Chàng trai mồ côi Lê Thanh Truyền đánh bại nghịch cảnh: 10 tuổi gồng gánh cả gia đình, 25 tuổi hái trái ngọt đầu tiên

Sau 15 năm gồng gánh vừa đi học vừa đi làm vừa nuôi em trai bị trầm cảm, giờ Lê Thanh Truyền đã bắt đầu gặt hái được những trái ngọt đầu tiên...

Đỗ Thu Nga
09:38 15/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

10 tuổi trở thành lao động chính, gánh cuộc sống của cha và em trên vai

Kết thúc ca làm việc tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Lê Thanh Truyền (SN 1997, quê Quảng Ngãi) gửi vài dòng tin nhắn cho em trai. Truyền dặn em phải ăn uống đầy đủ, không được làm việc quá sức.

Dù em trai chỉ kém 1 tuổi nhưng suốt 15 năm qua, Truyền luôn yêu thương, quan tâm em theo lời dặn của cha. Để có cuộc sống tạm ổn, "đủ ăn đủ mặc" như hiện tại, Truyền đã phải trải qua một hành trình dài tự lập, vừa học vừa làm để nuôi em trai.

Được biết, khi truyền mới 2 tuổi, mẹ bỏ đi để lại Truyền và em trai tròn 2 tháng tuổi. Khi Truyền học lớp 6, cha mắc bệnh phong, sau đó tai biến và nằm một chỗ.

Trai-ngot-sau-15-nam-gong-ganh-nuoi-em-cua-Le-Thanh-Truyen
Lê Thanh Tuyền từng là 1 trong những sinh viên có hoàn cảnh "điển hình" của ĐH Y dược TP.HCM

Kể từ ấy, gánh nặng mưu sinh dồn lên vai cậu bé mới 10 tuổi. Khi Truyền lên lớp 11 thì cha qua đời, em phải cáng đáng mọi việc. 

Gia sản cha để lại cho 2 anh em Truyền là một căn nhà lụp xụp, 1 sào ruộng chỉ có thể trồng lúa, con bò, con heo và mấy con gà. Sáng nào Truyền cũng dậy sớm cho gia súc ăn rồi cho em đến trường. Chiều về lại tất bật đi cấy. Khi có thời gian rảnh thì đi làm gia sư.

Mùa hè đến, em đi phụ bán sách tại một cửa hàng trong thị trấn để có sách vở cho 2 anh em và thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Trai-ngot-sau-15-nam-gong-ganh-nuoi-em-cua-Le-Thanh-Truyen-0
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực trong học tập

Tuy cuộc sống cực khổ nhưng Truyền vẫn rất chăm chỉ học hành. Em luôn là học sinh tiên tiến và giỏi, được trường cử đi thi học sinh giỏi. Truyền đoạt giải nhì cấp tỉnh môn Sinh học năm lớp 9 và lớp 12, giải nhì cấp tỉnh máy tính bỏ túi.

Nhớ lại thời điểm ấy, Truyền bảo có lúc tuyệt vọng. Nhưng khi bình tâm lại, em không cho phép mình nhụt chí. Truyền vẫn nuôi mơ ước được đi học, phải vào đại học bởi chỉ có con đường này mới có thể lo cho mình và em trai.  

Nếu có hoài bão, sẽ có lối ra

Năm 2015, Truyền đạt 24,5 điểm và trúng tuyển vào ngành bác sĩ Y học Dự phòng của ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh. Em chia sẻ 2 lý do chính để quyết tâm theo ngành Y và cả 2 lý do này đều liên quan đến ba. “Ba từng tâm sự rằng ngày nhỏ ba mơ ước được làm bác sĩ nhưng vì chiến tranh nên không thực hiện được. Em muốn viết tiếp ước mơ của ba. Lý do thứ 2 là trước khi mất, ba em bị bệnh phong. Khi đó, mọi người chưa nhận thức rõ ràng về căn bệnh này nên em quyết tâm học y với mong muốn thay đổi nhận thức của mọi người về các căn bệnh và để chăm sóc sức khỏe cho những người thân yêu của mình”, Truyền tâm sự. 

Mang theo hoài bão vào TP.HCM, Truyền làm mọi công việc để trang trải học phí, sinh hoạt phí và gửi tiền về quê nuôi em ăn học. 9x từng đi dạy thêm, làm phục vụ tại trung tâm tiệc cưới, chạy xe ôm công nghệ, bán bánh dạo. Em cũng lên kế hoạch chi tiêu chi tiết để hạn chế những khoản chi không cần thiết.

Trai-ngot-sau-15-nam-gong-ganh-nuoi-em-cua-Le-Thanh-Truyen-8
Truyền tham gia hiến máu tình nguyện

Ngày Truyền học lên năm 2 cũng là lúc em trai bước vào năm nhất đại học tại TP.HCM. Mừng vì em trai có chí học hành nhưng 9x cũng không khỏi lo lắng, bởi từ đây, mọi chi phí sẽ đội lên gấp đôi. Em cố gắng kiếm thêm nhiều công việc để nuôi em trai.

“Ngày ấy, có một nhóm anh chị trong trường bán áo blouse. Mỗi lần sinh viên đi thực tập đều phải mua áo nên em xin vào nhóm để đi giao hàng. Sau này khi đã quen biết nhiều thầy cô, em xin tham gia lấy mẫu nghiên cứu khoa học…”, Truyền kể.

Khác với nhiều sinh viên khác, những ngày nghỉ hè, Truyền làm việc cật lực để kiếm tiền trang trải cuộc sống và tích lũy. Còn vào năm học, em quyết tâm học cật lực để xin học bổng. Nhờ thành tích tốt, Truyền nhận được nhiều học bổng của Thành Đoàn TP.HCM, cùng nhiều tổ chức khác. 

Không chỉ đi làm thêm, Truyền còn làm thủ tục vay ngân hàng theo tiêu chuẩn hộ nghèo, được 18 triệu đồng/năm. Riêng tài liệu học tập, ngoài những thứ bắt buộc phải mua thì em tận dụng mượn bạn bè, nhà trường, các anh chị khóa trên.

Trai-ngot-sau-15-nam-gong-ganh-nuoi-em-cua-Le-Thanh-Truyen-7
Truyền tham gia chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Nam sinh cũng dành thời gian tham gia các hoạt động như hiến máu tình nguyện, giúp đỡ những gia đình hoàn cảnh khó khăn,.…Truyền là  Chủ nhiệm CLB Sinh viên 5 tốt. Câu lạc bộ nhận sách cũ từ sinh viên khóa trước, là cơ hội để Truyền và những sinh viên nghèo tiếp cận.

Em từng chia sẻ, định hướng nghề nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Cùng bạn lên giảng đường” cho học sinh tại Trường THPT Số 1 Đức Phổ - ngôi trường cấp 3 mà em từng theo học. Ngoài ra, em cũng tham gia vào Mạng lưới Y học dự phòng trẻ Việt Nam (Young Preventive Medicine In Viet Nam) và đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch phụ trách khu vực miền Nam từ năm 2018 đến hiện tại.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM, nam sinh tham gia chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Em cũng từng đảm nhận công việc đưa thuốc kháng virus Molnupiravir tới tận nhà bệnh nhân, hướng dẫn cách sử dụng, điều trị, chăm sóc sức khoẻ và tinh thần.

Trai-ngot-sau-15-nam-gong-ganh-nuoi-em-cua-Le-Thanh-Truyen-6
Thanh Truyền nhận bằng Bác sĩ Y học Dự phòng

Vào tháng 11/2021, Truyền tốt nghiệp và nhận bằng bác sĩ Y học Dự phòng. Hiện em làm trải nghiệm (thử việc) để chứng minh năng lực tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.  Đây là bước tiền đề quan trọng trước khi bước vào vòng phỏng vấn và có cơ hội trúng tuyển, trở thành bác sĩ chính thức của bệnh viện.

Truyền còn mở cửa hàng thời trang y tế nhỏ mang tên YoungMed chuyên cung cấp áo blouse, khẩu trang, bộ đồ mổ... Em trai Truyền hiện cũng đi làm thêm và tự lo được cho bản thân.

Với Truyền, cuộc sống hiện tại chưa quá dư dả và còn phải phấn đấu rất nhiều, nhưng nó vẫn khiến em tự hào bởi suốt bao năm qua, em không bỏ cuộc, nỗ lực tiến về phía trước. Bây giờ là lúc em bắt đầu “hái quả ngọt”. Trong tương lai, Truyền tiếp tục vừa làm vừa học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn.

“Quan trọng hơn, em muốn giúp đỡ, chăm sóc những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn như em từng được nhận từ các mạnh thường quân khác”, Truyền tâm sự.

Xem thêm: Những tấm gương thầy giáo nghị lực phi thường vượt lên nghịch cảnh, truyền cảm hứng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận