Vua Duy Tân và 2 lần suýt làm thay đổi lịch sử Việt Nam
Duy Tân cùng vua cha Thành Thái và Hàm Nghi là ba vua yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, có nhiều nỗ lực trong việc tìm cách khôi phục nền độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc.
Vua Duy Tân (19/9/1900 - 26/12/1945) tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San. Nguyễn Phúc Vĩnh San là con thứ 8 của vua Thành Thái và bà Hoàng phi Nguyễn Thị Định. Ông cùng với vua Thành Thái và vua Hàn Nghi là ba nhà vua yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Các ông có nhiều nỗ lực trong việc tìm cách khôi phục nền độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc.
Sử sách có chép, sau khi vua Thành Thái thoái vị với lý do bệnh tật và bị đưa đi đày ở Vũng Tàu thì thực dân Pháp và triều Nguyễn bàn bạc lập người kế vị. Nhằm xoa dịu phản ứng từ nhân dân và sĩ phu yêu nước, Viện Khâm sứ Pháp Lévecque buộc phải chọn con của vua Thành Thái lên nối ngôi.
Vua Thành Thái rất đông con trai, theo lẽ thường sẽ phải chọn con trưởng làm người kế vị. Nhưng người Pháp sợ người con đã trưởng thành khó bề phục tùng nên không chọn.
Viện Khâm sứ đề nghị Viện Cơ mật cho dẫn các hoàng tử của vua Thành Thái tới để lựa chọn. Các hoàng tử có mặt đầy đủ, duy hoàng tử út Vĩnh San, khi đó mới 7 tuổi, đang chui dưới gầm giường bắt dế khiến mọi người nháo nhào đi tìm.
Thấy Vĩnh San nhỏ tuổi lại tỏ ra nhút nhát, sợ Tây, người Pháp rất ưng ý nên đã chọn để tấn phong. Sách Vua Duy Tân của tác giả Hoàng Hiển xuất bản năm 1995 có viết, các anh em của Vĩnh San bị loại với nhiều lý do, trong đó, quan trọng nhất là "các trẻ thừa kế mang những tật xấu của bố (tức vua Thành Thái), đều có bộ mặt khó coi, tay chân lỏng khỏng, vẻ mặt thâm hiểm".
Mưu đồ của Pháp là đưa một ông vua chưa biết gì về vận nước, không có tinh thần chống Pháp để dễ bề sai khiến về sau, càng nhỏ tuổi càng dễ uốn nắn.
Đến ngày 28/7 năm Đinh Mùi (1907), hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, 7 tuổi (sử sách thường ghi là 8 tuổi do triều đình xin tăng) chính thức lên làm vua. Cuốn Chuyện những ông hoàng triều Nguyễn có chép, khi đó áo quần chưa kịp may, Vĩnh San phải quàng chiếc áo long bào của vua Thành Thái có đủ cân đai nặng đến 5kg. Mặc áo vào, nhà vua đi không nổi phải ngồi một chỗ.
Vĩnh San lên ngôi lấy hiệu là Duy Tân. Nhưng đáng nói, sau lễ tôn vương 1 ngày, Vĩnh San tỏ thái độ khác hẳn. Ông không hề tỏ ra sợ Pháp, nói năng đúng khẩu khí vương quyền.
Tiếp Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ, ông vua nhí nói bằng tiếng Pháp. Khi chọn niên hiệu, Vĩnh San lấy chữ "Duy Tân" có nghĩa là thuật cải cách hoặc nhà vua canh tân (đổi mới). Người Pháp khi ấy muốn dân An Nam mãi lạc hậu để dễ bề cai trị mà Vĩnh San lại lên ngôi với niên hiệu Duy Tân, đó là một thách thức với thực dân.
Một nhà báo Pháp tường thuật buổi lễ tôn vương này chưa tiên đoán được những hành động chống Pháp của ông vua nhí sau này nhưng đã cảm nhận được sự nhầm lẫn của thực dân Pháp khi chọn Vĩnh San làm vua nước Nam. Ông đã kết thúc bài báo bằng câu tiếng Pháp tạm dịch là "Một ngày trên ngai vàng đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một cậu bé lên tám".
Theo đánh giá, nếu như không có "lỗi lầm thuộc về những vì sao" thì có lẽ vua Duy Tân có thể chống Pháp thành công, làm thay đổi lịch sử Việt Nam cận đại. Được biết, sau khi đăng cơ, Duy Tân miệt mài học tập để am hiểu nhiều lĩnh vực như tiếng Pháp, triết học, chính trị học, luật lệ, triều chính... Ông sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn tranh, và tiếp thu kiến thức văn hóa, thành tựu của phương Tây. Giáo sư Ébérhard dạy ông Pháp văn, Triết, Chính trị học thường nói với các viên chức quanh mình: "Vị thiếu đế này sẽ là nhân vật không tầm thường".
Càng lớn ông càng có những lời nói, cử chỉ tỏ rõ ý chí chống Pháp. Trong sách Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn chép: Hàng năm nhà vua và hoàng mẫu đều nghỉ mát ở cửa Tùng. Những ngày nắng đẹp, vua ra bãi biển tắm, sau đó chơi trò xây lâu đài cát. Một lần vua xây dựng xong thành lũy, quan thị vệ bưng chậu nước tới cho vua rửa tay. Vua Duy Tân chỉ vào thành lũy nhìn viên thị vệ hỏi: "Tay nhớp dùng nước rửa, thế nước nhớp thì lấy gì rửa"? Viên quan thị vệ hiểu ý nên không dám thốt ra lời nào, chỉ ấp úng. Vua Duy Tân liền nói "Nước nhớp thì chỉ có cách lấy máu rửa mà thôi".
Một lần khác, quan Thượng thư Nguyễn Hữu Bài mời vua đi câu. Trong khi chờ cá nuốt mồi, không hiểu lưỡi câu của vua Duy Tân vướng vào vật gì mà mắc kẹt không lên được. Nhân đó, vua làm vế đối: "Ngồi trên nước không ngăn được nước/ Trót buông câu đã lỡ phải lần". Câu đối ngụ ý: Ta tuy ngồi trên ngôi nhưng phải phó mặc đất nước trong bàn tay cai trị của thực dân Pháp, lỡ làm vua thì phải tìm cách cứu dân cứu nước. Nguyễn Hữu Bài rất cảm kích tấm lòng của vua nhưng cho rằng, lực bất tòng tâm, hiện triều đình yếu thế, chưa thể xoay chuyển. Ông cũng ngụ ý mình qua đối: "Ngẫm sự đời mà ngán cho đời/ Đành nhắm mắt đến đâu hay đó". Vua Duy Tân nghe vậy rất lấy làm buồn.
Tuy nhiên, vua Duy Tân chưa bao giờ thôi nghĩ về hoàn bão độc lập tự cường. Vào năm 16 tuổi, nhà vua bắt đầu móc nối với một số chí sĩ yêu nước ngoài triều đình (do đa số triều đình này đều theo Pháp). Được Phan Hữu Khánh - tài xế riêng của mình, làm trung gian (thực ra Phan Hữu Khánh là do Việt Nam Quang Phục Hội cài vào), Duy Tân đã liên kết được với Việt Nam Quang Phục Hội - tổ chức chống Pháp do Phan Bội Châu thành lập. Ngay sau đó, vua Duy Tân được Việt Nam Quang Phục Hội bầu làm minh chủ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ Pháp ở kinh đô Huế.
Trong khoảng thời gian đó, Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Pháp dồn sức trong cuộc chiến với Đức, Italia. Chính quyền Pháp ở Đông Dương không những yếu thế (về quân lực do dồn quân cho mẫu quốc, về cả mặt chính trị khi mẫu quốc bận rộn hơn khó tiếp viện cho chính quyền viễn đông), cùng với đó, lính Việt ở Đông Dương cũng được trang bị khí giới để Pháp đưa sang Châu Âu chinh chiến (lính tùng chinh). Vua Duy Tân biết rằng, đây cơ hội đã chín muồi, có thể lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương.
Kế hoạch của vua Duy Tân là cách thành viên Việt Nam Quang Phục Hội sẽ gửi mật thư vận động lính khố đỏ, khố xanh tùng chinh, dùng súng được Pháp trang bị để tấn công vào các đồn điền. Cùng lúc đó, vua sẽ thân chinh xuất quân từ kinh thành Huế, thống lĩnh lực lượng đánh chiếm Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi từ từ lan ra các tỉnh khác.
Kế hoạch gần như hoàn hảo, chỉ còn đợi ngày hành động. Thế nhưng, trước 2 ngày, kế hoạch bị bại lộ. Một lính khố xanh tham gia nổi dậy tên Võ An, có em trai là lính khố đỏ trong đồn Pháp, sợ em bị nguy hiểm nên đã báo cho em là đêm đó xin nghỉ.
Em trai Võ An xin nghỉ, khi bị đội trưởng hỏi vì sao nghỉ thì hồn nhiên kể rằng anh trai bảo vậy. Sinh nghi, tên đội trưởng báo cho mật thám Pháp bắt An tra khảo. Không chịu được các cực hình của Pháp, An đã phải khai ra kế hoạch và đêm hành động.
Kết quả là ngay sau đó, quân Pháp thu hết binh khí súng ống từ lính tùng chinh, cấm trại và theo dõi gắt gao lính người Việt, đồng thời đem quân bố giáp, truy đuổi vua Duy Tân.
Khởi nghĩa thất bại, vua Duy Tân bị bắt, may sao có 2 vị đại thần đứng ra nhận hết tội nên chỉ bị xử là con non trẻ, bị phản nghịch lôi kéo. Người Pháp tìm cách chiêu an vua Duy Tân, nói rằng, nếu ông quy thuận, không chống trả thì cho tiếp tục làm vua. Nhưng Duy Tân đanh thép trả lời, chỉ làm vua khi Pháp tuân thủ hòa ước Patenôtre (1884), giải tán Hội đồng phụ chính (hội đồng tay sai của Pháp để giám sát, điều khiển vua) và không được quyền đưa ra những hành động thuộc quyền quyết định của vua. Dĩ nhiên, Pháp từ chối, Duy Tân bị đi đày ở đảo Réunion ở Châu Phi.
Tưởng như mọi thứ đã chấm dứt như cách Hàm Nghi bị đày, vua Duy Tân tại đây vẫn nung nấu ý chí giải phóng quê nhà. Sự cấp tiến của Duy Tân thể hiện ở việc ông ghét chính quyền Pháp nhưng cũng học hỏi người Pháp (giống Nguyễn Ái Quốc làm sau này). Tại chốn lưu đày, ông tìm hiểu kỹ thuật khoa học và quân sự phương Tây. Ông đặc biệt yêu thích vô tuyến điện và công việc này đã giúp ông mưu sinh.
Theo một bài báo ở đảo Réunion, cựu hoàng trở thành chuyên gia "tháo ráp một cái máy vô tuyến cũng dễ dàng như đọc một bài diễn văn với một ngôn ngữ tuyệt hảo, để trình bày nguyên tắc của môn khoa học mà ngài đam mê" trong điều kiện thiết bị nguyên liệu thiếu thốn.
Cũng trong thời gian lưu đày, nhiều lần vua Duy Tân muốn tham gia quân đội Pháp nhưng đều bị từ chối vì được cho là khó mua chuộc, lập mưu đồ rời khỏi đảo để tái lập ngôi báu. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, nước Pháp phải đương đầu với Đức quốc xã. Tướng De Gaulle kêu gọi kháng chiến. Duy Tân gia nhập quân đội và đến năm 1945 được thăng đến cấp thiếu tá. Sau đó, De Gaulle ủng hộ cựu hoàng về Việt Nam tham gia chính sự.
Trước khi về nước, cựu hoàng đáp máy bay từ Pháp về đảo Réunion để thăm các con. Bà Fernande Antier, vợ Duy Tân kể lại: "Được tin cựu hoàng sẽ về thăm nhà, cả gia đình chúng tôi ngồi trông, nhưng sau đó không thấy ngài về. Chúng tôi đánh điện hỏi khắp các sân bay nằm trên đường bay từ Paris về Réunion. Đến chiều hôm sau, chúng tôi đau đớn nhận tin cựu hoàng tử nạn". Trên đường đến đảo, máy bay đã đâm vào một ngọn núi và rơi gần làng Bassako, thuộc phân khu M’Baiki, Cộng hòa Trung Phi. Hôm ấy là ngày 26/12/1945.
Thi thể vua Duy Tân được tìm thấy và an táng tại nghĩa trang công giáo M’Baiki. 42 năm sau, vào tháng 4/1987, hài cốt của ông được con cháu mang về Huế và an táng trong khu vực An Lăng, bên cạnh mộ vua cha Thành Thái.
Xem thêm: Vua Duy Tân cùng câu chuyện nạp phi 'độc nhất vô nhị' khiến nhiều người nể phục
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận