Tình mẫu tử thiêng liêng phía sau những video của chàng trai chăm mẹ đột quỵ
Những video ghi lại khoảnh khắc con trai và người mẹ sa sút trí tuệ sau nhiều lần đột quỵ của anh Hữu Quang đã thu hút sự quan tâm hàng nghìn người.
Gần 3 năm nay, trưa nào Nguyễn Hữu Quang cũng từ chỗ làm về nhà đi chợ nấu cơm. Tối đến anh lại bàn giao công việc, giúp mẹ tắm rửa vệ sinh, đút cho bà ăn rồi uống thuốc. Những hôm trời mát mẻ, Quang thường cõng mẹ từ tầng 2 xuống tầng 1, đặt lên xe đẩy đưa bà đi dạo phố, hóng gió.
Mẹ anh Hữu Quang là bà Phạm Thị Minh (68 tuổi), bị sa sút trí tuệ và không đi lại được sau 3 lần đột quỵ.
"Đời người có hai lần làm trẻ con, đó là lúc ấu thơ và khi trái tính trái nết lúc về già. Giờ ở nhà, tôi cũng hay gọi mẹ là em bé", Hữu Quang, 28 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên nói.
Theo chia sẻ của anh Quang, bà Minh bị tai biến giữa tháng 5/2021, đúng thời điểm anh vừa mở thêm một trung tâm thẩm mỹ gần nhà. Bà Minh ngã gục ngoài đường, được hàng xóm phát hiện và cõng về. Khi bác sĩ thông báo cú ngã lần này chỉ là hệ quả của đợt tai biến trước. Nghe xong Quang bật khóc.
"Tôi thấy mình chưa làm tròn chữ hiếu vì không quan tâm đủ tới mẹ". Anh cũng cho rằng, gần đây mẹ mất ngủ triền miên vì lo lắng cho công việc kinh doanh của con trai út.
Ngày mẹ nhập viện, anh Quang lập tức bàn giao công việc tại trung tâm thẩm mỹ để dành thời gian chăm sóc mẹ. Nhà có 6 anh chị em, mọi người đều có gia đình, chỉ còn cậu út chưa kết hôn nên tình nguyện chăm chính, chỉ nhờ anh chị em hỗ trợ khi cần thiết. Trong 2 tuần mẹ nằm viên, anh Quang học chắc chăm sóc người già, từ chọn bỉm, xoa bóp bấm huyệt cho đến các phương pháp giúp người bệnh vận động.
Hiểu tâm lý mẹ ngại ngùng, ban đầu Quang chỉ giúp những việc bà Minh không thể tự làm như đi lại hay cầm nắm đồ vật. Sau này do sức khỏe mẹ ngày càng yếu, anh đảm nhiệm luôn việc thay bỉm, tắm rửa và vệ sinh cho bà.
Ngày bà Minh ra viện, Quang xin phép bố đón mẹ về ở cùng nơi làm việc để tự tay chăm sóc. Anh tận dụng thời gian rảnh để cùng mẹ vật lý trị liệu, luyện tập thể thao giúp chân tay bà cử động linh hoạt hơn. Bữa ăn hàng ngày cũng do Quang lên thực đơn, thêm nhiều rau xanh và vitamin thay cho thói quen ăn nhiều thịt như trước. Chính vì hầu hết thời gian dành cho mẹ nên trung tâm thẩm mỹ vừa mở thêm đành phải đóng cửa vì thiếu người quản lý.
Khi mẹ khỏe hơn, đi lại và tự chủ trong mọi việc, Quang lại đưa bà về ở cùng bố, mỗi ngày qua lại thăm nom. Nhưng sau vài tháng do sức khỏe ngày càng yếu, dần lười vận động và không nghe theo hướng dẫn của mọi người, bà Minh lại đột quỵ lần hai và đến giữa năm 2023 tiếp tục bị lần ba.
Sau ba lần đột quỵ, người mẹ bỗng thay đổi tính nết. Bà thích ra đường chơi, gặp chuyện không vừa ý là đập đầu vào tường ăn vạ. Ngoài vệ sinh cá nhân không thể tự chủ, việc ăn uống cũng trở nên khó khăn bởi thức ăn vừa đưa tới miệng đã phun ra ngoài.
"Giờ mẹ giống đứa trẻ 5 tuổi, vui thì vỗ tay, buồn lại khóc. Có thời điểm tôi phải ở bên 24/24h để tránh tai nạn có thể xảy ra với bà", Quang nói.
Sợ thuê giúp việc không được chăm sóc chu đáo, Quang đón cả mẹ và bố về ở cùng. Ban ngày, cậu con trai đi làm, trưa về nấu nướng và vệ sinh cho mẹ. Tối đến, dù bận rộn thế nào anh cũng tắm rửa rồi dỗ dành để mẹ ăn ngủ đúng giấc. Bị sa sút trí tuệ, bà Minh hay tỉnh dậy lúc nửa đêm, bởi vậy có ngày anh chỉ chợp mắt 2-3 tiếng, cân nặng sụt 7-8 kg chỉ sau một tháng.
Ngoài chăm người già vất vả, việc quản lý cửa hàng cũng phát sinh vô số vấn đề khiến nhiều lúc chàng trai rơi vào trầm cảm. Có ngày vì quá áp lực, Quang nhờ bố chăm mẹ rồi một mình phi xe máy đến bãi biển, hét thật to nhằm giải tỏa cảm xúc.
"Tôi vốn không chấp nhận bệnh tình của mẹ và nghĩ nếu mình cố gắng bà sẽ trở lại như xưa", Quang nói. Nhưng anh nhận ra, thời gian luôn tàn nhẫn khi ngày càng đẩy mẹ ra xa mong muốn của con cái.
Trong lúc bế tắc nhất, chàng trai nhận được lời khuyên của người cô cũng đang chăm sóc người nhà bị tai biến rằng, thay vì lo lắng liệu ngày mai người bệnh khỏe hơn không, tốt hơn hết là nên quên họ bị bệnh để chính bản thân mình được thanh thản. "Người thân là duy nhất, còn công việc có thể làm lại", người cô khuyên.
Quang tạm cất tham vọng mở thêm trung tâm thẩm mỹ như dự định trước đó mà cố gắng duy trì tốt hoạt động ở trung tâm đã có. Thời gian còn lại, anh dành chăm mẹ, chấp nhận bệnh tình của bà như một sự tất yếu mà không còn oán trách "sao ông trời lại bắt mẹ trở nên như vậy".
Chàng trai này cũng nhận ra, từ ngày chăm sóc mẹ, tính nóng nảy bốc đồng cố hữu đã giảm bớt. Thay vào đó, anh trở nên nhẹ nhàng, kiên nhẫn và hòa đồng hơn với mọi người, như cách thể hiện với mẹ hàng ngày.
Năm ngoái, nhiều lần thấy bà Minh ngủ gật trên xe lăn hay vỗ tay mỗi khi thích thú, Quang dùng điện thoại ghi lại, mong lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Sau này, anh lập riêng một kênh Tiktok chia sẻ hoạt động thường ngày của một bệnh nhân sa sút trí tuệ bởi đột quỵ.
Sau gần hai năm, kênh của Quang đã nhận được hàng trăm nghìn lượt yêu thích và hàng chục triệu lượt xem. Nhiều người bày tỏ, mỗi lần xem clip của hai mẹ con đều cảm nhận được sự ấm áp của tình mẫu tử.
"Hữu Quang là một cậu con trai hiếu thảo. Tình cảm mẹ con của họ thật đáng trân quý", một người nhận xét. Người khác chia sẻ: "Từ những clip của anh, tôi thêm hiểu về tuổi già và biết trân trọng, yêu thương bố mẹ mình hơn".
Những ngày chăm mẹ, không ít lần Quang tự nhủ nếu có cơ hội anh sẽ hỏi bà hồi trẻ từng tưởng tượng thế nào tới cuộc sống khi về già. Rồi lúc bệnh tật ập tới, bà muốn người nhà chăm sóc ra sao? Nhưng giờ chàng trai lại nghĩ, câu trả lời của mẹ dù thế nào cũng không còn quan trọng.
"Khi minh mẫn, mẹ luôn có nguyện vọng được ở với con út. Bởi vậy việc tôi chăm sóc mẹ chính là thực hiện mong muốn của bà". Quang nói và cho hay dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ nắm chặt tay mẹ, bởi anh tin mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua.
(Theo VnExpress)
Xem thêm: Trước khi học làm giàu, hãy học làm đứa con có hiếu - Câu chuyện nhân văn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận