Phạm Cự Lượng đề xuất đưa Lê Hoàn lên ngôi: Có công hay có tội?
Sử gia đương thời cho rằng, hành vi suy tôn Lê Hoàn lên ngôi của Lượng là "bất trung", là "tôn thờ 2 chúa". Nhưng hậu thế giờ đã có cái cái nhìn công bằng, chính xác hơn về việc làm của ông.
Phạm Cự Lượng là ai?
Phạm Cự Lượng (hay còn được gọi là Phạm Cư Lạng, 944 - 984) là danh tướng đời Đinh Tiên Hoàng và được Lê Đại Hành phong đến chức Thái úy. Ông đóng vai trò rất quan trọng trong binh biến đưa Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế và Chiến tranh Việt - Tống năm 981.
Phạm Cự Lạng được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.
Nói về thân thế của ông, theo Wiki: Phạm Cự Lạng sinh ngày 20/11 năm Giáp Thìn (tức 8/12/944), người làng Trà Hương, Khúc Giang (nay là Nam Sách, Hải Dương), trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông nội là Phạm Lệnh Công, giữ chức Đông giáp tướng quân đời Ngô Quyền. Cha là Phạm Mạn, làm tham chính đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương (Xương Văn), mẹ là Trần Thị Hồng. Ông bà có 8 người con, 5 trai, 3 gái đều hiển đạt.
Sử chép, năm 931, Dương Đình Nghệ từ Ái Châu (Thánh Hóa ngày nay) kéo quân tiến đánh thành Đại La (sau đổi là thành Thăng Long), quân Nam Hán thua phải chạy về nước. Dương Đình Nghệ khôi phục lại giang sơn, xưng là Tiết Độ sứ, giao cho các tướng lĩnh trấn giữ các nơi. Trong đó có Phạm Lệnh Công là 1 tướng tài.
Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ nhằm mưu phản, đóng quân ở Đại La. Phạm Lệnh Công theo Ngô Quyền tiên đánh thành Đại La, tiêu diệt phản tặc. Đồng thời cũng tham dự cuộc chiến sông Bạch Đằng tiêu diệt quân Nam Hán, mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc.
Khi đất nước bình yên, Ngô Quyền cho Phạm Lệnh Công chức Đông Giáp tướng quân coi quản vùng đất phía Đông. Con trai ông là Phạm Bạch Hổ là 1 trong 12 sứ quân, sau này quy phục Đinh Tiên HOàng. Một người khác là Phạm Mạn làm Tham chính dưới thời Nam Tấn Vương Ngô Văn Xương.
Và như đã nói, Phạm Mạn có con trai là Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng. Ngay từ khi còn nhỏ, Cự Lượng đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu tỏ.
Lớn lên dưới thời loạn 12 sứ quân, hai anh em thường dùng tiền mua ngựa tốt, luyện quân. Sau đó, hai anh em cùng 2000 binh mã đến đầu quân cho Đinh Bộ Lĩnh.
Dẹp loạn 12 sứ quân xong, năm 968, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng trở thành tướng tâm phúc của vua. Phạm Hạp được phong làm Vệ úy, còn Phạm Cự Lượng được phong làm Thị vệ quan.
Hai anh em không chung đường
Năm 979, triều đình xảy ra biến động lớn, cả Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị sát hại. Triều đình liền đưa Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua, Dương Vân Nga làm Thái hậu.
Vì vua còn nhỏ nên Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính, xưng là Phó Vương. Song những vị quan trụ cột vốn là bạn thân với Đinh Tiên Hoàng từ nhỏ là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú cho rằng, Lê Hoàn gây bất lợi cho vua nhỏ, có thể cướp ngôi, nên khởi binh chống lại.
Nội bộ Đại Cồ Việt rối bời, anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng cũng vì thế mà chia hai đường. Phạm Hạp trung thành với nhà Đinh, còn Phạm Cự Lượng ủng hộ Lê Hoàn.
Thấy Đại Cồ Việt chính sự rối ren, Hầu Nhân Bảo dâng thư lên báo vua Tống rằng: "An Nam Quận Vương cùng với con là Liễn đều bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy. Nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lỡ mất cơ hội. Xin cho đến cửa khuyết để tâu Bày trực tiếp tình trạng có thể đánh lấy được”.
Vua Tống sai chạy trạm đến gọi Nhân Bảo. Lư Đa Tốn nói: “An Nam bên trong rối loạn, đó là lúc trời làm mất, triều đình nên bất ngờ đem quân sang đánh úp, như người ta nói: Sét đánh không kịp bịt tai. Nếu trước gọi Nhân Bảo về, mưu ấy ắt bị lộ, kẻ kia nhờ đó biết được, sẽ dựa núi ngăn mà phòng bị, cái thế thắng thua chưa biết thế nào” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Vua Tống cho là phải liền cấp tốc chuẩn bị quân tiến đánh Đại Cồ Việt. Trấn thủ Lạng châu vội cấp báo về cho Triều đình. Đứng trước nạn xâm lăng, năm 979, Lê Hoàn chủ động đánh tan nhóm phản đối.
Phạm Hạp bị bắt về kinh. Không muốn anh bị chết, Phạm Cự Lượng đã xin đi thuyết phục. Song Phạm Hạp trước sau trung thành với nhà Đinh, thà chết không hàng.
Dòng họ Phạm có ghi lại lời đáp của Phạm Hạp với em mình như sau: “Anh làm thì anh chịu chứ chú năn nỉ ai làm gì? Chúng ta nhờ theo họ Đinh mà nên danh nên phận, họ Đinh đã bao giờ ăn ở bạc bẽo với chúng ta đâu? Ta nỡ nào tiếp tay cho bọn gian cướp đoạt cơ nghiệp của họ Đinh? Chú cứ suy nghĩ cho kỹ đi! Nếu chú quyết chọn con đường ấy thì hãy để anh chết cho tròn danh tiết chứ anh không muốn họ Phạm ta bị mang tiếng phản bội cả dòng!”
Cả Phạm Hạp và nhóm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ đều bị chết, đây là một cuộc nội chiến bi hùng. Sử sách và dân gian đều ca ngợi những người trung thành với nhà Đinh.
Sau khi thống nhất nội bộ, Lê Hoàn không "nhổ cỏ tận gốc" mà trọng dụng gia quyến những vị đại thần này. Chính con trai của Nguyễn Bặc là Nguyễn Đê được cử làm tướng, sau phong làm Hữu Điện tiền chỉ huy sứ.
Phạm Cự Lượng cũng được Lê Hoàn rất tin dùng. Thái hậu Dương Vân Nga phong cho ông làm đại tướng quân.
Tầm nhìn xa của Phạm Cự Lượng
Nhà Tống nhân lúc Đại Cồ Việt rối ren liền nảy ý đồ đánh chiếm, sai quan trấn thủ Ung Châu Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn, Triệu Phụng Huân, đem quan theo hai đường thủy bộ vào xâm lược. Tình thế nước Đại Cồ Việt vô cùng nguy cấp.
Đến tháng 7/980, Thái hậu Dương vân Nga phong Phạm Cự Lượng làm Đại tướng tiên phong đem quân đi chống giặc. Trước lúc tiến quân, Phạm Cự Lượng hội quân sĩ ở cửa Đào Lâm (nay là thôn Đào Lâm, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) và nói rằng:
- Bây giờ quân giặc sắp vào cõi mà chúa thượng hãy còn nhỏ tuổi, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta... chẳng bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên ngôi thiên tử đã, rồi sau sẽ xuất quân.
Quân sĩ nghe nói đều vang hô vạn tuế. Sau đó, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đại tướng Phạm Cự Lượng được phong làm Thái úy. Cuối mùa xuân năm Tân Tỵ (981), mọi mũi tiến quân của quân Tống đều bị quân Đại Cồ Việt phá, tướng giặc Hầu Nhân Bảo chết trận, quá nửa quân Tống bị diệt nên buộc vua nhà Tống phải xuống chiếu lui quân.
Vào năm Nhâm Ngọ (982), đại tướng Phạm Cự Lượng phụng mệnh vua đi đánh Chiêm Thành đại thắng tại Đông Dương (kinh đô Chiêm Thành) để rửa hận vua Chiêm vô cớ bắt sứ giả Đại Cồ Việt. Mùa Thu năm Quý Mùi (983), Phạm Cự Lượng nhận được tin vua trao trọng trách đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hoàng (tức từ Đan Nê, Yên Định đến Đồng Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày nay). Trên đắp thành đường, dưới khai thành sông lớn để lưu thông thủy, bộ.
Cũng trong năm, Phạm Cự Lượng còn chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hoan Châu (tức Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay). Ngày 12/9 năm Giáp Thân (984), Phạm Cự Lượng mắc bệnh sốt rét., mất tại Đồng Cổ - nơi ông đang làm việc. Nhà vua thương tiếc sai người đem tướng cửu hồi kinh và an táng tại phía Nam Bồ Sơn.
Năm đó, ông mới tròn 41 tuổi. Ghi nhớ công ơn Đại tướng Phạm Cự Lượng ở Đồng Cổ và Đa Cái hiện còn đền thờ ông. Tại Hà Nội, đời vua Lý Thái Tông (1028-1054) giao cho Bộ Lễ viết sắc phong: “Thần Phạm Cự Lạng làm Hoằng Thánh Đại vương”.
Lời bàn:
Phạm Cự Lượng là một danh tướng tài thời Đinh Tiên Hoàng và sau được vua Lê Đại Hành phong đến chức Thái úy. Ông có vai trò quan trọng trong binh biến đưa Lê Hoàn lên ngôi báu và cuộc kháng chiến Việt - Tống năm 981. Tuy nhiên, các sử gia đương thời đã cho rằng, hành vi suy tôn Lê Hoàn lên ngôi vua của Phạm Cự Lượng là “bất trung”, là “tôn thờ hai chúa”.
Nhưng hậu thế sau này đã có cái nhìn công bằng và chính xác về ông. Vì trước họa xâm lăng của phương Bắc, nhà vua còn quá nhỏ, triều đình rối ren, Phạm Cự Lượng đã nhìn thấy trước tình thế gian nguy ấy và ông đã đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
Và theo ông, nhiệm vụ giữ gìn độc lập dân tộc khi đó là nhiệm vụ cao cả nhất, không phải là giữ gìn một triều đại hay dòng họ nào. Để tìm người làm được nhiệm vụ ấy, cầm lái con thuyền quốc gia đang cơn nguy biến, thống lĩnh nhiệm vụ chỉ huy cuộc chiến tranh giữ nước trước quân Tống lúc bấy giờ, không ai xứng đáng bằng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Đó chính là tầm nhìn vượt thời đại của Phạm Cự Lượng, đồng thời cũng là bài học quý để hậu thế có cái nhìn chuẩn xác về các nhân vật lịch sử và triều đại họ phụng sự.
Xem thêm: Vị tướng nào của Lê Lợi chỉ cần nghe tên quân Chiêm Thành lập tức quy hàng?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận