thuần thiện trong quá khứ của cha mẹ; nhân gián tiếp là đứa con có hiếu mà cha mẹ đã sanh ra. Như thế gọi là quả của sự báo ân.
Thế nào là quả của sự thân cận? Như có người thân cận bạn tốt hiền thiện, [nhờ đó] chứng đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán. Người ấy nói rằng: ‘Nay tôi đã được quả của sự thân cận.’ Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là lòng tin [của bản thân]; nhân gián tiếp là bạn tốt hiền thiện. Như thế gọi là quả của sự thân cận.
Thế nào là quả của tàn dư? Như [có người] do nhân không giết hại mà [về sau] được thân thứ ba sống lâu. Đó gọi là quả của tàn dư. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là thân, miệng, ý thanh tịnh; nhân gián tiếp là [những nghiệp lành dẫn đến] sự sống lâu. Như thế gọi là quả của tàn dư.
Thế nào là quả bình đẳng? Đó là môi trường thế giới [mà tất cả chúng sanh cùng sống trong đó]. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là nói chúng sanh tu Mười nghiệp lành; nhân gián tiếp là Ba tai kiếp lớn. Như thế gọi là quả bình đẳng.
Thế nào gọi là quả của quả báo? Như người được [quả báo có] thân thanh tịnh rồi, lại tu tập ba nghiệp thanh tịnh về thân, miệng, ý. Người ấy có thể nói: ‘Tôi được quả [của quả] báo. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là thân, miệng, ý hiện tại thanh tịnh; nhân gián tiếp là thân, miệng, ý trong quá khứ [đã tu tập] thanh tịnh. Đó gọi là quả của quả báo.
Thế nào là quả của sự xa lìa? Đó chính là Niết bàn. [Vì sự] xa lìa các phiền não, làm tất cả nghiệp lành là nhân của Niết bàn. Lại cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là nói Ba môn giải thoát; nhân gián tiếp là tất cả pháp lành đã tu tập trong vô lượng kiếp.
Thiện nam tử! Trong pháp thế gian, hoặc nói nhân sanh ra, hoặc nói nhân thành tựu. Đối với pháp xuất thế cũng vậy, cũng nói có nhân sanh ra, có nhân thành tựu.
Thiện nam tử! [Như] Ba môn giải thoát, Ba mươi bảy phẩm [trợ đạo] có thể làm nhân sanh ra sự chấm dứt của tất cả phiền não, cũng làm nhân thành tựu của Niết bàn.
Thiện nam tử! Lìa xa phiền não thì thấy rõ được Niết bàn một cách sáng suốt, minh bạch, cho nên Niết bàn chỉ có nhân thành tựu mà không hề có nhân sanh ra.
Thiện nam tử! Theo như lời ông hỏi: ‘Thế nào là sa-môn? Thế nào là quả của sa-môn?’
“Thiện nam tử! Sa-môn là Tám chánh đạo, quả của sa-môn là [tu tập] theo Chánh đạo nên rốt ráo được xa lìa vĩnh viễn tất cả [phiền não như] tham, sân, si... Như thế gọi là sa-môn và quả của sa-môn.”
13. Phẩm Kiều Trần Như: trích kinh: “Nếu Cồ-đàm nói rằng [Niết bàn] là thường, cũng là vô thường; là lạc, cũng là khổ; là ngã, cũng là vô ngã; là tịnh, cũng là bất tịnh; như vậy chẳng phải là nói hai lời đó sao? Tôi từng được nghe những vị trí giả kỳ cựu trước đây nói rằng: ‘Nếu Phật ra đời thì không nói hai lời.’ Nay [nếu là như vậy thì] Cồ-đàm đã nói hai lời.
“Cồ-đàm lại nói: ‘Phật chính là thân này của ta hiện nay.’ Nghĩa ấy thế nào?”
Phật dạy: “Bà-la-môn! Theo những gì ông vừa nói, nay ta sẽ hỏi ông, ông cứ tùy ý trả lời.”
Bà-la-môn đáp: “Lành thay! Cồ-đàm, [xin ông cứ hỏi]!
Phật hỏi: “Bà-la-môn! Tánh của ông là thường hay vô thường?”
Bà-la-môn đáp: “Tánh của tôi là thường.”
Phật hỏi: “Bà-la-môn! Tánh ấy có thể làm nhân cho tất cả các pháp trong [thân] và ngoài [thân] hay chăng?”
Đáp: “Đúng vậy, Cồ-đàm!”
Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Làm nhân như thế nào?”
Bà-la-môn đáp: “Cồ-đàm! Do nơi tánh sanh ra đại; do nơi đại sanh ra mạn, do nơi mạn sanh ra mười sáu pháp, đó là: địa, thủy, hỏa, phong, không, năm căn nhận biết [gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân], năm căn tạo nghiệp [gồm tay, chân, miệng nói và hai căn nam, nữ] và căn tâm bình đẳng. Mười sáu pháp vừa kể do nơi năm pháp mà sanh, đó là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và xúc chạm. Cả hai mươi mốt pháp này có căn bản là ba pháp: nhiễm, thô và đen. Nhiễm gọi là ái; thô gọi là sân; đen gọi là vô minh.
“Cồ-đàm! Hai mươi lăm pháp này đều do nơi tánh sanh ra.”
Đức Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Pháp đại và tất cả các pháp kia là thường hay vô thường?”
Vị bà-la-môn đáp: “Cồ-đàm! Theo pháp của chúng tôi thì tánh là thường, còn pháp đại và tất cả các pháp kia đều là vô thường.”
Phật dạy: “Bà-la-môn! Theo pháp của các ông [như vậy] thì nhân là thường, quả là vô thường. Vậy pháp của ta dạy nhân tuy vô thường nhưng quả lại thường có gì là sai?
“Này bà-la-môn! Trong pháp của các ông có [phân biệt] hai loại nguyên nhân chăng?”
Đáp: “Thưa có.”
Phật hỏi: “Thế nào là có hai nguyên nhân?”
Bà-la-môn đáp: “Một là nguyên nhân sanh ra, hai là nguyên nhân soi rõ.”
Phật lại hỏi: “Thế nào là nhân sanh ra? Thế nào là nhân soi rõ?”
Bà-la-môn đáp: “Nguyên nhân sanh ra là như từ đất sét làm thành cái bình; nguyên nhân soi rõ là như ánh đèn soi rõ đồ vật.”
Phật hỏi: “Hai loại nhân này vẫn cùng một tánh [là làm nhân cho pháp khác]. Nếu là một [tánh], vậy có thể lấy nhân sanh ra làm nhân soi rõ hoặc ngược lại hay chăng?”
Bà-la-môn đáp: “Không thể, Cồ-đàm!
Phật hỏi: “Nếu nhân sanh ra không thể làm nhân soi rõ hoặc ngược lại, vậy có thể nói là có tướng trạng của nhân hay chăng?”
Bà-la-môn đáp: “Tuy không thể thay thế cho nhau, nhưng vẫn có tướng trạng của nhân.”
Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Đối tượng soi rõ của nhân soi rõ ấy có đồng nhất với tự thân nó chăng?”
Đáp: “Thưa Cồ-đàm, không phải!”
Phật dạy: Trong giáo pháp của ta [cũng vậy], tuy từ nơi vô thường mà đạt được Niết bàn, nhưng [Niết bàn] chẳng phải vô thường, [không đồng nhất với vô thường.
Bà-la-môn! Do nhân rõ biết mà đạt được, cho nên là thường, lạc, ngã, tịnh. Do nhân sanh ra mà có, cho nên là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Vì thế, chỗ thuyết dạy của Như Lai tuy có phân thành hai [nghĩa], nhưng sự phân hai này không thật có hai [nghĩa], cho nên Như Lai không hề nói hai lời.
“Như lời ông vừa nói là đã từng nghe những bậc trí giả kỳ cựu trước đây nói rằng: ‘Nếu Phật ra đời thì không nói hai lời.’ Lời ấy đúng thay! Chỗ thuyết dạy của tất cả chư Phật ba đời trong mười phương đều không có sai biệt, cho nên nói rằng: ‘Phật không nói hai lời.’ Thế nào là không sai biệt? Nếu là có thì [tất cả chư Phật] đều nói là có; nếu là không thì [tất cả chư Phật] đều nói là không. Cho nên gọi là một nghĩa đồng nhất.
“Bà-la-môn! Đức Như Lai Thế Tôn tuy [có lúc] gọi tên [sự việc] dùng đến hai lời, nhưng đó đều là vì để làm rõ một lời. Thế nào là [dùng đến] hai lời để làm rõ một lời? Như [nói về] mắt và hình sắc là hai, [nói] sanh ra [nhãn] thức là một. Cho đến ý và các pháp [sanh ra các thức khác] cũng giống như vậy.”
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] nói: “Cồ-đàm thật khéo phân biệt những ý nghĩa như vậy. Nhưng nay tôi còn chưa hiểu chỗ nói ra hai lời để làm rõ một lời.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vì bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] mà tuyên thuyết Bốn chân đế. Sau đó Phật dạy:
“Này bà-la-môn! Nói Khổ đế đó, cũng là hai, cũng là một; cho đến Đạo đế cũng là hai, cũng là một.”
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] liền nói: “Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu rồi.”
Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông hiểu như thế nào rồi?”
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] thưa: “Bạch Thế Tôn! Khổ đế đối với tất cả phàm phu là hai, đối với thánh nhân là một; cho đến Đạo đế cũng giống như vậy.”
Phật dạy: “Lành thay! Ông đã hiểu.”
Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe Chánh pháp, đã được sự thấy biết chân chánh. Con xin quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Đại từ nhận cho con được xuất gia.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ông Kiều-trần-như: “Ông hãy vì Xà-đề-thủ-na mà cạo bỏ râu tóc, cho phép ông ấy xuất gia.”
Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy, liền cạo tóc cho Xà-đề-thủ-na. Ngay lúc vừa đưa dao cạo, cả râu tóc và phiền não đều đồng thời rơi rụng hết. Xà-đề-thủ-na ngay nơi chỗ ngồi [khi ấy] liền chứng đắc thánh quả A-la-hán”.
Lời dạy cuối cùng:
“A-nan! Lại như lời ông hỏi: ‘Sau khi Phật diệt độ, lấy ai làm thầy?’ Này A-nan! Giới luật [Phật đã chế định sẽ] là bậc thầy lớn nhất của các ông, y theo đó mà tu hành có thể đạt được định và tuệ rất thâm sâu, thoát khỏi thế tục.
“A-nan! Lại như lời ông hỏi: ‘Sau khi Phật nhập Niết bàn, sẽ y theo đâu mà an trụ?’ Này A-nan, hãy y theo Bốn niệm xứ, giữ tâm nghiêm cẩn mà an trụ. [Bốn niệm xứ đó là:] Quán xét thể tánh và hình tướng của thân đồng với hư không, gọi là thân niệm xứ; quán xét mọi cảm thọ không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở khoảng giữa, gọi là thọ niệm xứ; quán xét tâm này chỉ là tên gọi, tính chất của tên gọi là lìa khỏi [thực thể], gọi là tâm niệm xứ; quán xét các pháp không [rơi vào] pháp thiện, không [rơi vào] pháp bất thiện, gọi là pháp niệm xứ.
“A-nan! Tất cả những người tu hành nên y theo Bốn niệm xứ ấy mà an trụ
“A-nan! Lại như lời ông hỏi: ‘Sau khi Như Lai diệt độ, lúc kết tập kho tàng giáo pháp, nên ghi như thế nào ở phần mở đầu tất cả các kinh?’ Này A-nan, sau khi Như Lai diệt độ, lúc kết tập kho tàng giáo pháp, ở phần mở đầu tất cả các kinh nên ghi rằng: ‘Tôi nghe như thế này, vào lúc Phật đang ở tại... vì bốn chúng đệ tử mà thuyết kinh này.’ “A-nan! Nên biết rằng, dù khi Phật còn tại thế hay sau khi Phật đã nhập Niết bàn, nếu có người hết lòng cung kính cúng dường, lễ bái, tôn trọng, tán thán [Như Lai], chỗ được phước đức [trong cả hai trường hợp] đều không khác gì nhau.”
Phật bảo A-nan và đại chúng: “Sau khi ta nhập Niết bàn, tất cả những chúng sanh nào ở các cõi trời, người, khi nhận được xá-lợi của ta, buồn vui lẫn lộn, vừa thương cảm vừa hân hoan, liền hết lòng cung kính, lễ bái, cúng dường, sẽ được vô lượng vô biên công đức.
“Này A-nan! Nhìn thấy xá-lợi của Như Lai tức là thấy Phật; thấy Phật là thấy Pháp; thấy Pháp là thấy Tăng; thấy Tăng là thấy được Niết bàn.
“A-nan! Nên biết rằng, vì nhân duyên ấy nên Tam bảo là thường trụ, không hề biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho tất cả chúng sanh.” Phật dạy A-nan: “Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, lễ trà-tỳ xong, tất cả Bốn chúng đã thu nhặt xá-lợi đặt yên trong bình quý bằng bảy món báu, nên xây dựng tháp bằng bảy món báu, cao mười ba tầng trong thành Câu-thi-na, ngay nơi ngã tư đường. Trên tháp có tướng [pháp] luân, dùng tất cả các vật quý báu tốt đẹp đặt xen lẫn nhau để trang nghiêm, lại dùng tất cả các thứ hoa đẹp, cờ xí nghiêm lệ để trang sức thêm; bốn phía quanh tháp đều có lan can, làm bằng bảy món báu; tất cả các món trang trí [như thế] không đâu là không đầy đủ. Ở bốn phía tháp đều có cửa mở ra. Mỗi tầng tháp nối tiếp đều có cửa sổ mở đối xứng nhau.
“Bình quý đựng xá-lợi Phật được đặt yên [trong tháp ấy], tất cả hàng trời, người và Bốn chúng đệ tử cung chiêm ngưỡng cúng dường.
“A-nan! Tháp của vị Phật Bích-chi nên xây cao mười một tầng, cũng dùng đủ các món vật báu để trang nghiêm.
“A-nan! Tháp của vị A-la-hán nên xây cao bốn tầng, cũng dùng đủ các món vật báu để trang nghiêm.
“A-nan! Tháp của vị Chuyển luân Thánh vương cũng xây bằng bảy món báu, nhưng không cao lên tầng nào cả. Vì sao vậy? Vì chưa thoát khỏi các nỗi khổ hiện hữu trong Ba cõi, [vẫn còn trong sanh tử].”
Bấy giờ, ngài A-na-luật bạch Phật: “Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, lễ trà-tỳ đã xong, tất cả hàng trời, người và Bốn bộ đại chúng nên phân chia xá-lợi Phật như thế nào để cúng dường?”
Phật dạy A-na-luật: “Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, hàng trời người và tất cả đại chúng nên dùng tâm bình đẳng để phân chia xá-lợi Phật trong khắp Ba cõi, Sáu đường, khiến cho tất cả thế gian đều được cúng dường.”
Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân bạch Phật: “Nay con thưa trước Phật, xin được cung kính thỉnh về một nửa phần xá-lợi toàn thân Như Lai để cúng dường với lòng thành kính sâu xa nhất.” Phật bảo Thiên Đế: “Như Lai xem tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau, [đều yêu thương] như La-hầu-la [con trai ta]. Ông không nên thỉnh về nửa phần xá-lợi toàn thân Như Lai. Vì sao vậy? Vì để giúp cho chúng sanh được sự lợi ích bình đẳng.
“Này Thiên Đế! Nay ta cho ông phần xá-lợi của một cái răng hàm trên bên phải, nên mang về cõi trời xây tháp cúng dường, có thể giúp cho ông được phước đức vô tận.”
Phân chia Xá lợi
Bấy giờ, quốc vương [Ca-tỳ-la] và những người họ Thích-ca thỉnh cầu không được, tất cả đều buồn khổ than khóc bi thương, rồi ngã xuống đất hôn mê, hồi lâu mới tỉnh lại. Họ không nén được lòng đau thương, liền nói với người trong thành rằng: “Như Lai Thế Tôn thuộc dòng họ Thích-ca của chúng tôi, vì thương xót các ông nên mới nhập Niết bàn tại đây. Vì sao các ông lại khinh thường, không chịu chia cho chúng tôi một phần xá-lợi?”
Nói như vậy rồi, tất cả cùng nhau lễ bái xá-lợi, đi nhiễu quanh bảy vòng về bên phải, khóc lóc thảm thiết, nước mắt ràn rụa, sanh lòng tức giận và đau xót ra về.
Bấy giờ, [nhắc lại chuyện trước đây,] vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế sau khi đã giết hại cha [là vua Tần-bà-sa-la], sanh lòng hối hận vô cùng, trên người phát sanh ghẻ độc [đau đớn cùng cực]. Nhờ đức Thế Tôn [từ bi nhập tam-muội] Nguyệt ái phóng hào quang chiếu lên thân ông, bệnh ghẻ độc nơi thân liền khỏi hẳn. Vua liền tìm đến chỗ Phật, bi thương khẩn thiết cầu xin sám hối. Đức Thế Tôn đại bi liền dùng nước thuốc cam lộ nhiệm mầu là Chánh pháp để rửa sạch ghẻ độc [tội lỗi trong tâm vua]. Tội lỗi rất nặng của vua liền được dứt trừ, vua trở về cung, không hề hay biết việc Như Lai [sắp] nhập Niết bàn.
Ngay trong đêm Phật nhập Niết bàn, vua A-xà-thế nằm mộng thấy mặt trăng rơi xuống; mặt trời từ dưới đất mọc lên, tinh tú mây mưa rơi rớt tán loạn; lại thấy hơi khói dưới đất xông lên, rồi thấy bảy ngôi sao chổi hiện trên trời. Vua lại mộng thấy trên trời có đám lửa lớn, ửng đỏ khắp hư không, rồi cùng một lúc rơi xuống đất. Ngay khi vừa tỉnh mộng, vua cảm thấy trong lòng hết sức kinh sợ, run rẩy; liền triệu tập quần thần, kể lại giấc mộng ấy và hỏi: “Đó là điềm gì vậy?”
Các quan tâu rằng: “Đó là điềm chẳng lành, Phật đã nhập Niết bàn. Sau khi Phật diệt độ, phiền não sẽ khởi sanh mạnh mẽ trong chúng sanh Ba cõi, Sáu đường, cho nên bệ hạ thấy lửa lớn hiện ra, từ trên không trung rơi xuống đất.
“Phật diệt độ rồi, hào quang từ bi [của tam-muội] Nguyệt ái và mây lành trí tuệ che khắp [chúng sanh] thảy đều dứt mất, nên vua mộng thấy mặt trăng rớt xuống, tinh tú rụng rơi. [Đó là điềm báo] sau khi Phật nhập Niết bàn, tám mươi ngàn điều luật nghi cùng tất cả phép tắc giới hạnh đều sẽ bị chúng sanh phạm vào; vì họ không y theo lời Phật dạy, chỉ làm theo tà pháp nên phải đọa xuống địa ngục.
“Mặt trời từ dưới đất mọc lên, đó là điềm sau khi Phật nhập Niết bàn các sự khổ não trong ba đường ác tích tụ [rất nhiều, giống như] ánh mặt trời xuất hiện ở thế gian.
“[Vì những việc trên] nên vua cảm ứng thấy giấc mộng như vậy.”
Vua nghe lời tâu như vậy rồi, ngay giữa đêm ấy liền cùng các quan lên đường hướng đến thành Câu-thi-na. Đến nơi, vua nhìn thấy vô số binh lính đang phòng vệ hành Câu-thi-na. Vua lại thấy ở cửa thành có những thầy chú thuật giỏi để phòng ngừa tai biến đến từ bên ngoài. Thấy như vậy rồi, vua liền hỏi các thầy chú thuật: “Phật đã nhập Niết bàn rồi sao?”
Các thầy chú thuật đáp: “Phật nhập Niết bàn đến nay đã trải qua bốn tuần. Hiện giờ đại chúng sắp phân chia xá-lợi Phật.”
Vua nói: “Phật nhập Niết bàn tôi không hay biết chi cả. Đến khi tôi nằm mộng thấy sự chẳng lành liền đem ra hỏi các quan, mới biết rằng Như Lai đã nhập Đại Niết bàn. Nay tôi muốn vào thành lễ bái xá-lợi kim cang của Như Lai, xin các vị hãy mở đường cho chúng tôi vào.”
Các thầy chú thuật liền để cho vua vào. Vua vào trong thành, đến tại ngã tư đường, nhìn thấy những bình quý đựng xá-lợi [Như Lai] đặt trên các tòa sư tử, lại thấy đại chúng đang bi thương đau xót cúng dường. Vua liền cùng các quan tùy tùng đồng thời lễ bái, đau đớn khóc lóc, nước mắt ràn rụa, cùng đi nhiễu quanh [xá-lợi Phật] bảy vòng về phía bên phải, bi thương thảm thiết [dâng phẩm vật] cúng dường.
Sau đó, vua thưa với đại chúng xin thỉnh một phần xá-lợi Như Lai để đem về nước mình [xây tháp] cúng dường.
Đại chúng đáp rằng: “Sao ngài đến muộn thế? Phật trước đây có dạy cách phân chia xá-lợi, tất cả đều đã có người thỉnh rồi, không có phần của ngài. Vậy ngài nên trở về đi thôi!”
Thỉnh cầu không được toại nguyện, vua A-xà-thế sầu khổ không vui, liền lễ bái xá-lợi [lần nữa] rồi buồn bực ra về.
Hiện tượng kỳ diệu
- Đức Phật đến sông Hằng vào mùa nước lớn ngài vụt đi qua bên kia bờ trong phút chốc trong khi mọi người dùng thuyền bè đi chậm hơn.
- Ananda hỏi Phật về các tỳ kheo sau khi mệnh chung, đức Phật giải rõ từng người tương lai tu tập của họ.
- Khi cơn đau bịnh nỗi lên đức Phật dùng chánh niệm tin hgiac hàn phục cơn đau kéo dài mạng sống đã hứa với ma vương 3 tháng.
- Cơn bịnh làm đức Phật khát nước (có lẽ do xuất huyết trong đường ruột) muốn uống nước thì nước đông đang vẩn đục bỗng trở nên trong vắc cho người uống.
- Đức Phật mặc áo màu kim sắc mà ngài được tặng, màu da của ngài trở nên trong suốt và sáng chói làm lu mờ ánh kim sắc của chiếc áo.
- Khi ngài tới rừng sala mà nằm xuống thì hai cây sala trổ bông có hoa trái mùa rải lên thân thể người cùng với bột chiên đàn nổi lên nhạc trên hư không cúng dường ngài.
- Khi đức Phật nhập diệt người thiền sơ thiền nhị thiền tam thiền tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ rồi diệt thọ tưởng định, xong rồi đi ngược lại một lần nữa cho tới tứ thiền là nhậpĐại Bát Niết Bàn.
- Ngay lúc nhập Đại Bát Niết Bàn động đất xảy ra khủng khiếp với trống trời vang dội, chư thiên đảnh lễ, phạm thiên và thiên thủ đọc bài kệ.
- Khi làm tăng lễ tám vị tộc trưởng khiêng không nổi thân thể ngài vì chư thiên không muốn thân thể ngài cho ra thành cửa nam mà phải ra cửa bắc rồi vô trung tâm rồi qua cửa đông.
- Khi châm lửa đốt thân xác ngài lửa không cháy, vì chư thiên muốn đại đệ tử ngài là Maha-Kassapa cùng các tỳ kheo đảnh lễ ngài xong thì tự nhiên lửa bốc cháy. Cháy hết thân thể ngài thì trên trời mưa xuống và dưới đất phun nước lên làm tắt ngọn lửa.
- Tất cả hiện tượng kỳ diệu này do chủ trì tang lễ ngài do các cư sĩ dân gian vì quá đông yêu thương ngài nên họ đứng ra làm lễ tang hơn là các đệ tử của ngài làm việc này. Vì thế có thể dân gian có nhiều truyền thuyết về sự kỳ diệu này xảy ra theo kinh Nguyên thủy.
- Phật dạy: " Đây là Giới, đây là Định, đây là Huệ. Định sẽ đem tới kết quả và ích lợi lớn nếu phát triển với Giới, Huệ sẽ đem tới kết quả và ích lợi lớn nếu phát triển với Định. Tâm phát triển với Huệ sẽ giải thoát khỏi các lậu hoặc (asava), tức là dục lậu (kamasava), hữu lậu (bhavasava), tri kiến lậu (ditthasava) và vô minh lậu (avijjasava)".
Đối với thân, vị ấy quán thân, đối với thọ, vị ấy quán thọ, đối với tâm, vị ấy quán tâm, đối với pháp, vị ấy quán pháp, sống tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục được mọi tham ái, sân si trên đời. Này Ananda, những ai tự mình làm hòn đảo cho mình, lấy Chánh Pháp làm hòn đảo cho mình, làm nơi nương tựa cho chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác, những vị tỳ kheo tinh tấn ấy, ngay bây giờ và sau khi ta diệt độ, sẽ là những vị tối thượng trong hàng tỳ kheo của ta." "Này các tỳ kheo, tỉ dụ như có một vị tỳ kheo nói:'Tôi nghe từ chính miệng Thế Tôn, học hỏi được từ Thế Tôn, hay từ một tỳ kheo Thượng tọa. Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dậy của đạo sư', thì các người không nên chấp nhận, cũng không nên bác bỏ ngay những lời đó, mà phải học hỏi kỹ lưỡng, so sánh, đối chiếu với Kinh, Luật. Nếu thấy phù hợp với Kinh, Luật thì hãy đón nhận, nếu không thì hãy bác bỏ lời của vị tỳ kheo đó. "Đức Phật giải thích cặn kẽ về Chân Ngã hay Phật Tánh hay Như Lai Tánh, là bản thể thanh tịnh thường hằng bất biến của tất cả mọi chúng sinh, vượt ra khỏi tư tưởng suy nghĩ thông thường, nhị nguyên tương đối. Bản thể ấy luôn luôn tĩnh tịch hiện tiền, tràn ngập khắp nơi, nhưng chúng sinh bị trói buộc vì phiền não, tham sân si, ô nhiễm che mờ nên không thấy được (phẩm Kim Cang Thân thứ 5 và Phẩm Như Lai Tánh thứ 12). Ngã đây chính là Như Lai, là Chân Tâm, Phật Tánh, là thân Kim Cang bất hoại, chứ không phải là Ngã của Thái Tử Tất Đạt Đa (phẩm Tứ Tướng thứ 7).
Về Quyền thừa: Phương tiện quyền thừa là vấn đề quan trọng nhất trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Kinh gồm có hai kinh tiếng Pali và Sanskrit Nguyên thủy và phát triển Đại thừa. Nguyên thủy thì vẫn giữ như trên, nhưng Đại thừa thì có nhiều phẩm hơn và nói đến nhất thừa và giải thích sâu rộng hơn. Đại thừa cũng nói lời Phật dạy nhấn mạnh kinh Tứ Diệu Đế và 12 Nhân Duyên nhưng giảng rộng ra cho Bồ Tát và tu tập thành rốt ráo cao hơn thành Phật. Đại thừa cho rằng tu đắc A La Hán là đi nữa đoạn đường, vì cần thoát ra khỏi luân hồi và khổ nên tu tập theo Theravada, cũng cùng kinh Tứ Diệu Đế đó mà Đại thừa gọi là Tứ Thánh Đế đi kèm với Bồ Tát hạnh. Nguyên thủy thì diệt trừ lậu hoặc gồm 4 lậu: dục lậu, hữu lậu, tri kiến lậu, vô minh lậu. Lậu có nghĩa là rò rỉ ra xì ra là sự độc tố sự phiền não sự đau khổ. Nguyên thủy là có 5 triền cái, 10 kiết sử và 37 phẩm trợ đạo. Đại thừa bao gồm tánh không và duy thức ra đời với Bồ tát hạnh. Kinh Đại thừa nhiều hơn kinh Nguyên thủy và sâu xa triết lý hơn.
Đại thừa cho rằng Phật bảo chỉ có một thừa là Phật thừa mà thôi rồi vì căn cơ và trình độ nên Phật dùng Phương tiện mà chia ra 3 thừa mà giảng giải. Nay gom tụ lại nhất thừa. Thanh văn Duyên giác Bồ tát và Phật thừa.Phật không nói hai lời, chân thật và vẫn có một thừa mà thôi. Tất cả kinh đều từ truyền miệng mấy trăm năm mà có nên Nguyên thủy và Đại thừa đều do truyền miệng nảy sinh nhưng Đại thừa có sau lâu hơn Nguyên thủy vài trăm năm. Kinh Đại thừa bao gồm luận của Trung quán và Duy thức, Bồ Tát hạnh và Phật thừa. Có kinh Phật giảng cho chư thiên Bồ Tát bằng tâm truyền tâm ấn, có kinh Phật giảng cho Ma vương và các ma quỷ trong hang động của núi Lăng Già. Có kinh Phật giảng trên cõi trời Đâu lợi cho mẹ Phật. Đại thừa cho rằng chúng sanh có Phật tánh và tu thành Phật, điều này Nguyên thủy không công nhận.
Kinh Đại Bát Niết Bàn là một bài kinh rất phong phú và đa dạng, bao gồm cả ba khía cạnh: lịch sử, tình cảm và giáo lý.
Kinh giúp chúng ta học hỏi rất nhiều về những sự kiện lịch sử - xã hội chung quanh sự diệt độ của đức Phật Thích Ca, về những lời dậy cuối cùng của ngài, cũng như về sự chuyển biến nhanh chóng của đạo Phật, từ một con đường tu học tới một tín ngưỡng dân gian, rất sớm ngay sau khi đức Phật nhập Bát Niết Bàn.
Trong kinh, có những chi tiết giàu về tình cảm, rất "người", đồng thời có những hiện tượng siêu nhiên, màu nhiệm, được thêm vào bởi các soạn giả, để khơi dậy niềm tin hoặc mang tính chất biểu tượng.
Thiết tưởng chúng ta không nên để tâm vào những khía cạnh siêu nhiên đó, mà chỉ nên ghi nhớ những bài học căn bản, thực tiễn, có mặt trong suốt bài kinh, tức là: tính chất vô thường của mọi hiện tượng, và sự cần thiết chuyên cần tu học theo Giới, Định, Huệ, là con đường giải thoát vạch ra bởi đức Phật.
Kinh có thể được tóm tắt bằng bài kệ ngài nói, vào cuối phẩm 3:
"Tuổi ta đã già,Cuộc sống nay chấm dứt.
Các người ở lại, ta sắp ra đi.
Sẵn sàng trú ẩn nơi mình.
Hỡi các tỳ kheo!
Hãy chánh niệm, tỉnh giác,Trì giới, định tâm, nhiếp ý.
Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này
Sẽ lìa vòng sanh tử, chấm dứt khổ đau".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận