Sốc nhiệt mùa nắng nóng có nguy hiểm không?
Sốc nhiêt là hiện tượng rất dễ xảy ra trong thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay. Người bị sốc nhiệt nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời có thể gặp phải những di chứng nguy hiểm cho hệ thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Sốc nhiệt mùa nắng nóng là gì?
Sốc nhiệt trong y học được định nghĩa là một loại bệnh lý được gây nên bởi nhiệt độ cơ thể do tác động của môi trường trở nên tăng mạnh và khiến cho sự tuần hoàn trong cơ thể diễn ra bất bình thường.
Con người vốn là loài động vật hằng nhiệt, do đó, để cơ thể có thể thích ứng với sự biến đổi của nhiệt độ môi trường xung quanh, trung khu điều nhiệt luôn phải hoạt động để giữ thân nhiệt ở mức cân bằng ở ngưỡng xung quanh 37 độ C nhằm đảm bảo các chức năng trong cơ thể được vận hành ổn định.
Tuy nhiên, khi một người phải tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, trung tâm điều nhiệt sẽ phải hoạt động quá sức và bị tổn thương hoặc không còn đủ khả năng cân bằng nhiệt cho cơ thể. Lúc này, nhiệt độ cơ thể chúng ta sẽ bị tăng nhanh mất kiểm soát dẫn đến rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh.
Sốc nhiệt mùa nắng nóng nguy hiểm như thế nào?
Bệnh do nhiệt bao gồm một số chứng rối loạn khác nhau, mức độ nghiêm trọng thay đổi từ chuột rút và kiệt sức do nhiệt đến sốc nhiệt. Trong đó, sốc nhiệt là bệnh lý nguy hiểm nhất.
Người bị sốc nhiệt mùa nắng nóng cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bởi nếu tình trạng sốc nhiệt càng diễn ra lâu, nguy cơ người bệnh bị biến chứng sang các bệnh lý nguy hiểm khác như tổn thương não, tim, thận và cơ là rất cao.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra, sốc nhiệt có nguy cơ gây tử vong ở người với tỷ lệ lên đến 80% nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Được biết, đối với các vận động viên trẻ, thường xuyên phải tập luyện cường độ cao dưới thời tiết mùa hè khắc nghiệt, sốc nhiệt cũng là bệnh lý vô cùng nguy hiểm và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong.
Triệu chứng của sốc nhiệt
Sốc nhiệt có thể khởi phát một cách đột ngột hoặc từ từ với một số triệu chứng đặc trưng như:
- Đổ mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút do nhiệt
- Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, choáng váng hoặc ngất xỉu.
- Sốt cao trên 39 độ C kéo dài
- Da đỏ, khô, nóng và có hiện tượng sưng, phù nề
- Rối loạn ý thức, co giật, mê sảng, hôn mê
Trong tất cả những dấu hiệu trên, nếu bệnh nhân bắt đầu có hiện tượng rối loạn ý thức, co giật, mê sảng thì tình trạng sốc nhiệt đã ở cấp độ đe dọa tính mạng người bệnh, nên cần được xử trí sơ cứu tại chỗ ngay rồi đưa đi cấp cứu.
Cần làm gì khi phát hiện có người bị sốc nhiệt trong mùa nắng nóng?
Cách xử lý khi bệnh nhân có biểu hiện bị sốc nhiệt chính là hạ nhiệt, làm mát cơ thể nhanh chóng.
Trong trường hợp phát hiện có người bị sốc nhiệt xung quanh, chúng ta cần thực hiện các biện pháp chăm sóc hỗ trợ khẩn cấp như sau:
- Nhanh chóng di chuyển người có dấu hiệu sốc nhiệt ra khỏi khu vực nắng nóng, đến nơi mát mẻ, thoáng khí
- Đặt nạn nhân nằm ngửa và cởi bớt quần áo ra để cơ thể người bệnh được thoát nhiệt nhanh hơn
- Dùng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ/tưới lên toàn bộ cơ thể người bị sốc nhiệt, đồng thời sử dụng quạt thổi để hạ nhiệt. Trong trường hợp điều kiện cho phép, có thể cho bệnh nhân nhúng người vào nước đá để nhiệt cơ thể giảm nhanh.
- Trong trường hợp người bệnh còn tỉnh táo và không nôn nhiều, hãy cho họ uống nước ngay để bù nước.
- Lập tức gọi ngay xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất
Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị sốc nhiệt trong mùa hè?
Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt mùa nóng thường là những người phải thường xuyên hoạt động ngoài trời trong thời gian dài, hoặc những đối tượng có sức đề kháng kém.
Cụ thể như sau:
- Người có khả năng chịu đựng kém như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai,...
- Người mắc bệnh lý mãn tính như ung thư, bệnh tim mạch, gan,...
- Những người lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không được nghỉ ngơi và không bổ sung nước cũng như chất điện giải đầy đủ
- Người có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi không khoa học dẫn đến cơ thể không có sức sống
Làm thế nào để không bị sốc nhiệt trong mùa nắng nóng?
Sốc nhiệt mùa nóng là điều vô cùng dễ gặp phải nếu chúng ta là người phải hoạt động liên tục dưới thời tiết oi bức trong thời gian dài và không kịp bù nước cho sự "toát mồ hôi" của cơ thể. Do đó, để phòng tránh nguy cơ bị sốc nhiệt trong mùa hè này, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp sau:
Sử dụng đồ chống nắng dày dặn và sáng màu khi hoạt động ngoài trời
Việc sử dụng quần áo chống nắng, ô dù hoặc mũ nón khi di chuyển ngoài trời trong mùa nắng nóng là điều không hề xa lạ đối với mỗi chúng ta để chiến đấu với cái nắng ngày hè. Tuy nhiên, việc chọn đồ chống nắng như thế nào để cơ thể được mát nhất là điều không phải ai cũng biết.
Theo đó, để đạt được hiệu quả chống nắng, phản nhiệt và chống tia UV cực cao trong ngày hè, chúng ta nên sử dụng quần áo dài tay dày dặn được làm bằng các chất liệu có khả năng thấm hút mồ hôi tốt và thiết kế thoáng khí.
Không nên vì ngại phải vệ sinh thường xuyên mà lựa chọn quần áo chống nắng tối màu vì những món đồ này sẽ làm tăng khả năng hấp thụ nhiệt lên cơ thể từ đó khiến bạn bị tăng nhiệt nhanh hơn và có nguy cơ bị sốc nhiệt mùa nắng nóng cao hơn.
Đặc biệt, chúng ta cũng cần phải lưu ý che chắn tốt phần gáy khi đi dưới trời nắng, bởi đây là trung khu điều nhiệt có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo nhiệt độ cơ thể luôn được ổn định cho sự tuần hoàn thông thường.
Thường xuyên tiếp nước cho cơ thể
Một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta bị sốc nhiệt vào mùa hè là do cơ thể bị mất nước và chất điện giải, từ đó không có đủ nguyên liệu để phục vụ cho việc tản nhiệt và làm mát bằng cách thoát mồ hôi ra ngoài.
Do đó, để tránh bị sốc nhiệt mùa nắng nóng, bạn cần phải đảm bảo nạp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, tương đương với việc uống từ 2- 3,5 lít nước mỗi ngày đối với người lớn.
Bên cạnh đó, trong những ngày hè nóng bức, bạn cũng cần phải hạn chế các đồ uống chứa chất cồn và cafein bởi chúng đều là những thứ khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng háo nước và tăng nhiệt.
Ngoài ra, hãy tăng cường và bổ sung trái cây tươi cùng rau xanh vào thực đơn hằng ngày để tiếp thêm nước và các chất vitamin có lợi nhằm tăng đề kháng cho cơ thể.
Thường xuyên tập các bài vận động nhẹ
Trong mùa hè, nhiệt độ thường xuyên được duy trì ở mức cao khiến chúng ta khó giữ được thói quen tập luyện thể dục, thể thao. Điều này 1 phần sẽ khiến sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu.
Do đó, để vẫn có thể duy trì sức khỏe của bản thân, chúng ta có thể chỉ thực hiện các vận động nhẹ như đi bộ, tập yoga, chạy đều,... Bạn cũng chỉ nên thể dục thể thao trong khoảng 20 đến 30 phút mỗi lần vào các thời điểm mát trời như sáng sớm hoặc tối để cơ thể không bị mất nước nhanh dẫn đến sốc nhiệt.
Sử dụng điều hòa đúng cách
Một trong những yếu tố gây sốc nhiệt và đột quỵ khá phổ biến trong mùa nắng nóng chính là sử dụng điều hòa sai cách. Theo đó, để điều hòa không trở thành nguyên nhân gây sốc nhiệt trong mùa nắng nóng, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
Không để nhiệt độ quá thấp
Nhiều người có thói quen để điều hòa ở nhiệt độ thấp dưới 20 độ C để nhanh chóng xua tan cái nóng. Tuy nhiên, khi mà nhiệt độ ngoài trời thực cảm liên tục ở ngưỡng trên 40 độ C như hiện nay thì thì việc sử dụng điều hòa theo cách này sẽ khiến bạn có nguy cơ cao bị sốc nhiệt.
Theo đó, khi sử dụng điều hòa trong mùa nóng, chúng ta chỉ nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệch khoảng 7 độ so với bên ngoài để đảm bảo an toàn.
Tốt hơn hết, bạn chỉ nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức 25 – 28 độ C, đây là mức nhiệt độ lý tưởng giúp bạn không gặp nhiều nguy hiểm về sức khỏe.
Nếu cảm thấy vẫn chưa đủ mát, bạn có thể kết hợp thêm các thiết bị làm mát khác như quạt điện, quạt hơi nước… thay vì giảm nhiệt độ xuống thấp.
Không vào phòng lạnh khi vừa hoạt động trong thời gian dài ngoài trời nắng
Sau khi ở ngoài đường nắng nóng hoặc mới tập luyện thể thao trong thời gian dài, bạn nên ở phòng làm mát bằng quạt gió thông thường một thời gian để nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường trước khi đi vào phòng lạnh.
Nếu bước vào phòng lạnh đột ngột, cơ thể chúng ta chưa kịp thích nghi nên rất dễ bị cảm lạnh. Không chỉ vậy, khi đi nắng hay tập thể thao thì mạch máu sẽ giãn ra, vì vậy, nếu vào phòng lạnh ngay thì rất dễ khiến các mạch máu co lại đột ngột và người có thể trạng yếu có thể bị đột quỵ.
Trước khi đi ra ngoài nên tăng nhiệt độ điều hòa
Đối với những người làm việc văn phòng thường ngồi trong phòng điều hòa liên tục trong thời gian dài cần đặc biệt lưu ý điều này.
Theo đó, sau khi ngồi trong phòng lạnh nhiều giờ liên tục, trước khi tan ca, chúng ta nên tắt điều hòa và chuyển qua quạt gió, hoặc tăng nhiệt độ điều hòa để cơ thể thích ứng tốt hơn với nền nhiệt cao ngoài trời. Tuyệt đối không ngay lập tức chuyển từ môi trường điều hòa lạnh sâu sang môi trường nhiệt độ cao bên ngoài bởi khi đó cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng sốc nhiệt và có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ.
Xem thêm: Đột quỵ mùa hè là gì và đột quỵ mùa hè nguy hiểm cỡ nào?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận