Cô gái nghèo mắc K bị mẹ đẻ bỏ rơi từ lúc vừa lọt lòng và hành trình 270 ngày từ chối điều trị để sinh con
Khi biết mình mang thai, Tú Anh từ chối điều trị ung thư, giành giật sự sống với "tử thần" từng ngày với hi vọng nhìn thấy con chào đời khỏe mạnh.
Vừa lọt lòng bị mẹ bỏ rơi, 13 tuổi phát hiện mắc ung thư
Căn nhà nhỏ của mẹ con em Hồ Thị Tú Anh (20 tuổi, trú tại thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nằm khuất trong con ngõ quanh co, tịnh mịch. Nhưng khi vào đến sân lại nghe thấy tiếng trẻ khóc hòa lẫn với tiếng thều thào ru à ơi của người mẹ trẻ.
"Khoảng cách từ chỗ em đến chiếc võng nơi con gái nằm chỉ cách nhau vài ba bước chân thôi, mà sao với em bây giờ nó xa cách và khó khăn đến thế. Em muốn đến bên cạnh để ôm con vào lòng, dỗ dành, chơi đùa với con nhưng không còn sức nữa rồi.
Số em sao quá bất hạnh, vừa sinh ra đã bị mẹ bỏ rơi bên đường, 13 tuổi lại mắc bệnh ung thư. Em không biết mình còn sống được bao lâu nữa. Chỉ thương con mới 5 tháng tuổi đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Xin lỗi con vì phải làm con của một người bệnh tật như mẹ", Tú Anh nghẹn lời.
Đang loay hoay chuẩn bị bữa tối dưới bếp, nghe tiếng cháu ngoại khóc, bà Hồ Thị Châu (58 tuổi, mẹ nuôi của Tú Anh) vội vã lau tay vào vạt áo rồi bê bát cháo nghiền nhuyễn lên nhà đút cho cháu. Có lẽ vì đó quá mà cô bé Trương Thị Khánh Nhi (5 tháng tuổi, con gái Tú Anh) nằm yên trên giường, ăn một cách ngon lành. Ăn no, đứa trẻ lại ngủ gật gù trong vòng tay bà ngoại.
Theo Dân trí, Tú Anh mắc ung thư nên bé Khánh Nhi phải uống sữa ngoài. Hơn một tháng nay, không có tiền mua sữa thường xuyên, bà Châu ngậm ngùi chắt nước cơm, nấu cháo nghiền nhuyễn đút cho cháu.
Vừa cho cháu ăn, bà Châu vừa tâm sự: Bố là liệt sĩ. Năm bà lên 9 tuổi thì mẹ đi lấy chồng. Bà sống nay đây mai đó, khi ở với ông bà nội, khi ở với mẹ và dượng.
Năm 26 tuổi, bà Châu lập gia đình, cũng từng mang thai một lần như bị sảy. Khát khao được làm mẹ cháy bỏng, bà Châu chắt góp được đồng nào đều đổ vào điều trị hiếm muộn. Nhưng mong ước có mụn con mãi không thành hiện thực.
"Tôi còn nhớ, chiều 25/11/2003, trên đường vào trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thành phố Vinh điều trị hiếm muộn thì nghe tiếng trẻ con khóc bên đường. Tiến gần lại, tôi phát hiện bé sơ sinh bị bỏ rơi bên gốc cây cùng vài bộ quần áo. Tôi hô hoán mọi người xung quanh rồi bế đứa trẻ vào bệnh viện gần đó để chăm sóc", bà Châu nhớ lại.
Nghĩ duyên số cho mình gặp đứa trẻ bị bỏ rơi, bà Châu tha thiết xin và làm thủ tục nhận nuôi con. Cũng từ đó, Tú Anh trở thành con gái của bà Châu.
Khi Tú Anh mới được 6 tháng tuổi thì vợ chồng bà Châu ly hôn. Người chồng sau đó lập gia đình mới. Hai mẹ con bà Châu nương tựa vào nhau mà sống. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng bà Châu luôn coi Tú Anh như con ruột.
Năm Tú Anh 13 tuổi thì phát hiện có một khối u như quả trứng gà ở phía sau lưng. Bà Châu vội vã đưa con đi khám thì như sét đánh ngang tai, bác sĩ nói con mắc ung thư phần mềm. Tú Anh đành phải gác chuyện học hành để bước vào những tháng ngày điều trị, chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống.
"Là đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng Tú Anh rất thông minh và hiểu chuyện. Khi phát hiện mắc bệnh, Tú Anh gào khóc, nắm lấy tay tôi cầu xin "Mẹ đừng bỏ con mẹ nhé". Tôi ôm con ra Hà Nội điều trị. Căn bệnh sau đó đã di căn qua cột sống. Tôi vay mượn khắp nơi mới đủ 130 triệu đồng thay cột sống cho con. Cứ vậy, nhiều năm qua cuộc sống của mẹ con tôi là những tháng ngày bám bệnh viện", bà Châu kể.
Từ chối điều trị ung thư để sinh con
Căn bệnh quái ác khiến Tú Anh gầy rộc, chẳng còn sức sống. Nhưng với sự chăm sóc tận tình của mẹ, Tú Anh có niềm tin hơn trong cuộc sống.
Khi nhắc đến việc mang thai sinh con lúc đang mắc bệnh, Tú Anh thều thào kể: 2 năm trước, qua một vài người bạn, em gặp gỡ và quen biết anh Trương Văn L. (22 tuổi, người làng bên). Cảm thông hoàn cảnh của Tú Anh, hai người dần thân thiết, nảy sinh tình cảm với nhau.
"Vì sức khỏe của con rất yếu, sợ chúng vượt quá giới hạn sẽ để lại hậu quả khó lường, tôi cũng đã can ngăn, khuyên các cháu giữ khoảng cách với nhau. Nhưng rồi điều tôi lo ngại nhất cũng đến, con gái tôi đã mang thai, khi phát hiện thì cái thai cũng 3 tháng tuổi", bà Châu kể.
Khi đưa Tú Anh đi khám, bác sĩ nói, sức khỏe em rất yếu, bệnh đã di căn nếu mang thai sẽ đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con. Thương con, bà Châu nhiều lần khuyên bỏ đứa bé để tiếp tục điều trị. Nhưng Tú Anh không chịu, cầu xin bằng mọi giá phải giữ lại đứa bé.
"Em muốn làm mẹ. Em muốn sau này con em sẽ thay em làm chỗ dựa cho mẹ. Mẹ đã vì em mà khổ cả cuộc đời rồi. Mẹ chỉ có em là chỗ dựa duy nhất. Em mà chết rồi mẹ sẽ rất cô đơn. Đây là điều duy nhất em có thể làm cho mẹ", Tú Anh nói.
Từ ngày biết mình mang thai, Tú Anh từ chối các phác đồ điều trị với mong muốn con sẽ chào đời một cách khỏe mạnh. 5 tháng đầu mang thai, Tú Anh bị những cơn đau hành hạ nhưng em không uống thuốc giảm đau, cắn răng chịu đựng. Sang tháng thứ 6, bác sĩ phát hiện bệnh lại di căn, có một khối u ở thận. Vì cơn đau liên tục em được chuyển vào bệnh viện tuyến tỉnh theo dõi.
Thai được 29 tuần, bác sĩ khuyên nên phẫu thuật nuôi thai nhi trong lồng kính nếu không sẽ rất nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con. Thế nhưng, sợ con sinh non sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, Tú Anh xin được giữ con trong bụng thêm ngày nào cứng cáp ngày đó.
"Nhiều hôm không còn sức để ăn cơm, uống sữa, lo sợ cái chết cận kề, Tú Anh nhờ mẹ mua cháo rồi nghiền loãng để uống. Có những đêm, cơn đau hành hạ khiến con thức trắng, đôi tay bấm chặt vào thành giường bệnh như để gồng mình chống chọi nhưng không một lời than khóc, kiên cường đến mức khiến tôi lo sợ.
Đến ngày thứ 273 (9 tháng 3 ngày), không còn sức chịu đựng nữa, con mới chấp nhận phẫu thuật. Trước khi lên bàn mổ, bác sĩ gọi tôi vào khuyên nên chuẩn bị tinh thần vì rủi ro đến 80%. Tôi chết lặng khi bác sĩ nói nguy cơ 2 mẹ con tử vong trên bàn mổ là rất cao vì khối u ở thận đã quá lớn, sợ vỡ", bà Châu kể.
Nhưng phép màu đã xảy ra, bé Khánh Nhi chào đời khỏe mạnh, nặng 2,9kg. Bằng tình yêu con vô bờ bến, Tú Anh cũng dần vượt qua nguy kịch, tỉnh lại để gặp con.
Sinh con được 18 ngày thì khối u ở thận của Tú Anh bị vỡ. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật gấp nhưng khuyên gia đình chuẩn bị tâm lý vì không còn hy vọng. Một tuần sau ngày phẫu thuật, Tú Anh được trả về cho gia đình chuẩn bị lo hậu sự vì không còn khả năng cứu chữa. Nhưng rồi phép màu một lần nữa xảy ra, Tú Anh dần tỉnh lại, phục hồi sức khỏe.
Nỗi lo của người mẹ trẻ
Khánh Nhi chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt, lại không được bú sữa mẹ, nhưng con rất ngoan. 5 tháng tuổi, Khánh Nhi nặng 6kg, ăn ngoan, ngủ giỏi.
Còn Tú Anh, tuy đã thoát khỏi nguy kịch để trở về bên con gái nhưng bệnh tật hành hạ khiến sức khỏe em rất yếu. Tuy không thể bế con nhưng hàng ngày, Tú Anh vẫn ngồi cạnh trò chuyện, dỗ dành.
Mọi sinh hoạt của hai mẹ con Tú Anh đều dựa vào bà Châu. Vì thương con, thương cháu, ngày nào bà Châu cũng thức khuya dậy sớm để chăm sóc, lo lắng miếng ăn cái mặc, thuốc thang.
Nhưng ngặt nỗi, gia đình không có lao động chính, cộng thêm con gái mắc bệnh, cháu còn quá nhỏ nên kinh tế ngày càng eo hẹp. Mỗi tháng chỉ riêng tiền sữa của Nhi đã hết gần 5 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc của Tú Anh, tiền sinh hoạt phí... Suốt 7 năm qua, tiền điều trị cho con, bà Châu phải vay mượn khắp nơi, số nợ đã lên trên 400 triệu đồng.
Đến nay, bà Châu cũng chẳng thể đi làm. Đêm đến, khi con và cháu ngủ thì mới tranh thủ đi bắt cá cho một xưởng chế biến thức ăn gia súc trên địa bàn. Mỗi giờ bà nhận được 30.000 đồng tiền công. MỖi đêm may mắn lắm bà làm được 2 - 3 tiếng, kiếm được 60.000-90.000 đồng, mua thức ăn, sữa cho con, cháu.
Mới đây, Tú Anh đi tái khám, bác sĩ nói buồng trứng của em xuất hiện khối u và khuyên nhập viện điều trị. Nghĩ đến mẹ già, con thơ, nợ nần chồng chất, Tú Anh từ chối nhập viện, dành tiền mua sữa cho con.
Trong câu chuyện của mình, Tú Anh không nhắc đến bố đứa trẻ nhưng khi được hỏi, em chia sẻ bằng lòng biết ơn. Em nói, suốt thời gian mang thai, bạn trai thường xuyên đến quan tâm, chăm sóc. Khi con chào đời, hai người đã đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho con.
"Nhà anh ấy khó khăn lắm, bố mẹ cũng già yếu cả rồi. Anh ấy không có việc làm ổn định, đi phụ hồ nay đây, mai đó. Thi thoảng anh ấy cũng có gửi tiền về mua cho con hộp sữa là em mừng và an ủi lắm rồi. Em không đòi hỏi gì cả mà vẫn thầm biết ơn anh ấy vì dù ở xa nhưng hàng ngày vẫn luôn điện thoại về động viên mẹ con em", Tú Anh chia sẻ.
Còn khi nhắc đến mẹ Châu, Tú Anh trùng loại, em nói: "Em nợ mẹ cả cuộc đời này. Dù không là máu mủ nhưng mẹ chăm sóc em hơn cả ruột thịt. Vậy mà em chưa một ngày báo đáp, lại trở thành gánh nặng cho mẹ. Chỉ hi vọng sau này con em lớn sẽ thay em bên cạnh mẹ.
Vất vả, đau đớn em không sợ, em chỉ sợ chết. Nhìn mẹ già, con thơ thế này, em làm sao nhắm mắt được đây. Mong mọi người rủ lòng thương cứu giúp, cho em cơ hội tiếp tục điều trị để được sống bên con thêm một thời gian nữa", Tú Anh khẩn cầu.
Ông Hồ Hữu Yên, Trưởng thôn Nghĩa Bắc (xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, cuộc sống của mẹ con bà Châu trông chờ vào nghề muối. Từ khi Tú Anh mắc bệnh hiểm nghèo, bà Châu vừa lo chăm con rồi nuôi cháu, cuộc sống lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.
"Khổ thân, bà Châu không có con, được một đứa con nuôi, ai cũng mong sau này bà ấy có chỗ dựa. Nào ngờ, con bệnh, cháu thơ, bà Châu thêm gánh nặng. Địa phương, bà con lối xóm cũng hỗ trợ, giúp đỡ nhưng chỉ được phần nhỏ. Cuộc sống của 3 mẹ con, bà cháu lúc này đang rất cần sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm", ông Yên chia sẻ.
Về phần bà Châu, cả cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi, gánh nặng nợ nần, về già cũng chỉ mong có sức khỏe để rau cháo nuôi con, chăm cháu... Nhưng hiện tại, thật sự mẹ con bà cháu bà Châu đã rơi vào bĩ cực, rất cần cộng đồng giúp đỡ...
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Bà Hồ Thị Châu
Địa chỉ: Thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
ĐT: 0364.792.098 bà Châu.
Hoặc qua STK của bà Hồ Thị Châu (mẹ nuôi Tú Anh): 3604205108132, ngân hàng Agribank.
(Theo Dân trí)
Xem thêm: Đau thương chất chống, nam sinh mồ côi không dám mơ vào Đại học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận