Đức Phật dạy: Ngày nào tâm bình an ấy là ngày tốt
Nếu tin vào nhân quả thì ngày nào hội tụ đủ duyên lành thì đó là ngày tốt. Mỗi người luôn sống đạo đức, tạo phước thiện nhiều thì đó là ngày tốt.
Ngày tốt xấu theo đạo Phật
Trong kinh Di Giáo, trước lúc nhập Niết bàn, đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng cho bốn chúng đệ tử, không được xem thiên văn, địa lý, số mạng, cúng sao giải hạn, ngày giờ tốt xấu…
Có một vị Bà-la-môn hỏi Đức Phật ! Thưa tôn giả GauTaMa, trong giáo pháp của Ngài có ngày tốt ngày xấu hay không ?
- Này Bà-la-môn, trong giáo pháp của Như Lai có ngày tốt và ngày xấu. Ngày nào làm việc thiện, với thân, khẩu, ý (hành động, lời nói, suy nghĩ) trong sạch đó chính là ngày tốt. Ngày nào làm việc xấu với tâm bất thiện, đó chính là ngày xấu”.
Nếu nói chi tiết hơn thì giây phút nào làm việc thiện thì đó là giây phút tốt, giây phút nào làm việc ác thì giây phút đó là giây phút xấu...
Vì vậy, có thể nói, quan điểm về ngày tốt xấu theo đạo Phật là hoàn toàn không có mà Đức Phật dạy, ngày nào, giờ nào chúng ta làm việc tốt, tâm hồn không sân hận, si mê thì đó chính là ngày giờ tốt.
Về cơ bản, hướng Thiện trong tâm mới luôn là hướng tốt nhất trong mọi lẽ, chứ không phải là hướng Đông Tây Nam Bắc phía bên ngoài như chúng ta thường hiểu.
Bên cạnh đó, đạo Phật luôn đề cao sự bao dung, tùy duyên, chung sống hài hòa mà không đối kháng hay loại trừ các tập tục, tín ngưỡng dân gian như một số tôn giáo khác.
Phật giáo không phủ nhận tính khoa học của các chuyên ngành như Đông phương học, phong thủy học… Trong một chừng mực nào đó, người Phật tử cũng vẫn có thể ứng dụng một số tri thức và kinh nghiệm có tính khoa học của nó.
Theo Đạo Phật, hiện tại và tương lai đang phản ánh rõ nét nhân quả của chính chúng ta. Không ai có thể can thiệp vào tiến trình này nên tự thân mỗi người tự điều chỉnh bản thân để có thể tự chuyển nghiệp, tạo nhân lành là việc làm thiết yếu nhất để kiến tạo tương lai tươi đẹp.
Cuối cùng thì chỉ nương tựa chính mình, không cầu xin, không dựa dẫm, không an phận với số mệnh… vì không ai có thể giúp chúng ta tốt đẹp lên ngoại trừ nỗ lực hướng thiện của chính chúng ta.
Chính vì vậy, trước khi khởi công muốn làm việc gì, hãy có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả, thì vấn đề coi ngày giờ là không cần thiết nữa.
Chúng ta chỉ chọn ngày nào tiện lợi, cảm thấy có niềm vui trong việc mình sắp làm, có lợi ích cho mình và nhiều người khác, đồng thời cầu nguyện mọi việc đều thành tựu.
Tùy theo trí tuệ và phước báu của chính mình và những người cộng sự mà công việc sẽ thành công hay thất bại, hoặc thành tựu nhiều hay ít chứ không phải do ngày, giờ mà mình đã chọn.
Ngày nào tâm bình an ngày đó là ngày tốt
Trong cuộc sống, ngày nào cũng là ngày tốt, nếu ý mình suy nghĩ tốt, miệng nói lời tốt đẹp và thân hay hành động giúp đỡ mọi người! Ví dụ như trong một ngày, nếu từ sáng sớm cho đến chiều tối mà chúng ta không suy nghĩ xấu ác và đồng thời còn làm được nhiều việc tốt đẹp, có lợi ích cho nhiều người, thì chắc chắn ngày đó là ngày tốt.
Vì lúc đó tâm trạng chúng ta vui vẻ, phấn chấn, cảm thấy mình có ý nghĩa khi làm việc có ích, thậm chí có chuyện gì khó khăn bạn cũng không còn thấy chúng gây trở ngại nữa.
Khi bạn hiểu về bản chất sẽ không cần coi ngày, mà ta vẫn có được ngày tốt đẹp cho mình, khi biết tu dưỡng đạo đức, buông xả tâm niệm xấu ác để chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành an vui hạnh phúc.
Nếu đã tin sâu nhân quả, thì ngày nào hội đủ duyên lành là ngày tốt, bản thân mình luôn sống đạo đức và tạo phước thiện nhiều, thì ngày nào cũng tốt cả.
Người tốt khéo dụng tâm, gặp xấu cũng hóa tốt, hòn đá ngăn chân cũng có thể được dùng làm hòn đá lót chân, cho nên người tốt không có giờ xấu.
Chúng ta niệm Phật tức là đang cải biến nguyên nhân; nguyên nhân chủ yếu nhất của vận mạng tức là “tâm niệm”, cải biến tâm niệm tức là cải biến ngôn ngữ, thái độ. Chúng ta chớ xem thường cải biến một câu trả lời và một thái độ thì vận mạng sẽ cải biến.
Cho nên chỉ cần chính tâm, thành ý mà làm điều tốt, không cần phải chọn ngày, giờ, ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt. Nếu tự tư buông thả ác tâm mà làm người xấu, thì dù có xem sách lịch, tốn tiền nhờ người chọn, cũng không thể chọn được giờ tốt.
Bình tâm suy nghĩ, chánh tư duy, các bạn sẽ thấy rõ nếu coi ngày tốt để khởi sự làm việc dẫn đến kết quả tốt thì cần gì phải tạo phước, tu nhân, tích đức.
Xưa, đức Phật dạy: “Nếu một người làm ác, như cục đá ném xuống hồ, dù cho tụng kinh, niệm chú, cầu khẩn cho cục đá nổi lên thì nó chẳng bao giờ nổi.
Nếu một người làm thiện, giống như những giọt dầu nổi trên mặt nước, dù không cần tụng kinh, niệm chú và cầu khẩn, giọt dầu vẫn nổi, không ai làm cho nó chìm được”.
Chính chúng ta tự làm nên một ngày tốt đẹp do suy nghĩ giúp người, nói lời động viên, an ủi, sẻ chia và hành động đóng góp, chứ không phải do ngày tốt, giúp cho công việc thuận lợi về mọi mặt.
Tóm lại, thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài, hãy biết cách chủ động tạo ngày tốt cho chính mình và nhiều người khác, bằng cách kiểm soát ba nghiệp thân, miệng, ý để mình và người ngày càng hoàn thiện chính mình hơn, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Xem thêm: Đức Phật dạy: Có 5 nguyên nhân gây ra bệnh tật về thể chất cho con người
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận