Nghẹn ngào trước hoàn cảnh bi đát của cậu bé ngoan hiền còn bố mẹ mà như trẻ mồ côi
Sinh ra không biết mặt bố, mẹ lại dứt áo ra đi suốt mười mấy năm, Thư lớn lên trong tình yêu thương của bà ngoại. Giờ đây em muốn làm báo hiếu bà thì tai họa bất ngờ ập đến...
Nhắc đến đứa cháu ngoại Trần Quốc Thư (SN 2006), bà Huỳnh Vận (SN 1968) lại bật khóc. Gạt nước, bà Vận nói: "Nó ngoan lắm, mà sao số khổ quá".
Bà Vận tiếp tục kể, suốt 16 năm qua, Thư chưa từng thấy mặt cha. Bởi từ khi mẹ mang thai được 6 tháng, cha mẹ đã chia tay và từ đó đến nay, người cha này chưa từng tìm về thăm Thư.
Sau khi "đường ai nấy đi", con gái bà Vận ôm bụng bầu về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Đủ tháng, đủ ngày thì sinh ra Thư. Sau 2 tháng sinh con, từ giận chồng chuyển sang giận lây đứa con bé bỏng, mẹ để lại Thư cho bà Vận nuôi dưỡng, dứt áo ra đi suốt mười mấy năm nay.
"Vợ chồng tôi không biết chữ, cả đời chỉ có nghề đi biển mò nghêu, bắt chem chép đổi gạo ăn chứ có tài sản tích cóp gì đâu. Làng tôi lại xa chợ, đi lại khó khăn, nuôi nó cực ghê lắm", bà Vận kể.
Thương đứa cháu khổ từ trong trứng nước, bà Vận xay gạo ra nấu thành nước cháo bón cho cháu uống. Hôm nào chồng bà đi biển trúng, bán nghêu được tiền, mua gạo còn dư thì bà mua thêm hộp ngũ cốc pha loãng ra cho cháu bú... Hôm nào chẳng có thì lại xay gạo nấu thành nước cho cháu uống.
Từ nhỏ, Thư mắc bệnh hở van tim, sức khỏe yếu, gầy gò xanh xao, không làm được việc nặng. Nhưng vì nhà quá nghèo nên em chưa từng được đi thăm khám. Sau khi học hết lớp 5 trường làng thì nghỉ học, vì lên lớp 6 phải đi học xa nhà.
Bà Vận còn kể, Thư ngoan lắm, dù ốm yếu nhưng lúc nào cũng nghĩ đến bà. "Nó ngoan lắm, lúc nào đi đâu về nhà cũng ngoại ơi, ngoại ơi. 7 tuổi đã biết đi biển bắt chem chép, mò nghêu đem ra lộ bán góp tiền cho ngoại mua gạo ăn rồi…".
Thấy hoàn cảnh nhà mình quá khó khăn, Thư hỏi bạn bè đi làm ăn xa, biết ở thành phố có nhiều việc làm, có thể kiếm được tiền nên xin bạn đi cùng. Cậu chỉ mong đi làm có tiền sẽ tích kiệm, đem về nuôi bà ngoại già yếu.
Vào đầu tháng 5 (khi mới 15 tuổi), Thư gói ghém vài bộ quần áo cùng bạn lên TP.HCM xin học việc ở một xưởng may gia công, chủ nuôi ăn ở, mỗi tuần cho vài trăm nghìn tiền sinh học.
Thế nhưng mới học nghề được vài tháng thì TP.HCM thực hiện giãn cách do dịch bệnh bùng phát. Thư phải ở trong xưởng may suốt mấy tháng trời. Khi TP nới lỏng giãn cách thì Thư phát sốt, sốt liên miên, uống thuốc cũng không thuyên giảm. Đồng thời xuất hiện ho nhiều, không đứng dậy nổi, liên tục ngất... nên được chủ xưởng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TPHCM).
Về tình trạng sức khỏe sức khỏe của Thư, bác sĩ Nguyễn Minh Thế (bác sĩ điều trị cho em Trần Quốc Thư), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, khó thở, sưng đau khớp gối phải. Qua xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Thư nhiễm khuẩn huyết đường vào từ viêm phổi và màng phổi, viêm mủ khớp gối, viêm tuyến nước bọt trái, bán tắc tĩnh mạch cảnh trái, cơ thể suy kiệt...
Đặc biệt, chứng nhiễm khuẩn huyết có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, xảy ra chuyển biến nguy kịch rất nhanh, có khả năng tử vong nên phải nằm viện làm các xét nghiệm, chẩn đoán liên tục. Chứng nhiễm khuẩn huyết khiến bệnh nhân ăn uống suy giảm, dẫn đến cơ thể suy kiệt, cần phải bồi bổ, sử dụng thực phẩm chức năng cung cấp năng lượng cao, dùng đạm truyền tĩnh mạch để nuôi dưỡng cơ thể với chi phí cao...
Bác sĩ cho hay, để điều trị dứt điểm chứng bệnh này cần chế độ thuốc, kháng sinh và dinh dưỡng cao, để vận động người nhà mua thức ăn tốt, bổ sung dinh dưỡng năng lượng cao cho bệnh nhân nhưng rất khó vì gia cảnh bệnh nhân khó khăn.
Thêm nữa, Thư không có bảo hiểm y tế nên tiền thuốc gia đình phải tự chi trả. Dù bệnh nhân không có tiền đóng viện phí nhưng khi đã vào bệnh viện điều trị thì phía bệnh viện hết sức tận tâm cứu chữa. Song trăn trở nhất vẫn là chuyện ăn uống, thực phẩm sung cho em...
Bác sõ Thế cho biết, nếu bệnh tình của Thư tiến triển tốt, không xảy ra biến chứng thì sau 4,5 tuần điều trị sẽ ổn định và có thể xuất viện. Khi đó, bệnh nhân không cần thở oxy, khớp gối tạm ổn định, có thể về nhà để giảm chi phí.
Còn ở thời điểm hiện tại, Thư chưa thể xuất hiện, vẫn phải ở lại điều trị, bổ sung dinh dưỡng để phục hồi cơ thể, tập vật lý trị liệu nếu không sẽ có nguy cơ hạn chế vận động sau này.
Nghe bác sĩ nhắc đến viện phí và chế độ ăn uống cho cháu, bà Vận lại khóc nức nở. Bà nói, khi nhận được điện thoại của bạn Thư, bà vội vã đi vay mượn được 3 triệu. Đi xe hết 650.000 đồng, giờ trong túi chỉ còn hơn 2 triệu, chỉ dám dùng để ăn uống trong cả tháng trời nay.
Để có tiền chữa trị cho cháu, mỗi bữa bà Vận chỉ dám mua 1 phần cơm rẻ nhất là 42.000 đồng rồi xin cơm thêm, chờ Thư ăn xong còn thừa cô mới dám ăn. Những ngày chăm cháu ở viện với bà Vận là những ngày thiếu thốn và buồn tủi vô cùng.
Năm trên giường bệnh, thấy bà khóc, Thư cũng quay mặt vào tường rấm rứt khóc. Cậu bé thương bà, rồi thương cả thân mình. Cứ tưởng Sài Gòn là miền đất hứa, có thể đi làm gửi tiền về cho phụng dưỡng bà, ai ngờ...
Ở trong phòng bệnh, lâu lâu Thư lại quay ra hỏi bà ngoại: "Bao giờ con về cùng ngoại được ngoại ơi!...". Nghe cháu hỏi, bà Vận lại càng xót xa hơn, bà chẳng biết phải trả lời cháu ra sao...
Hiện tại, bà chái bà Vận đang vô cùng khó khăn, không có tiền trả viện phí, thuốc thang, tương lai của Thư đang rất mịt mờ... Rất mong sự giúp đỡ, cưu mang từ các mạnh thường quân.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Bà Huỳnh Vận (bà ngoại em Trần Quốc Thư)
Điện thoại: 0368 173 835 (gặp cô Vận, hoặc em Thư)
Địa chỉ: ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (hiện Thư đang điều trị tại Khoa Lao và bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175).
(Theo Tùng Nguyên/Dân trí)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận