Vì sao tiết Thanh minh được gọi là “Thanh minh” và gắn liền với tục tảo mộ?
Vì sao tiết Thanh minh được gọi là “Thanh minh” đồng thời lại gắn liền với phong tục tảo mộ? Để hiểu hơn về điều này, mời bạn đọc tham khảo những thông tin thú vị sau.
Nguồn gốc Tết Thanh minh
Thanh minh là một trong 24 tiết khí của năm, cũng là tiết khí trong tháng ba âm lịch nên còn được gọi là Tam nguyệt tiết. Trong cuốn Hoài Nam tử - Thiên văn huấn có ghi chép rằng: “Xuân phân hậu thập ngũ nhật, đẩu chỉ ất, vi Thanh minh”. Câu nói này có nghĩa là sau Xuân 15 ngày, sao Bắc Đẩu chỉ hướng Ất, đó chính là ngày Thanh Minh.
Trong tiết thanh minh, vạn vật đều sinh trưởng, cây cối đâm chồi nảy lộc, bầu trời thanh khiết. Thanh minh không chỉ có "lễ tảo mộ", "hội đạp thanh" như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn gắn liền với phong tục cắm liễu. Người xưa còn có câu, "Thanh minh bất đới liễu, hồng nhan thành hạo thủ", có nghĩa là vào tiết thanh minh mà không cài liễu thì ngay cả những cô gái xinh đẹp cũng sẽ trở nên già nua xấu xí.
Vậy vì sao Thanh minh được gọi là “Thanh minh”, đồng thời lại gắn liền với những phong tục đặc biệt ấy?
Trong cuốn sách Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ tết hội hè giải thích rằng:"Thanh minh là tiết thứ năm trong nhị thập tứ khí và được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh minh đến với chúng ta 45 ngày sau ngày Lập xuân. Thanh minh là gì? Theo đúng nghĩa đen, ‘Thanh’ là khí trong, ‘Minh’ là sáng sủa. Người xưa đã mượn cảnh đất trời mà đặt tên cho đệ ngũ tiết khí trong năm, do đó có tên gọi tiết Thanh minh để ghi lấy thời gian trong đẹp nhất của năm. Tiết này thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm”.
Tuy nhiên, nói về nguồn gốc của tiết Thanh minh còn có một câu chuyện vô cùng cảm động, được ghi chép trong Tả Truyện.
Truyện kể rằng, vào thời Xuân Thu, Tấn Văn Công (tên thật là Cơ Trùng Nhĩ) là bậc đế vương anh minh lỗi lạc của nước Tấn thời Xuân Thu. Ông là hoàng tử của vua Tấn Hiến Công, từ nhỏ đã luôn coi trọng bậc hiền tài, nên được nhiều cận thần quý mến. Khi lớn lên, ông vì bị ái phi Ly Cơ của vua cha gièm pha, nên phải bỏ trốn khỏi hoàng cung, lưu lạc trong nhân gian.
Trong những năm lưu vong, Tấn Văn Công phải sống trong cảnh cơ hàn, đói khổ, không chốn nương thân, cuộc sống đứng bên bờ vực thẳm. Có lần trong cơn đói tưởng như không qua nổi, Tấn Văn Công đã ngất đi, nằm lịm trên mặt đất. Cáс cận thần bên cạnh ông phải đi ròng rã cả buổi mà không tìm được một miếng ăn. Lo lắng không còn cáсh nào kháс, một cận thần của ông là Giới Tử Thôi đã cắt thịt trên đùi mình, nấu bát cháo dâng lên chủ công.
Khi Tấn Văn Công tỉnh dậy, ông đã vô cùng cảm động trước tấm lòng của Giới Tử Thôi, nước mắt cứ thế không ngừng tuôn rơi.
19 năm sau, khi Tấn Văn Công trở về cố quốc và bước lên ngai vàng, ông đã trọng thưởng cho cáс bề tôi đã theo mình chịu khổ cực ngày ấy. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì lại quên mất Giới Tử Thôi.
Cuối cùng khi Tấn Văn Công nhớ đến người đã không tiếc máu xương phò tá mình năm ấy trong lòng vô cùng hối hận và hổ thẹn, ông bèn sai người đi mời Giới Tử Thôi về cung. Nhưng Giới Tử Thôi vốn đã không còn ở quê nhà nữa, ông đã cùng mẹ vào trong núi ẩn cư. Tấn Văn Công cũng đích thân đến núi này, nhưng ông không thể tìm thấy Giới ᴛử Thôi ở đâu nữa.
Theo lời gợi ý của một cận thần, Tấn Văn Công cho người phóng hỏa 3 mặt ngọn núi nhằm buộc Giới Tử Thôi phải ra ngoài. Ngọn lửa đã cháy 3 ngày 3 đêm nhưng người cần tìm vẫn chưa thấy xuất hiện.
Cuối cùng đoàn tùy tùng của Tất Văn Công tìm thấy thi thể của Giới Tử Thôi đang cõng mẹ ngồi tựa vào một gốc cây dương liễu. Trong hốc của thân cây đã cháy được một nửa, người ta tìm thấy di cảo viết bằng máu rằng :
"Cắt thịt dâng vua tỏ trung trinh,
Chỉ nguyện vua sáng mãi thanh minh.
Tuy chết gốc cây không gặp mặt,
Còn hơn can gián chốn cung đình.
Chúa công trong lòng còn nhớ tới,
Mong vua thường xét chính lòng mình.
Thần nơi chín suối lòng không thẹn,
Triều chính thanh minh lại thanh minh."
Tấn Văn Công hai hàng nước mắt chảy dài, trong lòng vẫn luôn chất chứa một nỗi hối tiếc khôn nguôi. Ông nâng niu cất giữ mảnh di cảo của người cận thần, thề rằng từ nay sẽ làm một vị vua anh minh sáng suốt, tạo phúc cho muôn dân.
Sau đó, Giới Tử Thôi được chôn dưới gốc cây liễu. Để tưởng niệm ông, nhà vua ra lệnh không ai được đốt lửa và chỉ được ăn đồ nguội vào ngày hôm đó. Do vậy, người ta gọi ngày đó là ngày “Hàn thực”.
Một năm qua đi, khi Tấn Văn Công cùng quần thần đến thăm mộ Giới Tử Thôi, họ ngạc nhiên khi thấy cây liễu bị cháy năm xưa giờ xanh tươi đầy sức sống, cành lá sum sê mơn mởn. Dưới gốc liễu, Giới Tử Thôi có lẽ cũng đang mỉm cười, gợi cho nhà vua nhớ về hai chữ “thanh minh” ngày nào. Thấy vậy, Tấn Văn Công bèn đặt tên cho cây liễu là “Thanh minh liễu”, đồng thời đặt tên cho ngày ngay sau lễ Hàn thực, gọi là tiết Thanh minh.
Đôi nét về tục Tảo mộ
Đối với người Việt, tết Thanh minh còn là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Theo thông lệ, cứ sau tháng Giêng là người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Trước Thanh minh một ngày, để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam sinh (bò, heo, dê), giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy... và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình để làm lễ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa tươi cho linh hồn người đã khuất.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Ngoài tục lệ trên, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món bánh này.
Tết Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng.
Xem thêm: Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng có nghĩa là gì?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận