Vua Trần Nhân Tông và 22 lá thư gửi kẻ thù, trước sau nhất quán quan điểm: Không đầu hàng

Trong cả 22 lá thư, vua Trần Nhân Tông Tông đều thể hiện rõ quan điểm: Không đầu hàng, không chấp nhận đánh mất chủ quyền quốc gia bằng cách thỏa mãn đòi hỏi của Hốt Tất Liệt. 

Đỗ Thu Nga
07:00 06/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vua Trần Nhân Tông (sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258 – 16 tháng 12 năm 1308) tên khai sinh là Trần Khâm. Ông là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Trần. Ông trị vụ từ năm 1278 đến 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời. 

Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là vị vua anh minh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đại Việt vào cuối thế kỷ XII, cũng như bảo vệ nền độc lập dân tộc, mở rộng lãnh thổ đất nước. Bên cạnh đó, ông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. 

Ngay từ khi đăng cơ, vua Trần Nhân Tông đã phải đương đầu với hiểm họa xâm lược từ đế quốc Mông Nguyên hùng mạnh ở phương Bắc. Sau khi đẩy lùi được quân xâm lược, ông vẫn giữ quan điểm cương định trước kẻ thù, tập trung củng cố phát triển kinh tế nước và luôn nhất quán quan điểm không khuất phục nhà Nguyên, khi ấy dưới sự điều hành của Hốt Tất Liệt.

vua-tran-nhan-tong-va-22-la-thu-gui-ke-thu-0
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Được biết, vua Trần Nhân Tông đã gửi 22 lá thư cho quan nhà Nguyên trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, những lá thư này vẫn chưa được công bố và nghiên cứu đầy đủ. 

Trong những lá thư này, có những lá còn nguyên vẹn, có những lá chỉ còn đoạn phiến. Đặc điểm là chúng hầu hết được bảo tồn trong các tư liệu Trung Quốc, chủ yếu là Nguyên sử, Thiên nam hành ký, Trần Cương Trung thi tập và An Nam chí lược. Phía các sử liệu nước ta hình như không bảo lưu một văn bản nào. Có chăng thì cũng chép lại từ các tác phẩm đã nêu bên trên.

Điều đáng nói, trong những lá thư gửi nhà Nguyên, vua Trần Nhân Tông trước sau đều giữ nguyên 1 quan điểm: Không chịu đầu hàng giặc, không chấp nhận đánh mất chủ quyền quốc gia bằng cách thỏa mãn đòi hỏi của Hốt Tất Liệt, yêu cầu vua phải đích thân sang chầu ở Đại Đô của Trung Quốc. 

Thời kỳ đó, Hốt Tất Liệt đã sử dụng nhiều mánh khóe lý luận khác nhau, từ dụ dỗi bằng lời đường mật cho đến những lần đe dọa dùng vũ lực nhưng không thể lung lay ý chí vua Trần và quân dân Đại Việt. Không những vậy, vua Trần Nhân Tông còn vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những lý lẽ mà Hốt Tất Liệt đưa ra.

Ví dụ, Hốt Tất Liệt khoe rằng, y đối đãi nồng hậu với người chịu đến chầu, coi họ là con cái mà y có trách nhiệm yêu thương. Những sứ giả cử đến đều nói lòng thương bao la của Hốt Tất Liệt như biển như trời. Trước luận điệu ấy, vua Trần Nhân Tông đã vạch ra rằng, nếu Hốt Tất Liệt có lòng thương như thế thì sao lại bắt vua sang chầu? Bắt vua vào chầu, lỡ dọc đường chết phơi xương thì thế nào?

Vua Trần Nhân Tông hiểu rất rõ rằng, vào chầu tức là đầu hàng, đem quốc gia trao cho giặc. Vậy nên, vua dứt khoát không nhượng bộ phương Bắc. 

vua-tran-nhan-tong-va-22-la-thu-gui-ke-thu-8
Tranh vẽ Hốt Tất Liệt

Về phần mình, Hốt Tất Liệt cũng hiểu rõ ràng rằng, vài lá thư vời chầu không thể làm lung lay ý chí kiên định của vua nước Việt. Vậy nên hắn đã vung sẵn lưỡi gươm qua hai lần liên tiếp xâm lược nước ta bằng dàn tướng lĩnh dày dặn kinh nghiệm và hàng chục vạn quân hùng dũng. Song đều thất bại thảm hại.

Những lá thư viết cho các viên quan nhà Nguyên, mà chủ yếu là viết cho phái bộ Lương Tăng đến nước ta vào năm 1293, cũng thế. Đây là những lá thư vừa mềm mỏng, vừa đanh thép, lên án chính sách giả nhân giả nghĩa và vạch trần âm mưu đằng sau những lời lẽ quang minh chính đại của nhà Nguyên. Trong An Nam tức sự của Trần Cương Trung, Trần Phu đã kể lại sự việc sứ bộ của y ngay khi đến nước ta đã bị triều đình Đại Việt đưa đi theo những con đường mới phát quang nhằm gây nỗi kinh hoàng cho chúng: "Sứ thần đến nước ấy, lại không đi theo lỗi cũ, đều phải đục núi mở đường, trèo vượt quanh co, ý là muốn tỏ ra xa hiểm". Giặc biết vậy mà đành ngậm miệng đi theo, không dám ý kiến.

Khi đến Thăng Long, chúng phải nhiều lần đấu tranh mới được vào cửa Dương Minh (cửa chính nam của kinh thành, thay vì phải đi cửa Vân Hội hay cửa Nhật Tân mà triều đình đề nghị). Như Lương Tằng truyện của Nguyên sử 178 tờ 1b3-6 đã ghi: “Tháng giêng năm Chí Nguyên 30 (1293) đến An Nam, nước đó có 3 cửa. Giữa gọi là Dương Minh, trái gọi là Nhật Tân và phải gọi là Vân Hội. Bồi thần ra đón ngoài thành, sắp do cửa Nhật Tân để đi vào. Tăng rất giận, nói: "Đón chiếu không do cửa giữa, thế là ta làm nhục mệnh vua". Liền trở về sứ quán. Thế rồi, mời mở cửa Vân Hội để đi vào. Tăng lại cho là không thể được. Rồi mới tự cửa Dương Minh đón chiếu vào. Tăng trách Nhật Tôn không tự mình ra đón chiếu". 

Đây gọi là đòn nắn gân phái bộ thiên triều. Đòn nắm gân này trước đó vua Trần Nhân Tông đã cho Sài Thung nếm thử vào năm vua mới đăng cơ, khi đang thiết yến tại hành lang. Hắn tức giận bỏ về sứ quán. Năm 1291, phái bộ của Trương Lập Đạo đến nước ta và cũng nếm thử đòn này. Dù sau đó vua Trần Nhân Tông đã tiếp đón vui vẻ nhưng bản thân Trương Lập Đạo đã ghi nhận trong Trương thượng thư hành lục do tên Việt gian Lê Thực chép łại trong An Nam chí lược 3, tờ 45 - 47. 

vua-tran-nhan-tong-va-22-la-thu-gui-ke-thu-5

22 lá thư vua Trần Nhân Tông viết cho quan nhà Nguyên là một tập văn đáng cho chúng ta đọc để thấy cuộc đấu tranh ngoại giao và tư tưởng đầy cam go, thử thách giữa ta và giặc. Chúng thể hiện ý chí sắt đá không chỉ của vua Trần Nhân Tông mà của cả dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, cương quyết không nhượng bộ kẻ thù dưới bất kỳ hình thức nào. Chính vì vậy, có thể coi như mở đường cho sự ra đời của loại văn phục vụ trực tiếp sự nghiệp đấu tranh chính trị và quân sự, mà sau này Nguyễn Trãi nhân danh Lê Lợi đã thực hiện trong quân trung từ mệnh tập.

Và những lá thư vua Trần Nhân Tông gửi nhà Nguyên còn có một vị trí văn học nhất định. Đặc biệt chúng đã đi đầu, tạo nên thể loại văn học mà sau này quân trung từ mệnh tập đã thừa kế và phát huy tới đỉnh cao hiệu quả của nó trong sự nghiệp đấu tranh với quân thù. Đây là thể loại văn học vừa đánh vừa đàm. Trọng lượng của lời nói trong những lá thư đàm phán được quyết định bằng những chiến thắng ngoài sa trường. 

Nói cách khác, lời nói phải được yểm trợ và thể hiện bằng những hành động bạo lực cụ thể. Cho nên, có những lúc, có những nơi dù lời nói có chính nghĩa, mà không có bạo lực thành công, đặc biệt trong quan hệ bang giao giữa hai nước, cũng không được mục tiêu nó nhắm tới, là bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền quốc gia. 

Các văn thư ngoại giao của vua Trần Nhân Tông đáng để đọc và nghiên cứu để thấy sự sâu sắc và trí tuệ của một vị anh hùng dân tộc. Đấy là một con người kiên cường bất khuất, vừa mềm dẻo vừa thâm trầm, đầy độ lượng vị tha nhưng cũng tràn trề ý chí quyết chiến quyết thắng, cương quyết đè bẹp ý đồ của kẻ thù để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

(T/h)

Xem thêm: Dĩ dật đãi lao - chiến thuật cổ giúp nhà Trần đẩy quân Nguyên sa lầy

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận