Vua Trần Anh Tông nổi tiếng anh minh nhưng lại suýt mất ngôi vì say rượu

Các vua nhà Trần cực kỳ coi trọng việc dạy dỗ con cái, nhất là những người mang trong mình mệnh đế vương, kế thừa giang sơn xã tắc. Và dưới đây là câu chuyện tiêu biểu về vị vua Trần suýt mất ngôi vì say rượu.

Đỗ Thu Nga
09:00 28/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vua Trần Anh Tông (25 tháng 10 năm 1276 – 21 tháng 4 năm 1320) tên khai sinh là Trần Thuyên. Ông là vị hoàng đế thứ 4 của nhà Trần. Ông ở ngôi từ tháng 4/1293 đến tháng 4/1314 rồi làm Thái thượng hoàng từ năm 1314 đến khi qua đời. 

Ông được đánh giá là vị hoàng đế anh minh. Triều đại của Trần Anh Tông chứng kiến giai đoạn phát triển hưng thịnh của Đại Việt sau 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Thời kỳ của ông và con ông đánh dấu sự hưng thịnh của vương triều nhà Trần, sử gọi là Anh Minh Thịnh Thế.

Thế nhưng ít ai biết rằng, ngày còn trẻ vị vua anh minh này cũng từng mắc sai lầm và suýt bị truất ngôi chỉ vì... say rượu:

Vua tôi say khướt và cơn giận của Thượng hoàng Trần Nhân Tông

Sử chép, khi vua Trần Anh Tông mới đăng cơ, tuổi còn trẻ, tính tình vẫn ham chơi. Trong một lần, Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư, các quan trong triều không ai biết cảm vua tôi uống rượu say khướt.

Ban đầu Thượng hoàng thấy vua không ra đón tiếp, cũng chưa thấy làm lạ vì biết mình đến bất ngờ, không báo cho con cháu quần thần. Vì thế, ngài đi thong dong khắp các cung trong điện từ giờ Thìn đến giờ Tỵ, cung nhân dâng bữa lên rồi, Thượng hoàng ngoảnh lại vẫn không thấy vua thì mới hỏi rằng: Quan gia đâu?

vua-tran-anh-tong-suyt-bi-mat-ngoi-bau-vi-say-ruou-0
Quá thất vọng vì Trần Anh Tông uống rượu say xỉn, thượng hoàng Trần Nhân Tông họp mặt quần thần định phế truất

Cung nhân đành phải chạy vào điện đánh thức nhưng vua Trần Anh Tông vẫn say, không thể tỉnh nổi. Thượng hoàng biết chuyện, giận lắm, lập tức trở về phủ Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ xử tội. Điều này ngụ ý sẽ chuẩn bị thay vua mới.

Đến tận giờ Mùi vua Trần Anh Tông mới tỉnh rượu. Cung nhân trong điện đem chuyện lúc vua say tâu lại. Vị vua trẻ lúc này vô cùng hoảng sợ, vội bước ra ngoài cửa cung thì không còn thấy ai nữa. Vua liền sai cung nhân chuẩn bị ngựa để đuổi theo Thượng hoàng.

Khi vua đi đến chùa Tư Phúc thì va phải một chàng thư sinh nên đành dừng lại. Chàng thư sinh này chính là Đoàn Nhữ Hải. Vua biết Nhữ Hải là người học rộng, văn hay chữ tốt nên đã kể lại sự tình rồi sai viết một bài biểu tạ tội. Nhữ Hải tuân mệnh. Thế là vua Anh Tông lập tức đem Nhữ Hải theo mình suốt đêm để kịp đến Thiên Trường.

vua-tran-anh-tong-suyt-bi-mat-ngoi-bau-vi-say-ruou-7
Trần Anh Tông là con vua Trần Nhân Tông và là phụ hoàng của Trần Minh Tông

Sáng sớm hôm sau, vua Trần Anh Tông vào phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Nhưng Thượng hoàng nhận biểu rồi cũng không nói năng gì để mặc cho người thay vua dâng biểu là Nhữ hải quỳ ngoài sân. Mãi cho đến khi mưa gió ập đến, chàng thư sinh kia vẫn quỳ không nhúc nhích, Thượng hoàng thấy vậy mới gọi vua Anh Tông vào mà mắng:

"Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?".

Vua Anh Tông nghe vậy, liền rập đầu tạ tội. Thượng hoàng răn dạy thêm hồi lâu rồi mới tha lỗi cho, sau đó ban chức quan cho Đoàn Nhữ hải vì bài biểu rất hợp lòng ngài.

Về sau vua Trần Anh Tông không uống rượu nữa, tu dưỡng bản thân, được sử sách ca ngợi là "khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chính, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ đáng khen".

Cách vua Trần Anh Tông dạy dỗ Hoàng tử Mạnh

Cũng giống như cha mình, vua Trần Anh Tông là người rất coi trọng việc giáo dục con cái. Sau khi lập tứ hoàng tử Mạnh làm thái tử, nhà vua ra sức dạy dỗ vì đặt nhiều kỳ vọng vào người con này. Ông mong con sẽ trở thành minh quân cai trị đất nước. Vua Anh Tông đã soạn "Thạch dược châm" (Bài châm về những lời can ngăn trung trực) để tứ hoàng tử học.

Nhưng dẫu sao, tứ hoàng tử lúc ở Đông cung vẫn chỉ là một đứa trẻ, tính tình ham chơi. Nhiều lúc quá đà khiến vua cha nổi giận. Mà nặng nhất có lẽ là lần Thái tử làm cây đèn bằng tre để chơi. Trò chơi này vốn không hợp với con nhà quý tộc, huống hồ là con vua. Vua Anh Tông biết tin đòi xem, hoàng tử Mạnh không dám đưa ra, bèn giấu đi.

Một ngày khác, Thái tử vào tẩm điện của vua cha chầu, Trần Anh Tông đang rửa mặt, nhân tiện hỏi con mình về việc chơi kia. Thái tử vẫn quanh co giấu diếm, vua giận lắm, liền cầm cả chậu nước mà ném vào tứ hoàng tử. May mà hoàng tử kịp nấp vào cửa tránh được, còn chậu vỡ tan.

vua-tran-anh-tong-suyt-bi-mat-ngoi-bau-vi-say-ruou-5
Tranh vẽ vua Trần Minh Tông

Sau lần bị quở trách "đáng sợ" như vậy, thái tử không dám ham chơi nữa mà chuyên tâm học hành, sau này kế vị của vua cha, trở thành người "đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ cơ nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày".

Đến ngày 18 tháng 3 âm lịch năm Giáp Dần (nhằm ngày 3 tháng 4) năm 1314, ông nhường ngôi cho Trần Mạnh, tức Hoàng đế Trần Minh Tông. Anh Tông lui về Thiên Trường (Nam Định) làm Thái thượng hoàng, được tặng tôn hiệu là "Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái Thượng Hoàng Đế". Trên danh nghĩa Thượng hoàng, Trần Anh Tông vẫn tham gia công việc triều chính.

Ông đã khuyên bảo Minh Tông phải tin dùng những người tài đức như Bùi Mộc Đạc hay Huệ Vũ Đại vương Quốc Chẩn, và phải hiểu biết kinh nghiệm từ các thời vua trước. Đại Việt tiếp tục thịnh trị dưới sự cai quản của hai vua Anh Tông, Minh Tông cùng các đại thần tài năng.

Cuối năm 1318, Thượng hoàng Trần Anh Tông đau nặng. Theo Toàn thư Bảo Từ Hoàng hậu đã cho gọi sư Pháp Loa (Phổ Tuệ) về để làm lễ xem sự sinh tử, Anh Tông gạt đi mà bảo rằng: "Sư hãy đến đây, ta chết rồi, Quan gia có sai bảo gì, thì cứ việc làm. Còn như chuyện sau khi chết, thì sư cũng chưa chết, biết đâu mà trình bày việc chết với ta?". 

Tuy nhiên, căn cứ trên sự thân hữu của Anh Tông đối với Pháp Loa, tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã nghi vấn câu chuyện này như sau: "Lời nói hắt hủi Pháp Loa gán cho Anh Tông có lẽ được một sử thần Nho gia ghét đạo Phật thêm vào. Có thể vì Anh Tông mệt quá không thể nói chuyện được với Pháp Loa, muốn được nghỉ yên đôi chút trước khi nhắm mắt nên đã lắc đầu không muốn Pháp Loa vào, thế thôi. Trong trạng thái đó, bảo người ra nhắn một câu nói vô lễ, đó không phải là phong độ của một người như Anh Tông".

Ngày 16 tháng 3 âm lịch năm Canh Thân (nhằm ngày 21 tháng 4 năm 1320) Trần Anh Tông qua đời ở cung Trùng Quang (thuộc phủ Thiên Trường), hưởng dương 45 tuổi. Ngày 12 tháng 12 âm lịch năm 1320 (tức 10 tháng 1 dương lịch năm 1321) ông được chôn cất vào Thái lăng tại Yên Sinh (nay thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh). Triều đình truy tôn ông miếu hiệu là Anh Tông, thụy hiệu là "Ứng Thiên Quảng Vận Hiển Văn Duệ Vũ Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng đế".

Xem thêm: Vua Trần Nhân Tông và 22 lá thư gửi kẻ thù, trước sau nhất quán quan điểm: Không đầu hàng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận