Thơ là gì và ở đâu?

Thơ là gì và ở đâu? - "Thơ như một chất lân tinh luôn theo những kẽ tay chảy ra khỏi sự trìu níu".

Đỗ Thu Nga
15:00 09/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

01

“Người ta, bằng tất cả những cách có thể, đã cố gắng định nghĩa thơ; nhưng thơ như một chất lân tinh luôn theo những kẽ tay chảy ra khỏi sự trì níu, càng cố nắm chặt thì nó càng dễ biến mất. Thơ, vì thế, đã luôn ở trong một tình trạng lưỡng thê: vừa thân thuộc vừa xa lạ, vừa hiền lành vừa nổi loạn, vừa bếp bênh vừa vững chãi… Đó là một tình thế hóc búa của thơ, cũng là một thách thức của đời sống”.

02

“Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thơ là gì?” nhiều khi còn khó khăn hơn cả việc làm thơ, cũng giống như việc định nghĩa cuộc sống thường nguy khốn hơn là chính sự sống. Nhưng không phải vì thế mà nhân loại bó tay thúc thủ. Người ta đã dùng đủ mọi phương cách để chắt ra cái tinh cốt của thơ, bằng chứng là cơ man lí thuyết văn học cứ nối/gối nhau ra đời”.

03

“Cuộc tranh cãi của thơ và về thơ chưa bao giờ ngớt. Điều ấy vốn không phải là cái gì nguy hại hay cần phải chấm dứt. Cái hệ trọng lại nằm ở chỗ phải tìm ra sự tương sinh giữa thơ và cuộc đời. Nhưng không phải bằng những giáo điều hay những sự cưỡng bức gồng gánh thiên chức to tát kiểu “vị nhân sinh” thô sơ chán nhàm. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực thì phải xa lạ với những thứ vị lợi hữu dụng mưu toan phi nghệ thuật”.

04

“Thơ đã đi từ có vần đến không vần, từ khuôn khổ đến không khuôn khổ, từ “sự bùng nổ của cảm xúc” đến sự lạnh tanh của ngôn từ, từ “hiện thực” đến hoang đường, từ trăng hoa tuyết nguyệt đến bẩn bã uế thải, từ đạo đức đến vô luân… “Biên giới để tách tác phẩm thi ca với cái không phải thi ca còn không ổn định hơn cả biên giới những khu vực hành chính của nước Trung Hoa” (Jakovson)”.

tho-la-gi-va-o-dau-8

05

“Thế giới chìm đi, và con người chìm đi giữa một cuộc đời nổi váng của những giáo điều. Chính ở chỗ này mà thơ sống dậy như một vị cứu tinh. Và người ta gọi đó là tính thơ/ chất thơ…”.

06

“Như thế, ở đâu có sáng tạo lấy ngôn từ làm mục đích tự thân, ở đó có thơ. Một văn bản được cấu trúc cho hàng loạt từ ngữ và câu nói đột hiện một cách khác lạ, và gây nên những xáo trộn của tri kiến và hiện sinh người, đó là một bài thơ. Như thế, thơ chống lại sự han rỉ, chống lại cái chết của giác quan người; thơ làm mất ngủ và đẩy con người vào một thế giới khác - cái thế giới mà họ chưa từng sống”.

07

“Thơ là một sự làm mới từ ngữ, từ đó mà làm mới con người, làm mới cuộc sống. Chúng ta sống trong ngôn ngữ (chứ không phải trong thực tại), và như thế chúng ta sẽ chết theo ngôn ngữ nếu nó không được hồi sinh bằng những con đường đặc thù. Không phải tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, hay nghị luận mà phải là thơ mới có thể đảm nhiệm được sứ mệnh phục sinh thiêng liêng ấy”.

08

“Sáng tạo, như vậy, suy cho cùng, không phải là làm ra một cái gì đó mới và khác. Sáng tạo là trả lại sự trinh bạch và ánh nhìn ngạc nhiên cho con người về thế giới bằng cách chặt đứt những xiềng xích mặc định của tư duy và cái nhìn. Và ở đây, không có gì có thể thay thế thơ”.

09

“Nghệ thuật, xét một cách sâu xa, là thành tựu kết tinh của cả một cộng đồng mà cá nhân kiệt xuất là người đại diện. Thơ là một sự tiếp nối miên viễn. Thơ chối từ sự “lại giống”. Tiền nhân đã phải trả giá cho những bước đi trên đá và mảnh chai lịch sử để làm nên tiếng nói chuyên chở đời sống và tâm hồn Việt. Chúng ta cần bắt đầu từ chỗ các bậc anh hoa đã dừng lại mà bước tiếp. Chỉ khi ấy, “thế giới mới một lần nữa được tạo lập” (Marcel Proust)”.

Xem thêm: Hình tượng văn học trong một số tác phẩm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận