Tình anh em – Câu chuyện nhân văn cảm động
Qua câu chuyện của bố và chú tôi nhận ra rằng, chỉ cần mình đặt cái tôi xuống một chút thì mọi tổn thương trong các mối quan hệ đều được chữa lành và tình anh em cũng thế.
Đến giờ tôi mới thấu hiểu câu nói của người xưa “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” vì được tận mắt chứng kiến tình cảnh trong gia đình mình, khi bố tôi và em trai của bố, người tôi gọi là chú cãi nhau đến mức từ nhau luôn. Cả hai cãi nhau không phải vì kinh tế hay chia tài sản như nhiều gia đình khác….
Lúc cái nhà hương hỏa bán đi, bố tôi quyết định chia 7 – 3, bố tôi 3 phần, còn chú nhận 7 phần vì nói như bố: “Chú và mẹ sống chung trong nhà, mà chủ yếu là chú chăm mẹ nên chú xứng đáng được nhận phần nhiều hơn”. Sau khi bán nhà, chuyển tiền cho bố xong thì chú còn âm thầm mua cho tôi một chiếc xe SH.
Thế mà “sông có khúc, đời có lúc”, tình anh em chấm dứt chỉ vì một câu nói đùa của bố khiến chú hiểu lầm. Đang sống chung với gia đình chú liền bỏ đi, dọn ra thuê một căn chung cư ở ngoại thành. Bố và chú đã 2 năm đằng đẵng không nhìn mặt nhau. Cứ mỗi lần mẹ tôi nhắc đến tên chú là bố lại bực mình bỏ đi.

2 năm sau, bỗng một hôm bố tôi nhận được cú điện thoại từ cô bạn gái chú báo tin là chú bị ung thư dạ dày, theo lời bác sĩ nói thì chỉ còn sống tối đa được 2 tháng nữa thôi. Bố nghe xong thì loạng choạng không đứng vững, vội vàng gọi điện cho chú. Nhưng chú không nghe máy. Suốt cả ngày đó bố gọi hàng trăm cuộc điện thoại, nhưng không lần nào chú bốc máy. Có lẽ nỗi giận dữ vẫn âm ỉ cháy dù mầm sống đang dần rời xa chú.
Hết cách, bố gọi cho cô người yêu xin địa chỉ nơi chú nằm. Bố đến nơi, chú vừa nhìn thấy mặt bố thì lạnh lùng bảo: “Anh đi đi, tôi không muốn nhìn thấy mặt anh”. Bố tôi giận tím mặt vì thằng em cố chấp, ương bướng. Nhưng rồi tình thương, tình anh em máu mủ đã chiến thắng tất cả. Bố ở lại bệnh viện tìm bác sĩ nói chuyện. Vị bác sĩ buồn bã nói rằng tình hình bệnh của chú đang trở nặng, ung thư đã di căn không thể mổ cắt khối u được, chắc là chỉ sống được 2 tuần nữa thôi.
Vài ngày sau, bạn gái chú nhân lúc chú tỉnh lại đã nói: “Anh có biết là anh trai anh đã 3 ngày 3 đêm ở cùng anh, khóc hết nước mắt mong anh khỏe lại không”. Và chú tôi đã khóc, những giọt nước mắt chảy thành hàng dài trên gương mặt teo tóp, nhợt nhạt. Chú kêu bạn gái ra hành lang gọi bố vào. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, bố khóc, chú cũng khóc và thế gian này dường như chỉ còn hai sinh vật bé nhỏ yêu thương, vỗ về nhau.
Bố nghẹn ngào nói: “Anh chỉ sợ một điều duy nhất là không kịp làm hòa với em. Tất cả là lỗi của anh, là lỗi của anh…”.
Chú tôi thều thào, rõ là trong người đau đớn lắm: “Anh à, em đang chết nhưng em thấy mình là người hạnh phúc nhất vì có anh bên cạnh, như ngày nào mình còn bé… Anh, anh có nhớ những ngày mình sơ tán ở sông Nhuệ không, rồi ngày mình ra sông câu cá về nhà bị mẹ la, anh đã nhận hết lỗi về mình… Ôi! Em đã mãn nguyện rồi, em có thể nhắm mắt ra đi rồi”.
Vài ngày sau đó chú tôi mất. Bố đưa thi hài chú về quê, thuê thợ khắc tên tuổi lên tấm bia đá và trồng bên cạnh mộ chú những cây hồng bố mua từ Sapa về, loại cây mà chú yêu thích nhất. Thắp nén nhang cho chú, bố nói trong nghẹn ngào: “Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi tình yêu thắng hận thù. Nếu không phải vậy thì không còn là cuộc sống nữa. Các con nhớ mình mãi mãi là anh em với nhau. Hãy nhớ để sống không hối tiếc”.
Xem thêm: Sống chung với bố mẹ chồng – Câu chuyện đáng suy ngẫm
Tin liên quan
Sử Việt chỉ thừa nhận nhà Đinh có 2 vua, không bao gồm Đinh Liễn. Vậy, suốt quá trình nhà Đinh vận hành đất nước, Đinh Liễn rút cuộc đóng vai trò gì?
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi người vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng thì hôn nhân êm ấm, gia đình thịnh vượng.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nếu cha mẹ muốn con cái thành công thì nên làm 3 điều này, khổ nỗi 90% gia đình không áp dụng được.