Vì sao có nhiều người không mắc COVID-19 dù sống giữa thế giới F0?

Có rất nhiều người đăng tải trên mạng xã hội nói rằng, từng ăn, ngủ, sinh hoạt với F0 nhưng vẫn có kết quả test âm tính. Vì sao vậy?

Đỗ Thu Nga
10:03 05/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cô Phoebe Garrett (22 tuổi, sống tại Anh) tham gia một dự án nghiên cứu về dịch COVID-19 vào tháng 3/2021 khi các nhà nghiên cứu tìm ra cách khiến người tham gia nhiễm COVID-19. Những người tham gia thử nghiệm được nhỏ virus sống vào mũi và che kín lỗ mũi trong vòng vài giờ. Nhưng kết quả thật bất ngờ cô Phoebe không hề mắc bệnh.

“Chúng tôi trải qua một số vòng thử nghiệm sử dụng các phương pháp khác nhau như lấy dịch họng, lấy dịch mũi cũng như nhiều hình thức lấy dịch khác và xét nghiệm máu, nhưng tôi không xuất hiện các triệu chứng và không cho kết quả dương tính. Mẹ tôi cũng thường nói là các thành viên gia đình tôi không bao giờ bị cúm và tôi cho rằng có thể có nguyên do nào đó đằng sau việc này”, cô Phoebe nói.

Dù vậy, tới tháng 1/2022, cô Phoebe được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron, biến chủng có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, có tính kháng vaccine mạnh hơn các biến chủng virus SARS-CoV-2 khác. Cô có các triệu chứng nhẹ và đã bình phục.

Điều trớ trêu là Phoebe không bị lây nhiễm từ người thân, bạn bè hay phòng thí nghiệm. “Tôi không biết mắc bệnh từ đâu, có thể là ai đó trong dàn hợp xướng hoặc phòng gym”, cô tâm sự.

Trong thử nghiệm trên, 16 trong số 34 người thử nghiệm không xuất hiện triệu chứng COVID-19 sau khi được chủ động tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Một nửa số người tham gia chỉ có nồng độ virus SARS-CoV-2 thấp trong cơ thể trong một thời gian ngắn.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tại sao một số người không măc COVID-19 dù cố tình phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 như trong nghiên cứu trên.

Vi-sao-co-nhieu-nguoi-khong-mac-COVID-19-du-song-giua-the-gioi-F0
Phoebe Garrett không nhiễm Covid-19 dù bị nhỏ virus vào mũi

Có giả thuyết đưa ra là một số người có thể có gen đề kháng với virus SARS-CoV-2. Những loại gen có tính đề kháng này từng được ghi nhận ở một số người đối với các loại bệnh khác như HIV hay sốt rét.

Giáo sư Christopher Chiu, Đại học Imperial London, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Trong các phân tích trước đây với các loại virus khác, chúng tôi đã thấy phản ứng miễn dịch sớm ở mũi liên quan đến việc ngăn ngừa nhiễm bệnh".

“Mức độ của virus không tăng đủ cao để kích hoạt kháng thể, tế bào T hoặc các yếu tố gây viêm trong máu liên quan đến triệu chứng”.

Những nghiên cứu khác cũng ghi nhận có thể loại bỏ COVID-19 trong giai đoạn đầu. Vào đầu đại dịch, Tiến sĩ Leo Swadling tại Đại học London và các đồng nghiệp đã theo dõi một nhóm nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh, nhưng chưa bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính. Các xét nghiệm máu cho thấy khoảng 15% trong số họ có tế bào T phản ứng với SARS-CoV-2.

Có thể, các tế bào T ghi nhớ từ những lần nhiễm virus corona trước đó - gây ra cảm lạnh thông thường - đã phản ứng chéo với virus SARS-CoV-2 và bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19.

Một số ít người có thể có đề kháng với COVID-19 nhờ di truyền. Vào tháng 10, một nhóm nhà nghiên cứu đã phát động một cuộc tìm kiếm những người như vậy trên toàn cầu, với hy vọng xác định được các gen bảo vệ.

Giáo sư Andras Spaan, Đại học Rockefeller ở New York, cho biết: “Chúng tôi không tìm kiếm các biến thể gen thông thường cung cấp khả năng bảo vệ khiêm tốn chống lại sự lây nhiễm. Chúng tôi mong phát hiện những biến thể gen rất hiếm có khả năng bảo vệ hoàn toàn một người trước sự lây nhiễm”.

Họ đặc biệt quan tâm đến những người vẫn khỏe mạnh dù ở chung nhà, ngủ chung giường với người nhiễm COVID-19.

“Tôi đã nói chuyện với một phụ nữ lớn tuổi từ Hà Lan có chồng phải vào phòng cấp cứu vì nhiễm COVID-19. Bà ấy đã chăm sóc chồng suốt 1 tuần trước đó mà không hề đeo khẩu trang. Chúng tôi không thể giải thích tại sao bà ấy không nhiễm bệnh", Giáo sư Spaan nhớ lại.

Khả năng đề kháng như vậy cũng đã xuất hiện ở những người phơi nhiễm HIV, sốt rét và norovirus (virus gây nôn mửa mùa đông). Trong những trường hợp này, một số người có khiếm khuyết di truyền, thiếu thụ thể được mầm bệnh sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Do đó, họ không thể bị nhiễm bệnh.

Xác định được các gen như vậy có thể dẫn đến việc phát triển phương pháp điều trị mới cho COVID-19, giống như cách xác định các khiếm khuyết thụ thể CCR5 ở những người kháng HIV giúp tìm ra phương pháp điều trị HIV.

Dù vậy, Giáo sư Spaan cho rằng, phần lớn những người tránh được COVID-19 không có khả năng kháng bệnh về mặt di truyền. Điều này đồng nghĩa không có gì đảm bảo, cuối cùng họ sẽ không bị nhiễm bệnh.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định không có gì ngạc nhiên khi bạn không mắc bệnh dù môi trường xung quanh có nhiều nguy cơ.

Theo ông, nguyên nhân là hiệu quả của vaccine và tuân thủ tốt 5K. Việc lây nhiễm phụ thuộc vào mức độ (gần hay xa), thời gian, không gian tiếp xúc (thông thoáng hay phòng kín), người tiếp xúc có đeo khẩu trang hay không.

"Không phải cứ tiếp xúc F0 là sẽ bị nhiễm. Bản thân bạn chưa mắc bệnh là nhờ vaccine và 5K tốt, như vậy cần tiếp tục phát huy để bảo vệ bản thân, không nên có tâm lý chán nản hay chờ đến lượt mình mắc bệnh", PGS Nguyễn Việt Hùng nói.

(T/h Sputnik, Guardian)

Xem thêm: 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận