Thiền chánh niệm là gì? Thiền chánh niệm có lợi ích như thế nào đối với con người?
Ngày càng có nhiều người theo đuổi Thiền chánh niệm để tự thấu tỏ bản thân cũng như đạt đến sự tĩnh tại, bình yên. Bộ môn này trở thành phương pháp chữa lành tinh thần vừa đơn giản vừa hiệu quả dành cho tất cả mọi người.
Thiền chánh niệm là gì?
Thiền chánh niệm là hoạt động bắt nguồn từ Phật giáo phương Đông, lan truyền mạnh mẽ và được đón nhận nồng nhiệt tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Một trong những điều lý thú là ngoài các kinh sách dạy về “chánh niệm, chánh định” như kinh Bát nhã, Pháp hoa, Lăng nghiêm...thì sau gần cả ngàn năm kể từ lúc đức Phật nhập Niết Bàn, các Tổ sư Phật Giáo cũng theo kinh, soạn cuốn “Tỳ ni nhật dụng thiết yếu” dạy tăng ni chúng luôn chánh niệm trong mỗi giây phút như, lúc ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi…, nên tụng chú để tâm được chánh niệm.
Kabat-Zinn - tác giả cuốn sách Wherever You Go, There You Are (Nơi Ấy Cũng Là Bây Giờ Và Ở Đây) cho biết, Chánh niệm hay Thiền chánh niệm có từ Phật Thích Ca khoảng 2.600 năm trước.
Nhiều năm gần đây, Thiền chánh niệm qua con đường “thế tục”, không mang màu sắc tôn giáo, đã đi sâu vào xã hội Mỹ, và khởi sắc nhất kể từ khi ông thiết lập Chương trình Mindfulness-Based Stress Reduction (MBSR) tại Đại học Y (Mỹ quốc) Massachusetts năm 1979 . Kể từ đó, Kabat-Zinn và nhiều đồng nghiệp thực hiện hàng ngàn thí nghiệm cho thấy, Thiền chánh niệm là một trong những tặng phẩm vĩ đại mà Ngài Cồ Đàm đã để lại cho nhân loại ngày nay.
Tác giả Jon Kabat-Zinn định nghĩa: Chánh niệm là sự tỉnh thức, chú tâm vào những điều đang xảy ra trong hiện tại. Ý niệm này dẫn dắt mọi người tự nhìn nhận quan điểm của mình, sống hòa hợp với thế giới xung quanh cũng như ý thức sâu sắc về tính chất toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống.
Thiền chánh niệm là một quá trình tự quán chiếu, tự soi xét bản thân và hành động có ý thức. Nền tảng vững chắc của triết lý này là lòng nhân từ và sự thông tuệ của con người. Vì thế, việc thực hành Thiền chánh niệm sẽ giúp chúng ta sống có mục đích rõ ràng trong thời khắc hiện tại, không gợn lo âu, ưu phiền.
Bộ môn này nuôi dưỡng tinh thần rộng lượng, minh triết và điềm tĩnh chấp nhận thực tại. Nếu thiếu mất chánh niệm, mỗi người rất dễ rơi vào trạng thái sợ hãi, bất an trong sâu thẳm tâm hồn. Khi những vấn đề này tích tụ và chất chồng theo thời gian, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong quá khứ và xa lìa thực tại, cuối cùng đánh mất niềm tin vào giá trị cốt lõi của bản thân.
Trong nhịp sống đô thị hối hả, bộn bề, đa số chúng ta đều mong muốn kết nối sâu sắc với tâm hồn mình hoặc tìm về nương náu giữa lòng thiên nhiên xanh mát. Do đó, ngày càng có nhiều người theo đuổi Thiền chánh niệm để tự thấu tỏ bản thân cũng như đạt đến sự tĩnh tại, bình yên.
Lợi ích của Thiền chánh niệm đối với con người
Theo các nhà khoa học, trung bình mỗi phút, chúng ta chìm đắm trong 3.000 ý nghĩ. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết, một người trưởng thành mất khoảng 47% thời gian mỗi ngày vì lang thang trong tâm trí chính mình. Điều này có nghĩa là chúng ta đang lãng phí quá nhiều thời gian và năng lượng cho những suy nghĩ mông lung, rối rắm.
Thế nhưng, có một tin vui là mọi người hoàn toàn có thể học cách kiểm soát ý thức cũng như tiềm thức của mình thông qua Thiền chánh niệm. Hoạt động này cho phép chúng ta tận dụng tối đa sức mạnh của tâm trí, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần.
Giảm căng thẳng
Cuộc sống hiện đại với nhiều bộn bề, lo lắng, những áp lực khiến con người luôn mệt mỏi và bất an. Sự căng thẳng kéo dài sẽ gây ra chứng mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm, bệnh tim mạch… thậm chí là tự tử.
Một nghiên cứu kéo dài 5 năm đã chứng minh rằng, các hoạt động thiền định và chánh niệm có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng đáng kể. Kết quả cho thấy, những người bệnh thực hành Thiền chánh niệm trong vòng 8 tuần có khả năng kiểm soát tâm trạng tốt hơn hẳn nhóm đối chứng.
Bớt lo âu
Trong tâm thần học, lo lắng là một dạng rối loạn thần kinh khiến bệnh nhân khó chịu, sợ hãi quá mức đồng thời gây ra những hành vi cưỡng chế hoặc tấn công hoảng loạn. Tình trạng này kéo dài có thể khiến chúng ta mất khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình.
Theo một số nghiên cứu, những người bị rối loạn lo âu tham gia Thiền chánh niệm có xu hướng khỏi bệnh nhanh hơn so với những người điều trị bằng các phương pháp khác.
Phát triển trí tuệ
Trí tuệ cảm xúc là khả năng tự nhận thức cảm xúc và quản lý tâm trạng của mỗi người. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ biết cách cư xử khéo léo, đúng mực thay vì hành động trẻ con, bốc đồng.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy, Thiền chánh niệm đóng vai trò quan trọng, giúp bệnh nhân cải thiện năng lực điều chỉnh cảm xúc. Trong những tình huống khó khăn, họ đã chủ động phân loại cảm xúc cũng như giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý hơn.
Hạn chế trầm cảm
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các biện pháp can thiệp dựa vào Thiền chánh niệm có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm cũng như sự tái phát của căn bệnh này ở bệnh nhân. Điều đó khẳng định rằng, phương pháp điều trị chánh niệm sẽ giúp người bệnh ổn định tâm lý và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn so với những người không luyện tập.
Suy nghĩ tích cực hơn
Khả năng thích ứng là khả năng chủ động đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống thay vì ngồi yên chấp nhận sống chung với áp lực, căng thẳng.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp thiền định, trị liệu nhận thức và các bài tập thấu cảm để cải thiện khả năng thích nghi của người bệnh. Đa số bệnh nhân đều khẳng định, họ cảm thấy tự tin và suy nghĩ tích cực hơn khi đối mặt với nghịch cảnh.
Thiền có thể chuyển đổi tâm, mà tâm an, thân lạc thì hạnh phúc sẽ nằm trong tầm tay. Do đó, Thiền có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta từ sầu bi khổ lụy, căng thẳng giận hờn thành con người an lạc, hạnh phúc, ít tật bệnh, đẹp và thông minh hơn.
Chỉ cần kiên nhẫn ngồi thiền giữa một không gian tĩnh lặng khi rảnh rỗi, bạn đã có thể thấu hiểu nội tâm và trở nên lạc quan hơn.Cuối cùng, bạn cần kiên trì luyện tập mỗi ngày để tự mình trải nghiệm trọn vẹn trạng thái hạnh phúc tại tâm.
Việc thực hành Thiền chánh niệm sẽ đạt được hiệu quả cao nhất trong môi trường yên tĩnh, thoải mái, không chịu sự chi phối từ thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, tư thế ngồi sẽ giúp chúng ta dễ dàng tập trung hơn vào hơi thở. Bởi với tư thế này, hoạt động của tay, chân và các giác quan đã bị hạn chế tối đa.
Xem thêm: Lời Phật dạy: Muốn sống vui khỏe, sống thọ phải ghi nhớ 10 điều sau
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận